1. Tiêu chảy là gì?
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc nước nhiều hơn 3 lần mỗi ngày. Tiêu chảy ngược lại với táo bón là tình trạng phân cứng và khó đi tiêu. Tiêu chảy có thể cấp tính hoặc mãn tính (kéo dài). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy, trong đó có tác dụng ngoại ý của việc sử dụng một số loại thuốc để điều trị các bệnh lý y tế khác.
2. Vì sao thuốc có thể gây tiêu chảy?
Tiêu chảy là một tác dụng ngoại ý tương đối thường xuyên, chiếm khoảng 7% tổng số tác dụng ngoại ý của thuốc.
Một số loại thuốc có khả năng gây tiêu chảy vì đặc tính dược lực học của chúng. Một số cơ chế sinh lý bệnh liên quan đến tiêu chảy do thuốc là tiêu chảy thẩm thấu, tiêu chảy xuất tiết, kém hấp thu hoặc khó tiêu chất béo và carbohydrate…
Trong thực hành lâm sàng, người ta thấy có 2 loại tiêu chảy chính:
- Tiêu chảy cấp thường xuất hiện trong vài ngày đầu điều trị.
- Tiêu chảy mãn tính, kéo dài hơn 3 hoặc 4 tuần và có thể xuất hiện một thời gian dài sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc.
Cả hai đều có thể nặng và dung nạp kém.
Ở bệnh nhân tiêu chảy, tiền sử bệnh rất quan trọng, đặc biệt là tiền sử dùng thuốc, vì nó có thể gợi ý chẩn đoán tiêu chảy do thuốc.
3. Các loại thuốc phổ biến gây tiêu chảy
3.1 Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh là nguyên nhân gây ra 25% trường hợp tiêu chảy do thuốc. Phổ bệnh của tiêu chảy liên quan đến kháng sinh từ tiêu chảy lành tính đến viêm đại tràng giả mạc.
Thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn bằng cách giúp cơ thể chống lại và tiêu diệt vi khuẩn. Nhưng, một số loại thuốc kháng sinh cũng tiêu diệt vi khuẩn hữu ích bình thường sống trong ruột, dẫn đến tiêu chảy. Thường tiêu chảy do thuốc kháng sinh sẽ tự khỏi sau khi dùng hết thuốc.
Một dạng tiêu chảy do kháng sinh nghiêm trọng hơn là do loại vi khuẩn sản sinh độc tố C. difficile và gây ra tiêu chảy nghiêm trọng và thậm chí ra máu. Tình trạng này được gọi là viêm đại tràng giả mạc. Khi đó cần một loại kháng sinh khác để điều trị.
Các loại thuốc kháng sinh có nhiều khả năng gây tiêu chảy bao gồm:
- Cephalosporin
- Clindamycin
- Penicillin
3.2 Thuốc nhuận tràng
Để giảm táo bón, nhiều người sử dụng thuốc nhuận tràng. Nhìn chung, các chất làm mềm phân như docusate không gây tiêu chảy. Tuy nhiên, các loại thuốc nhuận tràng khác có thể dẫn đến phân lỏng hoặc nhiều nước, bao gồm: Thuốc nhuận tràng thẩm thấu, thuốc nhuận tràng kích thích như bisacodyl kích hoạt các cơn co thắt ruột...
3.3 Thuốc trị trào ngược dạ dày thực quản
Có ba cách tiếp cận chính để giảm trào ngược dạ dày thực quản là bằng cách sử dụng thuốc:
- Thuốc kháng axit
- Thuốc chẹn H2
- Thuốc ức chế bơm proton.
Cả ba loại thuốc này đều có thể gây tiêu chảy. Trong nhóm thuốc kháng axit, các sản phẩm có chứa magiê dễ gây tiêu chảy nhất. Nếu đây là vấn đề, hãy chọn thuốc kháng axit có nhôm hoặc canxi để thay thế. Nếu bị tiêu chảy do thuốc thuộc một trong hai nhóm còn lại, có thể thử chuyển sang một loại thuốc khác trong cùng nhóm. Đối với tiêu chảy nặng, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn.
3.4 Thuốc hóa trị liệu
Khi hóa trị làm tổn thương các tế bào này trong ruột, cơ thể không thể hấp thụ chất lỏng nhiều như bình thường. Thay vào đó, chất lỏng ở lại trong ruột dẫn đến phân có nước. Một số, nhưng không phải tất cả, các loại thuốc hóa trị có thể gây tiêu chảy ở 30% số người điều trị.
Các loại thuốc có nhiều khả năng gây tiêu chảy nhất được các bác sĩ sử dụng để điều trị ung thư ruột kết và các bệnh ung thư đường tiêu hóa khác. Tuy nhiên, thuốc hóa trị để điều trị các dạng ung thư khác cũng có thể gây tiêu chảy.
3.5 Thuốc điều trị bệnh Alzheimer
Thuốc ức chế men cholinesterase là một nhóm thuốc có công dụng chính là điều trị bệnh Alzheimer. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn một loại enzyme thường phân hủy hóa chất, acetylcholine.
Acetylcholine có rất nhiều tác dụng đối với cả hệ thần kinh trung ương và khắp cơ thể. Một trong số đó là kích thích nhu động ruột (co bóp để giúp thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa). Khi có nhiều acetylcholine hơn, nhu động ruột tăng lên và điều này có thể gây tiêu chảy. Thuốc thuộc nhóm này bao gồm donepezil, galantamine và rivastigmine.
3.6 Thuốc tiểu đường
Có hai loại thuốc tiểu đường thường gây tiêu chảy như một tác dụng phụ:
Metformin: Hơn một nửa số người dùng metformin trong một nghiên cứu lâm sàng cho biết bị tiêu chảy. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa hiểu rõ nguyên nhân tại sao nó lại gây ra tiêu chảy.
Acarbose: Thuốc làm chậm quá trình tiêu hóa tinh bột, để lại nhiều carbohydrate không tiêu hóa được trong ruột. Khoảng 31% người dùng acarbose sẽ bị tiêu chảy.
3.7 Các loại thuốc khác thường gây tiêu chảy
Tiêu chảy cũng thường gặp với nhiều loại thuốc khác, bao gồm cả thuốc chống viêm và thuốc trị bệnh tim. Colchicine cho bệnh gút, NSAID (thuốc chống viêm không steroid), digoxin, thuốc chống trầm cảm và thuốc ức chế hệ thống miễn dịch cũng có thể gây tiêu chảy.
Một số loại trà thảo mộc có chứa senna có thể gây tiêu chảy. Các loại vitamin, khoáng chất hoặc chất bổ sung khác cũng có thể gây tiêu chảy.
4. Việc cần làm nếu bị tiêu chảy do thuốc
- Nếu tiêu chảy có liên quan đến một trong các loại thuốc đang sử dụng cần thông báo với bác sĩ điều trị để được xử lý thích hợp.
- Khi bác sĩ điều trị kê đơn thuốc cho người bệnh, cảnh báo về một loại thuốc gây tiêu chảy sẽ có trong thông tin bệnh nhân cùng với đơn thuốc. Nếu chưa nắm rõ cần trao đổi với bác sĩ.
- Đôi khi, tiêu chảy có thể là dấu hiệu của phản ứng nghiêm trọng hoặc độc tính từ thuốc. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần thông báo ngay cho bác sĩ.
- Đối với thuốc không kê đơn, tác dụng phụ gây tiêu chảy sẽ được ghi cụ thể trên nhãn thông tin thuốc. Vì vậy khi sử dụng thuốc cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Điều cần biết về việc khi nào tiêm vaccine COVID-19 khi trẻ vừa tiêm vaccine khác