PrEP có thể giúp gì cho phụ nữ?
Phụ nữ thường bị nhiễm HIV khi quan hệ tình dục không an toàn với bạn tình nam. Mặc dù hiếm gặp, nhưng vẫn có khả năng bị nhiễm nếu bạn tình của bạn là phụ nữ nhiễm HIV. Virus có thể lây lan qua vết cắt, chảy máu nướu răng, vết loét trong miệng, hoặc máu kinh nguyệt hoặc dùng chung đồ chơi tình dục… PrEP có thể giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV ở phụ nữ - những người có nguy cơ cao nhiễm HIV.
PrEP có thể bảo vệ bạn và em bé của bạn khỏi bị nhiễm HIV. Thuốc này an toàn khi bạn đang cố gắng mang thai, trong thời kỳ mang thai và trong thời gian cho con bú.
Bạn có thể dùng PrEP với liệu pháp hormone. Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy các loại thuốc này tương tác với nhau, nhưng bạn nên trao đổi với bác sĩ nếu lo lắng về việc PrEP có thể ảnh hưởng đến bất kỳ loại thuốc nào mà mình đang sử dụng.
PrEP có hiệu quả như thế nào?
Khi bạn dùng thuốc đúng theo chỉ định, tuân thủ tốt, PrEP có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục khoảng 97%, nguy cơ nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy giảm ít nhất 74%. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi lây truyền HIV do quan hệ hình dục không an toàn là nguyên nhân chính tại Việt Nam. PrEP sẽ không hiệu quả nếu bạn bỏ liều.
PrEP cũng cần thời gian để phát huy tác dụng bảo vệ tối ưu. Đối với quan hệ tình dục qua đường âm đạo, có thể mất tới 21 ngày kể từ viên thuốc đầu tiên cho đến khi thuốc có hiệu quả nhất.
PrEP bảo vệ bạn hiệu quả nhất khi uống thuốc đều đặn hàng ngày, tốt nhất là uống vào một giờ cố định trong ngày. Có thể sử dụng các ứng dụng nhắc nhở uống thuốc miễn phí, chuông cảnh báo đến giờ uống thuốc trên điện thoại hoặc dán một tờ giấy nhớ ở nơi dễ nhìn để nhắc nhở việc uống thuốc…
PrEP hiệu quả trong việc phòng ngừa HIV, nhưng không hiệu quả 100%. Bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm HIV nhiều hơn nữa nếu thực hiện các biện pháp tình dục an toàn khác như luôn sử dụng bao cao su.
Tác dụng phụ của PrEP đối với phụ nữ là gì?
PrEP thường an toàn, nhưng giống như tất cả các loại thuốc khác, có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Chúng thường nhẹ và biến mất sau khoảng một tháng. Hãy cho bác sĩ biết nếu các triệu chứng của bạn vẫn còn hoặc trở nên tồi tệ hơn.
Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm:
- Đau bụng hoặc cảm giác buồn nôn
- Đau đầu hoặc mệt mỏi
- Chán ăn
- Tiêu chảy…
Hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn bị sốt và ớn lạnh kèm theo:
- Đau họng
- Ho
- Phát ban
- Các dấu hiệu nhiễm trùng khác…
Bạn có thể ngừng dùng PrEP không?
Hãy trao đổi với bác sĩ trước khi bạn thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với thuốc của mình. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra những cách khác để phòng ngừa HIV có thể dễ dàng hơn đối với bạn.
Một số lý do khiến bạn có thể quyết định ngừng dùng PrEP bao gồm:
- Nguy cơ nhiễm HIV của bạn giảm xuống vì những thay đổi trong cuộc sống
- Bạn không thể nhớ uống thuốc mỗi ngày
- Tác dụng phụ của PrEP ảnh hưởng đến cơ thể hoặc sinh hoạt hàng ngày mà không khắc phục được.
- Cơ thể bạn phản ứng với PrEP theo cách không an toàn...
Ai không nên dùng PrEP?
Mặc dù sử dụng PrEP có hiệu quả cao và an toàn, tuy nhiên không phải tất cả mọi người có nhu cầu đều có thể đều dùng được PrEP.
Với PrEP uống hàng ngày, không chỉ định dùng PrEP cho:
- Người có HIV dương tính.
- Người có bệnh lý về thận.
- Người có dấu hiệu nhiễm HIV cấp hoặc có khả năng mới nhiễm HIV.
- Người dị ứng hoặc có chống chỉ định với bất kỳ thuốc nào trong phác đồ PrEP.
- Người nhẹ cân (dưới 35 kg);
- Người phơi nhiễm với HIV trong vòng 72 giờ qua. PrEP không phải là lựa chọn tốt nếu bạn mới tiếp xúc với HIV. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn đã tiếp xúc với HIV trong vòng 72 giờ qua. Liệu pháp dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) có thể phù hợp hơn với tình huống này.
Trước khi sử dụng PrEP, người dùng cần phải xét nghiệm HIV và nên xét nghiệm cả chức năng gan, thận. Người dùng đặc biệt lưu ý, thuốc PrEP chỉ dành cho những người âm tính với HIV.
Kể từ khi chương trình PrEP được thí điểm ở Việt Nam vào năm 2017, đến nay có 35 tỉnh/thành phố trên cả nước đang cung cấp dịch vụ này. Với sự hỗ trợ từ PEPFAR và Dự án Quỹ toàn cầu, Việt Nam đã điều trị PrEP cho 67.000 người nguy cơ cao, trong đó trên 80% là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Với kết quả này, năm 2023, Việt Nam trở thành nước dẫn đầu Châu Á – Thái Bình Dương về số người điều trị PrEP. Các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP được đa dạng, từ cố định tại cơ sở y tế đến lưu động tại các địa bàn, khu vực phù hợp với nhu cầu của quần thể đích.
Đặc biệt, PrEP là một minh chứng cho sự tham gia của y tế tư nhân trong việc cung cấp các can thiệp dự phòng trước phơi nhiễm HIV, trong đó có các cơ sở y tế do chính những người cộng đồng MSM thực hiện.
Hãy liên hệ với các cơ sở điều trị HIV/AIDS hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố để được biết thêm thông tin chi tiết.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Cảnh báo nhiễm HIV trong nhóm thanh thiếu niên.