Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là màng giả xuất hiện ở vị trí nhiễm trùng. Một số loại vi khuẩn tạo ra độc tố gây viêm cơ tim và viêm dây thần kinh ngoại biên. Thông thường, vi khuẩn bạch hầu gây bệnh ở đường hô hấp là loại tiết ra độc tố (tox ), loại gây bệnh ở da thường là vi khuẩn không tiết ra độc tố (tox-). Người mắc bệnh bạch hầu thường tử vong do tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Độc tố bạch hầu gây liệt cơ, viêm cơ tim dẫn đến tử vong trong vòng 6 ngày. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%.
Bạch hầu là bệnh có thuốc đặc hiệu nên có thể điều trị hiệu quả, tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây tổn thương tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi được điều trị, bệnh bạch hầu vẫn có thể gây tử vong với tỷ lệ 3%, tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi (có nhiều thống kê lên tới 20%). Khi bị bệnh bạch hầu, cần điều trị như thế nào cho hiệu quả?
Hình ảnh giả mạc trong bệnh bạch hầu.
Điều trị kháng độc tố càng sớm càng tốt
Do là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh như đau họng, sốt, sưng các tuyến và mệt mỏi toàn thân..., bệnh nhân cần phải đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến cố nguy hại cho sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Sử dụng kháng độc tố (SAD) càng sớm càng tốt sau khi phát bệnh vì thuốc sẽ không còn tác dụng khi độc tố đã xâm nhập tế bào.
SAD được điều chế từ huyết thanh ngựa. Nó là một protein lạ đối với cơ thể người. Đối với SAD có độ tinh khiết cao có thể pha với dung dịch muối đẳng trương truyền tĩnh mạch trong vòng 30-60 phút. Tuy nhiên, hiện nay, SAD đã được pha chế phù hợp nên dùng đường tiêm bắp hay đường dưới da. Liều kháng độc tố được cho tùy thuộc vào thể lâm sàng nhẹ, nặng và thời gian từ khi bị bệnh đến khi sử dụng SAD.
Dùng kháng sinh dự phòng để ngăn chặn bệnh lây lan
Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân như sống cùng gia đình, nhân viên y tế, dùng chung đồ dùng cá nhân, dụng cụ ăn uống, người chăm sóc... cần dùng kháng sinh dự phòng trong 7-14 ngày để ngăn chặn sự lây lan. Song song đó là các biện pháp dự phòng không dùng thuốc như vệ sinh cá nhân, vệ sinh khử khuẩn đồ dùng của bệnh nhân, tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho những người chưa tiêm chủng đầy đủ.
Kháng sinh không thể điều trị thay thế kháng độc tố nhưng rất cần thiết để ngăn chặn sự sản xuất tiếp tục độc tố của vi khuẩn. Penicilline và erythromycine là 2 loại kháng sinh được khuyến cáo dùng. Erythromycine được sử dụng bằng đường uống. Penicillin G tiêm bắp hoặc tĩnh mạch hoặc procaine penicillin tiêm bắp. Liệu trình điều trị 14 ngày. Khi dùng các thuốc này, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, tránh tự ý dừng thuốc hoặc giảm liều do thấy các triệu chứng thuyên giảm...
Tiêm chủng là cách phòng bệnh hữu hiệu nhất cho trẻ. Ảnh: TM
Điều trị hỗ trợ
Dùng prednisone nhưng khi bệnh nhân có biểu hiện biến chứng viêm cơ tim không được dùng.
Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi; bồi phụ nước hoặc điện giải bằng truyền tĩnh mạch, xét nghiệm điện giải để tính lượng bù; mở khí quản khi bệnh nhân có biểu hiện khó thở: Giả mạc bạch hầu che lấp đường thở.
Tiêm phòng
Tiêm phòng bệnh bạch hầu là cần thiết sau thời kỳ hồi phục vì một nửa trường hợp sau khi hồi phục không có được miễn dịch với bệnh bạch hầu và tiếp tục có khả năng bị tái nhiễm. Ngoài ra, nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Tại nơi có ổ dịch bạch hầu cũ, cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Nếu có điều kiện thì ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn bạch hầu.
Tiêm vắc-xin bạch hầu đầy đủ theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Nếu có điều kiện thì khoảng 5 năm tiến hành đánh giá tiêm chủng một lần và/hoặc thực hiện phản ứng Shick để đánh giá tình trạng miễn dịch bạch hầu trong quần thể trẻ em.