Những điều cần tránh khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà

26-06-2024 10:44 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Sốt xuất huyết khi điều trị đúng sẽ khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng. Tuy nhiên cần có một số lưu ý khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà.

Sốt xuất huyết là bệnh lý có thể phòng tránh nhưng nhiều người mắc và có thể phát thành ổ dịch. Không phải trường hợp nào mắc sốt xuất huyết cũng cần điều trị tại bệnh viện. Những trường hợp nhẹ có thể tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết để tránh mắc sai lầm.

Thông thường sau 5 ngày, người bệnh sẽ hết sốt. Trong thời gian điều trị tại nhà người bệnh có thể sử dụng thuốc hạ sốt, dung dịch bù nước theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó cần làm xét nghiệm công thức máu mỗi ngày để theo dõi lượng tiểu cầu. Trong trường hợp tiểu cầu xuống dưới 50g/L thì cần nhập viện.

BSCKII Vũ Hoài Nam giải đáp thắc mắc về sốt xuất huyết.

Một số câu hỏi thường gặp khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà

  • Sốt xuất huyết có được tắm không?

Khi bị sốt nói chung và sốt xuất huyết nói riêng người bệnh cần để cơ thể không bị nhiễm lạnh. Trong những ngày bị sốt cao, người bệnh có thể vì mệt nên không tắm. Tuy nhiên ở những ngày sau khi hết sốt, cơ thể đỡ mệt hơn, nhiều người vì chủ quan nên tắm. Nhưng người bệnh không biết rằng giai đoạn hết sốt là giai đoạn nguy hiểm khi tiểu cầu giảm kèm theo rối loạn vận mạch dễ xảy ra choáng váng, ngất. Nếu người bệnh tắm trong giai đoạn này sẽ dễ xảy ra va chạm, nếu có chảy máu sẽ rất khó cầm. Nếu bị sốt xuất huyết, nên hạn chế tắm vì người bệnh khó có thể giữ ấm được cho cơ thể.

  • Sốt xuất huyết nên ăn gì?

Ngoài việc nghỉ ngơi hợp lý, người bệnh cần chú ý chế độ dinh dưỡng. Trong giai đoạn sốt, người bệnh cần bù nước cho cơ thể bằng dung dịch oresol hoặc nước hoa quả. Bên cạnh đó cần chú ý chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

Ở giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm khiến chức năng gan ảnh hưởng, enzim gan tăng khiến người bệnh ăn uống khó khăn hơn, cảm thấy chán ăn. Lúc này cần chế biến đồ ăn dưới dạng mềm, lỏng và chia nhỏ bữa để dễ hấp thu. Thức ăn dưới dạng mềm lỏng còn giúp người bệnh tăng lượng nước hấp thu.

Quan trọng nhất là khi ăn đồ ăn mềm, lỏng người bệnh sẽ không bị lung lay răng hay chảy máu chân răng. Việc chảy máu chân răng không quá nguy hiểm nhưng sẽ gây tâm lý sợ hãi cho người bệnh.

  • Sốt xuất huyết không nên ăn gì?

Người bệnh sốt xuất huyết cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường thể trạng. Bên cạnh đó, người bệnh không cần kiêng ăn gì. Tuy nhiên cần lưu ý chế độ vận động do khi có chấn thương, va chạm sẽ gây chảy máu khó cầm. Do vậy, với người già, phụ nữ có thai hoặc những người thể trạng yếu có nguy cơ té ngã cao, khi di chuyển cần có người nhà theo dõi.

Những điều cần tránh khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà- Ảnh 1.

Bệnh nhân sốt xuất huyết cần làm xét nghiệm công thức máu hàng ngày để theo dõi tiểu cầu.

Trong trường hợp người bệnh có các dấu hiệu như tụt huyết áp, mệt mỏi, chân tay lạnh, đau bụng vùng gan, xuất huyết (chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết dưới da, rong kinh, đi ngoài ra máu…) thì cần nhanh chóng nhập viện để theo dõi và xử lý kịp thời.

Những điều cần tránh khi bị sốt xuất huyết

Người bệnh tuyệt đối không được truyền các dung dịch đạm hay dung dịch cao phân tử, không dùng các loại thuốc kháng sinh, thuốc chứa corticoid. Bên cạnh đó cần tránh nhóm thuốc có chứa salicylic vì có khả năng gây chảy máu cho người bệnh.

Với những người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ… cần được theo dõi sát sao khi mắc sốt xuất huyết. Đây là những đối tượng dễ có nguy cơ xảy ra biến chứng.

Sốt xuất huyết là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng nếu điều trị đúng phác đồ. Hiện nay chưa có vaccine phòng sốt xuất huyết, bất kỳ ai cũng có khả năng mắc bệnh. Thậm chí có tới 4 type huyết thanh gây sốt xuất huyết do đó một người đã mắc sốt xuất huyết vẫn có thể mắc lại. Do vậy, cách tốt nhất vẫn là phòng ngừa bệnh bằng cách vệ sinh môi trường xung quanh để diệt muỗi, sử dụng kem chống muỗi, xịt muỗi, dùng màn khi ngủ…

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, hiện nay có 4 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động. Chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ ở một số khu vực dự báo trong thời gian tới số ca mắc sẽ gia tăng.

Xem thêm video được quan tâm:

Giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết tránh nhầm lẫn I SKĐS


BSCKII Vũ Hoài Nam
Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Hữu Nghị
Ý kiến của bạn