Lao màng phổi là dạng bệnh trong nhóm lao ngoài, không lây lan với biểu hiện thường thấy: đau ngực, khó thở tăng dần kèm theo sốt cao kéo dài và có dịch trong màng phổi. Phác đồ điều trị lao màng phổi tương tự lao phổi.
Lao màng phổi là dạng bệnh gặp trong các bệnh lao ngoài phổi chiếm khoảng 5% trong các thể lao và đứng thứ 2 trong số bệnh lao ngoài phổi (sau lao hạch bạch huyết). Bệnh lao màng phổi thường xuất hiện sau lao phổi và chiếm khoảng 25 - 27% trong các thể lao ngoài phổi. Trong các bệnh tràn dịch màng phổi thì nguyên nhân do lao chiếm 70-80%. Lao màng phổi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên độ tuổi thanh thiếu niên là nhiều hơn cả.
Lao màng phổi chủ yếu là do vi khuẩn lao trên người gây ra, một số ít trường hợp do vi khuẩn lao bò hoặc vi khuẩn lao không điển hình. Những vi khuẩn này phát sinh thành bệnh nhờ các điều kiện thuận lợi: Trẻ không được tiêm vắc-xin phòng tránh lao màng phổi BCG, hay trẻ bị lao sơ nhiễm nhưng phát hiện muộn và điều trị không đúng cách. Người tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với người bị lao phổi. Bị chấn thương lồng ngực hoặc nhiễm lạnh đột ngột. Mắc một số bệnh gây suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS...
Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh lao tốt nhất. Ảnh: TM
Triệu chứng thường gặp của lao màng phổi
Khi bị lao màng phổi, nếu ở giai đoạn khởi phát, bệnh nhân thường có triệu chứng cấp: đau ngực, khó thở tăng dần, sốt, khám có hội chứng 3 giảm vùng màng phổi bị tràn dịch.
Bệnh cũng có thể xuất hiện từ từ với các dấu hiệu: Sốt nhẹ về chiều tối, đau ngực ít hơn, ho khan và khó thở tăng dần. Khoảng 30% bệnh nhân lao màng phổi có triệu chứng sốt nhẹ về chiều, tối, đau tức ngực, khó thở cũng tăng dần, ho khan. 20% còn lại thì không có biểu hiện rõ rệt nên khó phát hiện, chỉ được phát hiện khi chụp Xquang.
Còn ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có biểu hiện: xanh xao, mệt mỏi, gầy sút, sốt liên tục, nhiệt độ dao động 39-40oC, mạch nhanh, huyết áp hạ, nôn, nước tiểu ít... Cũng có trường hợp ho khan từng cơn, đau ngực, khó thở thường xuyên. Khi dịch màng phổi ít, bệnh nhân thường nằm nghiêng bên lành; dịch nhiều bệnh nhân thường nằm nghiêng bên bệnh hoặc ngồi dựa tường để thở.
Cần làm xét nghiệm nào để chẩn đoán?
Để chẩn đoán lao màng phổi trước tiên phải xác định xem màng phổi có dịch hay không bằng thăm khám và chụp Xquang phổi; siêu âm để xác định được các ổ dịch khu trú; hút dịch màng phổi để xét nghiệm tìm vi khuẩn lao. Bên cạnh đó có thể tìm vi khuẩn lao trong dịch màng phổi bằng kỹ thuật nuôi cấy, kỹ thuật sinh học phân tử như PCR, Genxpert, xét nghiệm mô bệnh học màng phổi.
Ngoài ra còn phải phân tích các thay đổi về tế bào và sinh hóa, sinh thiết màng phổi qua thành ngực hoặc nội soi màng phổi để vừa quan sát rõ vừa sinh thiết chính xác được tổn thương... Do đó, tốt nhất bạn đến các bệnh viện chuyên ngành về bệnh lao để được xét nghiệm, chẩn đoán một cách chính xác nhất.
Lao màng phổi có nguy hiểm?
Bệnh lao màng phổi không quá nguy hiểm nhưng vẫn có thể để lại những biến chứng nặng nề như tràn dịch, tràn khí màng phổi, viêm phủ màng phổi, dày dính dịch nhiều ở màng phổi và ổ cặn màng phổi. Do đó, cần phát hiện kịp thời và có cách điều trị bệnh phù hợp càng sớm càng tốt.
Bệnh có lây không?
Khi được chẩn đoán rằng mắc phải bệnh lý này, hầu hết các bệnh nhân đều lo lắng vì không biết rằng bệnh lao màng phổi có lây không. Tuy nhiên, có thể thấy rằng đây là một thể lao ngoài phổi và không lây truyền qua đường hô hấp như bệnh lao phổi. Vì bệnh lao màng phổi đơn thuần, không có kèm theo bệnh lao phổi thì sẽ không lây cho người khác qua đường hô hấp.
Điều trị bệnh lao màng phổi
Để điều trị bệnh lao màng phổi thì nguyên tắc quan trọng trong việc điều trị không thể bỏ qua chính là chọc hút dịch màng phổi càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó bệnh cần được kiểm tra, xét nghiệm để chẩn đoán chính xác mức độ bệnh và khả năng cư trú của dịch màng phổi. Từ đó sử dụng loại thuốc điều trị lao càng sớm càng tốt và cần chú tâm vào phục hồi chức năng chống dày dính màng phổi nhằm không để lại di chứng sau này.
Để điều trị khỏi bệnh lao màng phổi, bác sĩ chỉ định dùng thuốc chống lao theo đường toàn thân và thuốc chống dính màng phổi. Bên cạnh đó, bệnh viện còn phải tiến hành hút dịch cho bệnh nhân (mỗi tuần 2-3 lần) cho tới khi hết dịch. Khi có biến chứng ổ cặn màng phổi, dày dính màng phổi nhiều, dò màng phổi - thành ngực, dò màng phổi - phế quản gây ho khạc mủ... cần kết hợp nội, ngoại khoa để đem đến hiệu quả tốt nhất.
Thời gian điều trị lao màng phổi thường kéo dài từ 6 - 8 tháng và cần tuân thủ đúng theo liệu trình, bao gồm đúng liều, đúng thời gian, dùng thuốc đều đặn...
Biện pháp phòng tránh lao màng phổi
Tiêm vắc-xin BCG ngăn ngừa bệnh lao màng phổi cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Khi có một trong những biểu hiện lao màng phổi cần đến ngay cơ sở y tế hoặc bệnh viện để có kết luận chính xác và cách trị bệnh phù hợp. Sống lành mạnh, không quan hệ tình dục bừa bãi, tránh xa các căn bệnh xã hội nguy hiểm,...