Những điều cần biết về nước muối sinh lý

13-05-2017 13:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Vừa qua, Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh đã kiểm tra và phát hiện một số cơ sở sản xuất nước muối sinh lý không đảm bảo tiêu chuẩn về nhà xưởng, dụng cụ cũng như vấn đề mất vệ sinh trong quá trình sản xuất khiến chất lượng nước muối không đảm bảo tính an toàn. Xin giới thiệu bài viết để bạn đọc hiểu rõ hơn về tác dụng của loại nước muối sinh lý này…

Nước muối sinh lý có tác dụng kháng khuẩn không?

Hiện nay, nước muối 0,9% là sản phẩm rất thông dụng và được sử dụng vào rất nhiều mục đích, từ làm dịch tiêm truyền, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, rửa vết thương, súc miệng, súc họng... Và trong nhiều trường hợp thì không ít người sử dụng nghĩ rằng nước muối đó có tác dụng kháng khuẩn, diệt khuẩn... Tuy nhiên, khi nào thì nước muối được coi là an toàn và có tác dụng chính của nó là gì?Dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi là theo cơ chế rửa trôi chứ không phải kháng khuẩn.

Dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi là theo cơ chế rửa trôi chứ không phải kháng khuẩn.

Nước muối 0,9% hay còn gọi là nước muối sinh lý, vì nồng độ của dung dịch này đẳng trương với nồng độ của dịch sinh lý cơ thể nói chung. Khi đẳng trương với dịch sinh lý thì đương nhiên là cân bằng với dịch thể và cũng cân bằng với dịch tế bào của hầu hết các loại vi khuẩn. Chính vì vậy mà dung dịch tiêm truyền NaCl 0,9% là một giải pháp đầu tay trong việc cung cấp bổ sung dịch cho cơ thể một cách trực tiếp truyền qua đường tĩnh mạch vào máu. Các sản phẩm dịch truyền này phải đạt tiêu chuẩn khắt khe theo quy định riêng của tiêu chuẩn “thuốc tiêm truyền” (dịch truyền). Nước muối nồng độ này không có khả năng kháng khuẩn.

Nước muối càng có nồng độ cao, đậm đặc thì càng ưu trương, càng háo nước. Nếu tiếp xúc với tế bào sống thì nước muối “ưu trương mạnh” sẽ “rút” nước từ tế bào khiến cho tế bào bị mất nước, biến dạng, teo nhỏ, bất hoạt hoặc bị tiêu diệt theo kiểu “chết khô”. Cho dù đó là tế bào của cơ thể người hay của vi khuẩn thì cũng chịu chung số phận như vậy. Cho nên, nếu để có tác dụng kháng khuẩn hay diệt khuẩn thì dung dịch nước muối phải có nồng độ muối đậm đặc hơn dung dịch đẳng trương rất nhiều. Nhưng nếu dùng nước muối đậm đặc để nhỏ mắt thì hỏng mắt, để nhỏ mũi hay súc miệng... thì lâu dài sẽ gây tổn thương niêm mạc. Cho nên không dùng được dung dịch nước muối đậm đặc.

Những điều cần lưu ý về nước muối 0,9%

Dung dịch nước muối đẳng trương không có tác dụng diệt khuẩn, mà chỉ có tác dụng “rửa trôi” vi khuẩn nếu như ta dùng để súc miệng, súc họng, rửa vết thương... Nhưng khi sử dụng nước muối 0,9%, ta cần hiểu rõ:

Nếu là dịch truyền thì phải đạt tiêu chuẩn thuốc tiêm truyền (vô khuẩn, không có chí nhiệt tố...) Nếu là chế phẩm dung dịch nước muối “nhỏ mắt”, hầu hết sẽ đạt cấp độ vô khuẩn và không gây kích ứng mắt. Nếu là dung dịch nước muối “nhỏ mũi” thì không được nhỏ mắt, vì không đạt tiêu chuẩn của thuốc nhỏ mắt, có thể gây hại cho mắt. Nếu là dung dịch nước muối “rửa vết thương” thì phải đạt giới hạn nhiễm khuẩn cấp độ 2, tức là gần bằng tiêu chuẩn vô khuẩn của thuốc tiêm và cao hơn tiêu chuẩn về giới hạn nhiễm khuẩn các loại dung dịch thuốc uống rất nhiều.

Nhưng trên thực tế, sản phẩm dung dịch nước muối rửa vết thương có giá thành rất rẻ và rất ít được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư sản xuất. Nếu với giá thành hiện tại trên thị trường, xuất xưởng chỉ vài ngàn đồng/chai 500ml, còn rẻ hơn chai nước lọc để uống... thì rất ít sản phẩm đạt tiêu chuẩn, nhất là các sản phẩm không đăng ký là thuốc.

Vì vậy, với những chai dung dịch rửa vết thương được đấu thầu và cung cấp vào các bệnh viện, cơ sở y tế... theo đường chính ngạch, thì còn tạm yên tâm về giới hạn nhiễm khuẩn. Còn các nguồn trôi nổi trên thị trường khác thì khó kiểm soát về độ an toàn này.

Cho nên, khi bạn mua chai nước muối sinh lý ngoài thị trường mà không để ý tới xuất xứ của nó, lại kỳ vọng dùng nó để diệt khuẩn, tác dụng diệt khuẩn chưa thấy nhưng khả năng làm tăng thêm nhiễm khuẩn là khá cao.

Việc cổ vũ và khuyên dùng nước muối sinh lý để súc miệng sẽ là hợp lý nếu chai nước muối đó chuẩn. Nhưng đôi khi thật khó mà kiểm soát được độ an toàn của chai nước muối sinh lý vì đa phần người tiêu dùng không đủ thông tin hoặc không để tâm lưu ý bản chất và thực trạng của các sản phẩm nước muối đóng chai bày bán trên thị trường.

Như trên đã nói, dùng nước muối sinh lý để súc miệng hay rửa mũi thì cũng theo cơ chế rửa trôi, chứ không có tác dụng kháng khuẩn. Do đó, nếu không biết được nguồn gốc của chai nước muối mà bạn sẽ dùng thì bạn có thể dùng nước lọc đun sôi để nguội để vệ sinh mũi, họng. Bởi nước đun sôi để nguội vừa an toàn hơn nước muối không rõ nguồn gốc mà hiệu quả rửa trôi vi khuẩn không khác là bao so với nước muối sinh lý.

Hơn nữa, nước muối dù loãng nhưng khi súc miệng thì vẫn phần nào bổ sung thêm một lượng muối NaCl vào cơ thể, vẫn có thể có nguy cơ gây tăng nặng tình trạng bệnh cho bệnh nhân đang suy thận, phù…


DS. Bùi Sỹ Thành
Ý kiến của bạn