Những điều cần biết về rối loạn mỡ trong máu

21-05-2015 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Theo GS. TS. Đặng Vạn Phước Đại Học Y Dược TP. HCM Hiện nay, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại các nước công nghiệp phát triển

Theo GS. TS. Đặng Vạn Phước Đại Học Y Dược TP. HCM Hiện nay, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại các nước công nghiệp phát triển và được dự báo là sẽ gia tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển, kể cả khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Bệnh tim mạch

Nhiều yếu tố nguy cơ góp phần gây ra bệnh tim mạch đã được xác định như là tăng huyết áp ( cao máu ), hút thuốc lá, bệnh đái tháo đường (tiểu đường), béo phì, ít vận động, lớn tuổi, mãn kinh và đặc biệt là rối loạn mỡ trong máu, là tình trạng hiện còn ít được đề cập trong các chương trình truyền thông - giáo dục sức khỏe.

Rối loạn mỡ trong máu (RLMTM) là gì?

Rối loạn mỡ trong máu có khi được gọi là tăng mỡ trong máu hay dân gian hơn là cao mỡ trong máu, dư mỡ trong máu, hoặc mỡ lộn máu, máu lộn mỡ… Dùng chữ Rối loạn mỡ trong máu mà không dùng là tăng, cao hoặc dư là vì thực sự có nhiều loại mỡ trong máu mà một số loại khi tăng là XẤU đối với cơ thể; nhưng có loại mỡ (như HDL - Cholesterol) có vai trò bảo vệ, chống bệnh tật nên càng cao lại càng TỐT. Do đó chữ RỐI LOẠN MỠ TRONG MÁU có nghĩa chính xác hơn.

Chúng ta đều biết để đảm bảo cung cấp năng lượng cho các hoạt động bình thường và cung cấp các vật liệu cần thiết duy trì cấu trúc các cơ quan bộ phận trong cơ thể người, chúng ta cần 3 hệ thống chuyển hóa: hệ thống chuyển hóa Protein còn gọi là đạm, chuyển hóa Gluxit còn gọi là đường và chuyển hóa Lipid còn gọi là mỡ. Ba hệ thống chuyển hóa này giúp cơ thể tiêu hóa, hấp thu các chất từ thức ăn hàng ngày sau đó phân phối, dự trữ và sử dụng các chất theo đúng nhu cầu của cơ thể. Như vậy cũng như chất đạm, đường, chất mỡ được hấp thu từ thức ăn, qua ruột vào máu rồi theo đường máu tới cơ để giúp tạo năng lượng cho cơ bắp hoạt động, tới gan để biến đổi thành các vật liệu cần thiết cho cơ thể như mật, các chất tham gia cấu tạo nên các mô tế bào và nếu dư thừa sẽ tích lũy tại mô mỡ với chức năng DỰ TRỮ.

Như vậy việc ăn uống thức ăn có một lượng mỡ nhất định hàng ngày là chuyện bình thường, cũng như chất đạm có trong thịt, cá, tàu hũ và đường trong cơm, bánh mì, hủ tíu, trái cây. Một khẩu phần có tỷ lệ cân đối giữa đạm - đường - mỡ là rất cần thiết cho việc đảm bảo chế độ dinh dượng mạnh khoẻ. Tỷ lệ này dĩ nhiên có sự khác biệt tùy theo đặc điểm địa lý, khí hậu, dân tộc và thói quen. Ví dụ như người xứ lạnh cần khẩu phần mỡ khá cao để giúp việc tạo đủ năng lượng chống với giá lạnh, dĩ nhiên họ dùng loại mỡ cá là mỡ ít gây bệnh và thực tế tỷ lệ mắc bệnh tim mạch của họ không cao.

Mỡ hấp thu từ thức ăn qua ruột, hoặc được tạo ra từ gan, cũng phải được lưu thông trong máu tới các nơi sử dụng hoặc dự trữ, do đó việc xét nghiệm máu thấy có mỡ loại này loại kia cũng là chuyện BÌNH THƯỜNG hay nói một cách khác CÓ MỠ TRONG MÁU là điều bình thường, không nên quá hoảng hốt như một số bệnh nhân. Tuy nhiên lượng MỠ TRONG MÁU NÀY phải nằm trong MỨC BÌNH THƯỜNG hay còn gọi là mức MONG MUỐN. Khi các xét nghiệm thấy các thành phần mỡ trong máu tăng (hoặc giảm) qua mức GIỚI HẠN thì cần cẩn thận bắt đầu điều chỉnh chế độ độ ăn uống và nếu đạt tới mức BÁO ĐỘNG thì cần có các biện pháp điều trị tích cực hơn như điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt phối hợp với việc dùng thuốc hạ mỡ trong máu.

Tóm lại là khi các thành phần mỡ vốn có trong máu thay đổi và vượt qua giới hạn BÌNH THƯỜNG hay MONG MUỐN, thì người ta nói là có RỐI LOẠN MỠ TRONG MÁU. Đương nhiên có rối loạn nhẹ, có những trường hợp rối loạn nhiều, nặng hay cần báo động để can thiệp điều trị.

Tại sao rối loạn mỡ máu lại cần quan tâm và nó gây nguy hiểm gì?

Khi có sự rối loạn mỡ trong máu , thường có sự gia tăng quá nhiều chất béo gây bệnh, cụ thể là những chất béo gây ra xơ vữa động mạch. Các chất béo này, đặc biệt là LDL - Cholesterol sẽ đọng lại, gắn vào thành mạch máu và kéo theo là một chuỗi quá trình tiếp theo để tạo thành những vệt mỡ, những mảng vữa xơ mà hậu quả của nó là làm hẹp lòng mạch máu lại. Lòng các mạch máu hẹp lại sẽ làm giảm việc cung cấp máu cho các cơ quan quan trọng.. Nếu là tim ta có bệnh thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim; Nếu là não ta có bệnh tai biến mạch máu não như đột quỵ (mà dân gian hay gọi là đứt gân máu); nếu là ở mạch máu tay chân ta có bệnh tê lạnh đầu ngón chân tay, đau buốt khi đi lại…

Những biến chứng mạch máu này đều rất nguy hiểm vì có thể gây chết người hoặc tàn tật.

Điều quan trọng phải nói là rối loạn mỡ trong máu không phải là nguyên nhân duy nhất hoặc trực tiếp gây ra các bệnh tim mạch nói trên mà nó là một trong những yếu tố góp phần gây bệnh, danh từ y khoa gọi là yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch. Nghĩa là việc điều trị và phòng ngừa bệnh tim mạch bao gồm việc phát hiện và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ có trên một bệnh nhân. Ngoài việc điều trị rối loạn Lipid máu, cần bỏ thuốc lá, điều trị tăng huyết áp, điều trị đái tháo đường, giảm cân và tăng cường luyện tập thể dục, vận động, dưỡng sinh.

Làm sao biết được có rối loạn mỡ trong máu ?

Việc khám sức khoẻ hoặc khám bệnh định kỳ là rất cần thiết, đặc biệt khi bắt đầu có tuổi (trên 40 tuổi). Khám bệnh kỹ lưỡng có thể phát hiện được nhiều triệu chứng quan trọng, biết được huyết áp, nhịp tim, dấu hiệu phù chân, gan lớn, báng bụng… Nhưng riêng đối với rối loạn mỡ trong máu thì việc khám bệnh rất hạn chế. Phương pháp chẩn đoán sớm nhất và chính xác nhât là xét nghiệm máu, các (bác) sĩ sẽ hướng dẫn kỹ bệnh nhân để việc lấy máu thử được chính xác.

Các chỉ số mỡ trong máu được các phòng xét nghiệm ghi rõ mức bình thường và kết quả của bệnh nhân. Việc phân tích, nhận định các kết quả này cũng như mức độ cần can thiệp, những lời khuyên về chế độ ăn uống, thay đổi thói quen, lối sống và quyết định chọn lựa loại thuốc nào tốt nhất phải do bác  sĩ phụ trách việc khám bệnh cho bệnh nhân quyết định.

Một điều cần nhắc là rối loạn mỡ trong máu không thay đổi nhanh chóng trong vài giờ hoặc vài ngày, ngay cả khi bắt đầu áp dụng chế độ kiêng khem hoặc dùng thuốc, vì vậy không nên nôn nóng đi thử máu nhiều lần liên tiếp chỉ cách nhau vài ngày. Thời gian kiểm tra lại xét nghiệm tốt nhất cũng tùy theo sự chỉ định của thầy thuốc khám bệnh.

Điều trị rối loạn mỡ máu thế nào?

Như đã cắt nghĩa ở phần trên, rối loạn mỡ trong máu chỉ là một trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch trên một bệnh nhân, hơn nữa bản thân sự rối loạn mỡ trong máu lại có những loại khác nhau và mức độ nặng nhẹ khác nhau, do đó việc quyết định điều trị cần phải được Bác sĩ cân nhắc hết sức kỹ càng trong việc đánh giá toàn diện người bệnh, kể cả yếu tố bệnh tật, nghề nghiệp, xã hội, và khả năng tài chánh.

Có rất nhiều thuốc điều trị hạ mỡ trong máu , chúng có cơ chế tác dụng, hiệu quả, cũng như tác dụng phụ khác nhau, do đó việc lựa chọn chính xác và phù hợp cần ý kiến của bác  sĩ, người nào nắm rõ bệnh nhân, đầy đủ, toàn diện và đã có kinh nghiệm ( thực) tế vững vàng.

Mong rằng mọi người tiếp tục hoặc ngay từ bây giờ, có những hành động cần thiết giúp cho việc phát hiện sớm, chẩn đoán đúng, điều trị hữu hiệu và một kế hoạch phòng ngừa bệnh thật sớm, thật hiệu quả cho chính mình và những người thân của mình.

Công ty TNHH Thương mại và truyền thông Ngọc Bình

Địa chỉ: Phòng 36, nhà A2, số 352 Giải Phóng - Thanh Xuân - Hà Nội

 

 


Ý kiến của bạn