Những điều cần làm ngay khi trẻ sơ sinh mắc bệnh thủy đậu

09-04-2022 06:51 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu sẽ có nguy cơ diễn biến nặng hơn so với người lớn hoặc trẻ em khác. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ, trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm, với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan.

Chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách và những sai lầm thường gặpChăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách và những sai lầm thường gặp

SKĐS - Thủy đậu là bệnh rất dễ lây lan, qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc do virus từ đờm dãi, nước mũi, nước bọt của người bệnh khi nói, ho, hắt hơi. Nếu chăm sóc không đúng khi trẻ mắc bệnh có thể gặp các biến chứng như: Sẹo trên da, viêm da, viêm tai... thậm chí là viêm màng não, viêm não…

Bệnh thủy đậu dân gian thường gọi là bỏng rạ, là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus thủy đậu có tên Varicella Zoster (VZV) gây nên. Virus này có thể lây truyền từ mẹ sang con qua bánh rau khi mang thai hoặc trẻ mắc phải sau sinh do tiếp xúc với các giọt bắn trong môi trường chứa virus thủy đậu (lây truyền qua đường hô hấp) hoặc tiếp xúc trực tiếp với người chăm sóc bị nhiễm bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.

Cần làm gì khi trẻ sơ sinh mắc bệnh thủy đậu? - Ảnh 2.

Bệnh thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus có tên Varicella Zoster (VZV) gây nên.

1. Những ảnh hưởng khi trẻ sơ sinh mắc thủy đậu

Thủy đậu sơ sinh thường biểu hiện nặng và nhiều biến chứng hơn, do trẻ không nhận được kháng thể bảo vệ từ mẹ và hệ thống miễn dịch của trẻ chưa trưởng thành. Những trẻ bị thủy đậu sơ sinh thường có tổn thương đa cơ quan mà hay gặp nhất là tổn thương phổi.

Bà mẹ mang thai mắc thủy đậu ảnh hưởng thế nào đến em bé tùy thuộc vào tuổi thai mẹ đang mang?

Nếu mẹ bị mắc bệnh thủy đậu trước 28 tuần thai kỳ, sẽ có một tỷ lệ nhỏ trẻ sơ sinh bị bệnh lý bào thai do virus (tổn thương da, mắt, não, ruột và bàng quang).

Mẹ mắc bệnh thủy đậu từ tuần 28 đến tuần 36 của thai kỳ, virus có thể tồn tại trong cơ thể con nhưng không gây triệu chứng. Tuy nhiên, virus có thể hoạt động trở lại vài năm sau đó. Sau 36 tuần, mẹ mắc virus này, trẻ sinh ra có thể bị thủy đậu.

Tỷ lệ trẻ sơ sinh bị thủy đậu cao nhất nếu mẹ bị thủy đậu trong vòng 3 tuần cuối của thai kỳ cho đến vài ngày sau sinh. Biểu hiện của trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ bị thủy đậu có thể từ ngay sau sinh cho đến khi trẻ được 10 - 12 ngày tuổi.

Giai đoạn nguy hiểm nhất là mẹ bị mắc thủy đậu từ 5 ngày trước sinh cho đến 2 ngày sau sinh, có đến 50% trẻ sinh ra bị mắc bệnh, tỷ lệ tử vong cũng cao (đến 30%). Các tổn thương do thủy đậu nặng bao gồm: Viêm phổi, viêm gan, viêm màng não, rối loạn đông máu nặng do suy gan.

Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ bị bệnh thủy đậu nên được cách ly với mẹ, không cho bú mẹ cho đến khi các tổn thương trên da của mẹ khô và lành.

Trẻ sơ sinh bị thủy đậu hoặc có tiếp xúc (phơi nhiễm) với người bệnh thủy đậu, nên được cách ly. Trường hợp trẻ phơi nhiễm nên xuất viện trước 10 ngày sau phơi nhiễm. Trẻ có thể bú mẹ trừ khi mẹ có tổn thương.

Trẻ bị thủy đậu bào thai không cần phải cách ly nếu trẻ không có tổn thương đang tiến triển.

Cần làm gì khi trẻ sơ sinh mắc bệnh thủy đậu? - Ảnh 4.

Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu sẽ có nguy cơ diễn biến nặng hơn so người lớn.

2. Nhận biết trẻ sơ sinh mắc thủy đậu

Trẻ sơ sinh khi bị thủy đậu có thể có các triệu chứng như:

  • Xuất hiện ban ngứa nổi trên da, chủ yếu ở mặt và tứ chi. Sau có thể lan ra toàn thân.
  • Trẻ sốt cao, ngứa ngáy vùng da bị ảnh hưởng…
  • Trẻ quấy khóc, trong nốt mụn có chứa dịch. Nếu nhiễm trùng dịch có thể chuyển đục…

Một số triệu chứng khác có thể đi kèm như:

Các triệu chứng của bệnh thủy đậu này thường xuất hiện trước khi trẻ phát ban từ 3 - 4 ngày.

3. Nếu mẹ mắc thủy đậu cần làm gì tránh lây cho trẻ sơ sinh?

Nhiều mẹ thắc mắc rằng: Nếu mới sinh nhưng mẹ có thể mắc thủy đậu thì cần làm gì để tránh lây nhiễm cho bé? Có cho bé bú mẹ không?

Trong trường hợp mẹ mắc thủy đậu để tránh lây cho con, ngoài mang khẩu trang, các mẹ phải tránh tiếp xúc trực tiếp với bé, không ôm ấp, dỗ dành.

Virus thuỷ đậu không truyền qua sữa mẹ, khác với virus viêm gan hay HIV là truyền qua sữa mẹ, do đó mẹ bị thủy đậu vẫn cho bé bú sữa mẹ bình thường. Sữa mẹ là an toàn, nhưng phải bú gián tiếp bằng cách vắt sữa ra cốc rồi bố hoặc ông bà cho bé bú bằng thìa hoặc bằng bình.

Không cho bú trực tiếp, cần cho bé ngủ riêng, cách ly mẹ, hạn chế nói chuyện với bé để phòng dịch tiết từ đường hô hấp mẹ bắn ra.

Trong trường hợp cả hai mẹ con đều bị thuỷ đậu thì không cần phải cách ly, vì mỗi người chỉ bị bệnh thuỷ đậu một lần duy nhất trong đời mà thôi.

Cần làm gì khi trẻ sơ sinh mắc bệnh thủy đậu? - Ảnh 5.

Trẻ sơ sinh khi bị thủy đậu có thể xuất hiện ban ngứa nổi trên da.

4.Chẩn đoán và điều trị bệnh thuỷ đậu

Việc chẩn đoán thủy đậu ở trẻ sơ sinh có thể dựa vào biểu hiện lâm sàng, với biểu hiện đặc trưng là các tổn thương mụn nước trên da.

Chẩn đoán xác định bằng cách phát hiện virus thủy đậu trong dịch nốt phỏng, trong mảnh sinh thiết mô hoặc trong dịch não tủy bằng phương pháp PCR.

Không giống như các trẻ lớn, đại đa số chỉ điều trị triệu chứng, ở trẻ sơ sinh để giảm nguy cơ biến chứng nặng và tử vong, trẻ nên được dùng thuốc kháng virus (Acyclovir) càng sớm càng tốt, nhất là trong vòng 72 giờ sau khi có mụn nước. 

Chính vì vậy, khi trẻ sơ sinh có những dấu hiệu mắc thuỷ đậu, cha mẹ không nên tự điều trị tại nhà như hầu hết trẻ lớn và người lớn mà cần đưa con đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng gây nguy hiểm cho trẻ.

Cần làm gì khi trẻ sơ sinh mắc bệnh thủy đậu? - Ảnh 6.

Bệnh thủy đậu được điều trị chủ yếu là thuốc kháng virus, thuốc bôi tại chỗ để chống bội nhiễm da.

‎5. Lời khuyên thầy thuốc

‎Đề phòng bệnh thuỷ đậu cho trẻ sơ sinh, các bà mẹ nên tiêm phòng vaccine thủy đậu trước khi mang thai từ 3 đến 6 tháng. Mẹ được tiêm phòng sẽ phòng bệnh cho mẹ và phòng bệnh cho cả con mình, vì kháng thể chống virus thuỷ đậu của mẹ sẽ theo đường máu vào nhau thai và cả theo đường sữa vào cơ thể bé, bảo vệ bé trong 12 tháng đầu đời. 

Khi mang thai nên tránh tiếp xúc với người bệnh thủy đậu. Giữ vệ sinh môi trường và vệ sinh thân thể tốt.

Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng khi gia đình có người mắc bệnh: Khăn mặt, cốc, chén, bát, đũa. Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch. Khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang và rửa tay ngay bằng xà phòng.

Bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh có thể gây ra biến chứng xấu, do đó, khi phát hiện nhiễm bệnh nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Đặc biệt, không nên ở nhà tự chữa vì có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng và bệnh nặng hơn.

Mời độc giả xem thêm video:

Mối nguy hại khi trẻ em xem tivi quá nhiều và cách khắc phục


ThS. BS Nguyễn Thị Anh
Ý kiến của bạn