Các chăm sóc cần thiết cho trẻ ngay sau sinh
Trong ngày đầu tiên khi trẻ mới sinh ra, trẻ còn yếu ớt, số trẻ tử vong trong ngày đầu là cao nhất. Vì vậy, gia đình và cán bộ y tế cần chăm sóc trẻ mới sinh ngày đầu đặc biệt cẩn thận. Việc chăm sóc trẻ ngày đầu bao gồm: Giữ ấm, cho trẻ bú mẹ, được cán bộ y tế chăm sóc và theo dõi trẻ tại cơ sở y tế.
Giữ ấm cho trẻ bằng cách lau khô toàn thân ngay sau khi lọt lòng mẹ, sau đó cho trẻ nằm trên ngực mẹ, tiếp xúc da – kề - da với mẹ trong vòng 90 phút đầu sau sinh. Sau khi tiếp xúc da - kề - da, cần mặc ấm cho trẻ, đặt trẻ nằm cạnh mẹ cả ngày và đêm.
Mẹ và trẻ nằm trong phòng ấm đủ ánh sáng, tránh gió lùa. Không để trẻ bị lạnh hoặc tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Cho trẻ bú mẹ ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh và chỉ cho bú mẹ, không cho bất cứ thức ăn, nước uống nào khác.
Trẻ được cán bộ y tế chăm sóc gồm cân và đo; chăm sóc rốn, mắt; tiêm vitamin K1, tiêm phòng viêm gan B. Nếu thấy trẻ có 1 trong các dấu hiệu: không bú, thở khó hay không thở, tím tái, chảy máu ở rốn cần báo ngay cho cán bộ y tế.
Kiểm tra tã lót để theo dõi phân su, nước tiểu của trẻ. Nếu sau 1 ngày thấy trẻ vẫn không ỉa hay không đái thì cần báo ngay cho cán bộ y tế. Trẻ cần được theo dõi tại cơ sở y tế ít nhất 24 giờ đầu sau sinh.
Khi sinh tại nhà, nếu thấy trẻ có một trong các dấu hiệu nguy hiểm thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Trên đường đưa trẻ đến cơ sở y tế cần ủ ấm cho trẻ, tốt nhất là đặt trẻ tiếp xúc da-kề-da với mẹ (hoặc người nhà – nếu mẹ không thể đi cùng) trên đường vận chuyển.
Các chăm sóc chính trong thời kỳ sơ sinh
Trong suốt thời kỳ sơ sinh, trẻ vẫn cần được chăm sóc chu đáo. Những chăm sóc chính trong thời kỳ sơ sinh bao gồm: Giữ ấm, bú mẹ hoàn toàn, tiêm phòng lao, chăm sóc rốn, mắt và vệ sinh cho trẻ.
Cách giữ ấm cho trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh dễ bị mất nhiệt, nếu bị lạnh quá trẻ có thể bị tử vong. Trẻ sơ sinh không tự điều chỉnh được nhiệt độ của mình như người lớn nên có thể bị nóng và lạnh rất nhanh. Vì vậy, trong thời kỳ sơ sinh vẫn cần tiếp tục giữ ấm cho trẻ.
Có thể giữ ấm cho trẻ vừa sinh ra bằng phương pháp da-kề-da với mẹ (hay còn gọi là phương pháp Căng-gu-ru: trẻ ở trần, nằm trên ngực mẹ, da trẻ tiếp xúc trực tiếp với da mẹ). Ông bố hoặc người nhà cũng có thể cho trẻ tiếp xúc da-kề-da thay cho bà mẹ.
Lợi ích của tiếp xúc da-kề-da là trẻ được ủ ấm bằng hơi ấm từ cơ thể mẹ, kích thích con tìm vú mẹ và kích thích mẹ tiết sữa sớm. Trẻ được ôm ấp trong vòng tay của mẹ, làm tăng cường tình cảm mẹ con.
Cần mặc ấm, đội mũ, đi tất (vớ) cho trẻ. Nên mặc đồ vải mềm và thoáng cho trẻ. Không nên mặc đồ vải có nilông. Cho trẻ luôn nằm cạnh mẹ để được mẹ ủ ấm và bú mẹ bất cứ khi nào trẻ muốn. Giữ phòng ở của bà mẹ và trẻ sơ sinh thoáng, đủ ánh sáng, không có gió lùa, ấm áp cả ngày lẫn đêm, cả về mùa hè.
Không để quạt thổi trực tiếp vào trẻ. Không tắm hoặc lau rửa cho trẻ trước 24 giờ đầu sau sinh. Không dùng nước lạnh để tắm hoặc lau rửa cho trẻ. Nếu trời rét, trẻ bị lạnh, trẻ nhẹ cân, trẻ không khỏe thì không cần phải tắm hàng ngày.
Không sưởi bằng than, không nằm gần bếp vì sẽ có hại cho sức khỏe của mẹ và con. Có thể sưởi ấm bằng túi chườm hoặc lò sưởi điện. Không cho trẻ ra ngoài trời nếu thời tiết lạnh dưới 20 độ C. Không cho trẻ sơ sinh lên nương rẫy. Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.
Cho trẻ bú mẹ ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, ngay cả khi sữa chưa về để trẻ được bú sữa non. Sữa non được hình thành từ tuần thứ 14-16 của thai kỳ và được tiết ra trong 1-3 ngày sau sinh. Sữa non có màu vàng nhạt hoặc trong, sánh đặc, giàu chất kháng khuẩn, nhiều vitamin A, chất đạm giúp trẻ phòng chống nhiễm khuẩn. Trong 3 ngày đầu thường lượng sữa chưa nhiều (còn gọi là sữa chưa về) nhưng đủ cho trẻ mới sinh. Ngày thứ nhất sau sinh, dạ dày của trẻ chỉ có thể chứa tối đa 5-7ml sữa và sẽ tiêu hóa trong vòng 1 giờ. Như vậy dung tích dạ dày trẻ và lượng sữa non là hoàn toàn phù hợp với tần suất bú 10-12 lần/ngày. Ngày thứ 3: dung tích dạ dày bằng quả bóng bàn, chứa được 22-27ml. Ngày thứ 5-7: Bằng quả trứng gà, chứa được 43-57 ml
Những việc cần theo dõi ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh rất non yếu, dễ mắc bệnh, khi mắc bệnh dễ trở nặng. Bà mẹ và gia đình cần biết những dấu hiệu bình thường và dấu hiệu nguy hiểm của trẻ sơ sinh và theo dõi cẩn thận.
Các dấu hiệu bình thường ở trẻ:
Màu da: Trẻ mới lọt lòng da màu đỏ sau chuyển sang hồng hào. Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 trẻ có vàng da nhẹ.
Nhịp thở: Trẻ thở bình thường từ 40 đến 60 lần trong 1 phút. Nhịp thở êm, nhẹ, không co rút lồng ngực.
Thân nhiệt: Nhiệt độ cơ thể bình thường từ 36,5 đến 37,4 độ C.
Bú mẹ: Trẻ thường bú mẹ từ 8 đến 12 lần cả ngày lẫn đêm.
Đại tiện: Trẻ đi ngoài phân su trong 24 giờ đầu, sau đó phân vàng; bình thường trẻ đi ngoài từ 3 đến 4 lần trong một ngày.
Tiểu tiện: Bình thường trẻ đi tiểu từ 7 đến 8 lần trong một ngày.
Rốn: Bình thường rốn khô, không hôi, rụng tự nhiên sau sinh 5 đến 10 ngày và liền sẹo.
Phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh là những dấu hiệu đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể gây tử vong do không được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời.
Các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh
Bú ít hoặc bỏ bú. Ngủ li bì khó đánh thức. Thở khác thường (thở chậm dưới 40 lần hoặc thở nhanh trên 60 lần trong 1 phút, co rút lồng ngực, cánh mũi phập phồng, khò khè). Co cứng hoặc co giật. Sốt cao (trên 38,5 độ C) hoặc hạ thân nhiệt (dưới 36 độ C). Mắt sưng đỏ hoặc có mủ. Rốn sưng đỏ hoặc chảy mủ. Vàng da xuất hiện trước 3 ngày tuổi, đặc biệt là vàng da xuất hiện trong 24 giờ sau sinh; vàng da kéo dài trên 14 ngày; vàng da lan nhanh đến bụng, đùi, chân trong những ngày đầu sau sinh; vàng da xuất hiện cả trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; vàng da kèm phân bạc màu. Nôn liên tục. Bụng chướng to. Đi ỉa nhiều nước, nhiều lần hơn bình thường. Trẻ không đái hoặc ỉa sau 24 giờ từ khi sinh.
Nếu phát hiện thấy dấu hiệu bất thường thì phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế. Trên đường đưa trẻ đến cơ sở y tế cần ủ ấm cho trẻ, tốt nhất là đặt trẻ tiếp xúc da con kề da mẹ.
(Theo Thông điệp truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên hiệp quốc)
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bắp Cải Tím “Chiến Binh Bảo Vệ Sức Khỏe Con Người | SKĐS