Những điều cần biết về viêm gan C

30-07-2016 09:29 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm gan C là một bệnh nguy hiểm và có thể dẫn tới xơ gan cũng như ung thư gan. Dưới đây là những điều bạn cần biết về viêm gan C để phòng tránh.

Viêm gan C là một bệnh nguy hiểm và có thể dẫn tới xơ gan cũng như ung thư gan. Dưới đây là những điều bạn cần biết về viêm gan C để phòng tránh.

Viêm gan C là phổ biến

Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam có khoảng 4-5 triệu người nhiễm viêm gan C, chiếm gần 6% dân số.

Bạn có thể bị viêm gan C mà không biết

Viêm gan C có thể gây nhiễm trùng ngắn hạn với các triệu chứng giống cúm và thường nhẹ (nên dễ bị bỏ qua). Có khoảng 80% người mắc không có triệu chứng. Kết quả là bạn có thể bị nhiễm viêm gan C mà không biết. Và bạn có thể vô tình lây bệnh cho người khác. Điều đó giải thích tại sao kiểm tra thường xuyên là quan trọng nếu bạn đang có nguy cơ. Các yếu tố nguy cơ chính hiện nay là tiền sử tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn. Hãy tư vấn bác sĩ về nguy cơ của bạn và làm xét nghiệm nếu cần.

Khoảng 15-25% số người bị viêm gan C cấp sẽ khỏi bệnh mà không cần điều trị. Những người này sẽ không bị tiến triển thành viêm gan C mạn tính và có thể không bao giờ biết mình đã mắc bệnh. Theo các chuyên gia y tế, gen đặc hiệu IL-28B có thể đóng vai trò. Những người có gen này có khả năng chống lại lây nhiễm ban đầu cao hơn. Gen này cũng có thể ảnh hưởng tới đáp ứng điều trị với interferon.

Bạn có thể bị nhiễm viêm gan C trên 15 năm mà không có triệu chứng

Khoảng 85% số người bị viêm gan C cấp tính tiến triển thành viêm gan C mạn tính. Nhưng bạn có thể bị viêm gan C mạn tính 15 năm hoặc lâu hơn mà không biết mình mắc bệnh. Trong thời gian này, bạn có thể lây lan vi rút sang người khác mặc dù bạn không có triệu chứng. Đối với nhiều người, họ có thể nhận ra bị viêm gan C khi các triệu chứng viêm gan xuất hiện như mệt mỏi, buồn nôn, nôn, chán ăn và vàng da, vàng mắt.

Viêm gan C là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến ghép gan

Viêm gan C mạn tính dẫn tới tổn thương gan. Nếu không điều trị, bệnh có thể gây tổn thương vĩnh viễn. Một số người tiến triển tới suy gan giai đoạn cuối khi gan ngừng làm việc. Phương pháp điều trị duy nhất là ghép gan. Tin tốt là phần lớn những người ghép gan đều khỏe mạnh. Nhưng bạn có thể vẫn cần tiếp tục điều trị viêm gan C sau phẫu thuật.

Có 6 chủng viêm gan C khác nhau

Không phải tất cả các loại viêm gan đều giống nhau, có tới 6 kiểu gen (chủng) viêm gan C khác nhau. Biết được kiểu gen bạn mắc là quan trọng vì nó giúp cho việc điều trị. Bác sĩ sẽ đề nghị làm xét nghiệm kiểu gen sau khi chẩn đoán bệnh.

Phương pháp mới có thể điều trị viêm gan C

Trong quá khứ, có rất ít lựa chọn để điều trị viêm gan C. Các thuốc thường khó dung nạp và cần điều trị nhiều tháng. Những thuốc này có thể vẫn là sự lựa chọn tốt nhất cho một số người. Nhưng hiện nay có những thuốc dễ hấp thu và có hiệu quả hơn. Trên thực tế, hơn 90% bệnh nhân dùng sự kết hợp thuốc mới này đạt được đáp ứng vi-rút ổn định (SVR) - các xét nghiệm không thể phát hiện vi-rút viêm gan C 6 tháng sau khi kết thúc điều trị.

Bệnh có thể tái nhiễm

Khi bị viêm gan C, cơ thể sản sinh ra kháng thể. Những kháng thể này có thể thấy khi xét nghiệm sàng lọc viêm gan C. Sự hiện diện của những kháng thể này có nghĩa là bạn đã bị nhiễm vi-rút. Đối với nhiều loại vi-rút, có kháng thể có nghĩa là bạn được miễn dịch và không bị nhiễm lại. Thủy đậu là một ví dụ. Nhưng thật không may, các kháng thể vi-rút viêm gan C dường như không bảo vệ bạn khỏi tái nhiễm. Vì vậy, dù bạn đã được điều trị và chữa khỏi viêm gan C nhưng bạn vẫn có thể bị tái nhiễm.

Viêm gan C có thể phòng ngừa

Không giống viêm gan A và B, hiện tại chưa có vắc-xin ngừa viêm gan C. Nhưng bạn có thể tự bảo vệ mình khỏi nhiễm bệnh hoặc tái nhiễm. Những việc bạn cần làm là tránh tiếp xúc với máu bị nhiễm. Nếu bạn sử dụng ma túy, hãy tham gia chương trình điều trị. Nếu không thể cai ma túy, tuyệt đối không dùng chung hoặc dùng lại kim tiêm hoặc dụng cụ khác. Luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Tránh dùng chung dao cạo hoặc vật dụng cá nhân với người mắc viêm gan C.

BS Tuyết Mai

Theo Healthguide/Univadis


Ý kiến của bạn