1. Khi nào trẻ cần dùng thuốc kháng sinh?
Kháng sinh thường là loại thuốc không thể tránh khỏi trong chăm sóc lâm sàng nhi khoa để ngăn ngừa và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Ngày càng có nhiều nhận thức về hậu quả nghiêm trọng của việc lạm dụng kháng sinh ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ sơ sinh.
Khi một đứa trẻ bị ốm, sốt cao, sổ mũi, đau họng và ho kéo dài là điều đáng lo ngại và căng thẳng cho cha mẹ. Nhiều bậc phụ huynh thường có xu hướng tự mua kháng sinh về dùng cho trẻ với hy vọng trẻ nhanh khỏi bệnh, nhưng đây thường là hành động sai lầm.
Kê đơn thuốc kháng sinh cho các tình trạng như cảm lạnh thông thường, cảm cúm và tiêu chảy thường là không cần thiết. Thậm chí tệ hơn, nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như suy giảm khả năng miễn dịch, tiêu hóa kém và có thể để lại hệ lụy xấu lâu dài cho sức khỏe của trẻ.
Thuốc kháng sinh thúc đẩy những thay đổi trong hệ sinh thái vi sinh vật, có liên quan đến các phản ứng miễn dịch bị thay đổi chống lại mầm bệnh và vaccine, và tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng trong cuộc sống sau này. Hiểu cách điều trị bằng kháng sinh là rất quan trọng để thiết kế các chiến lược điều trị và dự phòng tốt hơn.
Thuốc kháng sinh mang lại những lợi ích sức khỏe đáng kể trong việc điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn. Nhưng sử dụng kháng sinh khi không đúng loại thuốc sẽ không giúp ích gì mà thậm chí có thể gây hại nhiều hơn lợi.
Các nguyên tắc kê đơn kháng sinh dựa trên các tiêu chí chẩn đoán nghiêm ngặt, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của liệu pháp kháng sinh. Thông thường, thuốc kháng sinh được chỉ định để điều trị bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, bao gồm:
- Bệnh nhiễm trùng máu
- Áp xe da / chốc lở
- Viêm phổi do vi khuẩn
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Viêm họng do liên cầu
- Viêm tai giữa
Việc lạm dụng thuốc kháng sinh còn phá vỡ nghiêm trọng sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ. Đó là lý do tại sao chỉ nên dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ hoặc nhân viên y tế.
2. Các loại thuốc kháng sinh được kê đơn phổ biến
Trước khi kê đơn thuốc kháng sinh, bác sĩ sẽ tìm hiểu xem đó có phải là loại thuốc phù hợp để điều trị cho trẻ hay không.
Mặc dù có nhiều loại thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng các loại thuốc được liệt kê dưới đây là những loại kháng sinh thường được kê đơn phổ biến nhất:
Amoxicillin
Amoxicillin đứng đầu danh sách các loại thuốc trẻ em được kê đơn phổ biến. Đây là một loại kháng sinh được hầu hết trẻ dung nạp tốt. Trẻ nhỏ thường dùng ở dạng lỏng và trẻ lớn hơn và người lớn dùng ở dạng viên nén hoặc viên nang.
Amoxicillin được sử dụng để điều trị: Viêm đường hô hấp trên như viêm amidan, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm họng hạt, viêm phổi ở trẻ em.
Amoxicillin / Axit clavulanic
Các chế phẩm amoxicilin và kali clavulanat được dùng để điều trị: Nhiễm khuẩn nặng đường hô hấp trên như viêm amidan, viêm xoang, viêm tai giữa đã được điều trị bằng các kháng sinh thông thường nhưng không đỡ; nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới gây ra bởi các chủng sản sinh ra beta-lactamase; viêm phế quản cấp và mạn, viêm phổi; nhiễm khuẩn đường tiết niệu; nhiễm khuẩn nha khoa; nhiễm khuẩn da và mô mềm như mụn nhọt, côn trùng đốt...
Cephalexin có thể được dùng dưới dạng viên nang, viên nén hoặc hỗn dịch uống để điều trị những bệnh như viêm tai giữa, nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu và nhiễm khuẩn da như chốc lở, mụn nhọt...
Azithromycin thường được kê đơn cho các trường hợp viêm tai giữa. Thuốc có dưới dạng viên nén, ở dạng hỗn dịch uống.
Cefdinir
Cefdinir là một kháng sinh cephalosporin thế hệ thứ 3 dùng đường uống, được sử dụng để điều trị viêm xoang, viêm tai giữa và viêm phổi.
3. Những điều cần lưu ý
Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ và cơ thể của chúng phản ứng khác nhau với thuốc kháng sinh. Điều quan trọng là thiết lập liều lượng chính xác cho trẻ em và xác nhận tính an toàn và hiệu quả. Trong nhi khoa, tất cả các loại thuốc kháng sinh được định lượng theo cách tiếp cận mg / kg dựa trên trọng lượng được chia thành 1-3 liều mỗi ngày, theo loại thuốc cụ thể.
Khi bác sĩ nhi kê đơn thuốc kháng sinh cho một bệnh cụ thể, các bậc cha mẹ cần phải tuân thủ và hoàn thành liều lượng theo chỉ dẫn. Liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ câu hỏi nào hoặc nếu các phản ứng phụ phát triển.
Ngay cả khi được dùng một cách thích hợp, các tác dụng phụ của kháng sinh vẫn có thể xảy ra, vì vậy cha mẹ nên theo dõi con mình chặt chẽ và thông báo ngay với bác sĩ nếu con có biểu hiện bất thường.
Khi thấy dấu hiệu bệnh tiến triển không tự ý ngừng sử dụng thuốc kháng sinh mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Điểm mặt những nguyên nhân viêm họng, đau họng