Những điều cần biết về hiến máu sau khi tiêm vắc-xin COVID-19

27-05-2021 21:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Sau tiêm vắc-xin COVID-19 nếu bạn cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, không có các phản ứng sau khi tiêm hoặc không có các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 thì có thể hiến máu bình thường.

Bạn có thể hiến máu bình thường sau tiêm vắc-xin COVID-19 nếu cơ thể khỏe mạnh. 

Máu của bạn có thể giúp những người hiện đang chiến đấu với COVID-19

Có thể hiến máu sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 không? Đó là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Ở góc độ người nhận, các nhà khoa học đã đưa ra câu trả lời rất thú vị: Sau khi tiêm vắc xin COVID-19, máu của bạn có thể giúp ích cho những người phải chiến đấu với COVID-19. Trong máu của người hiến có thể tìm thấy kháng thể COVID-19. Và, nếu bạn có những kháng thể đó, huyết tương từ máu của bạn có thể được sử dụng làm huyết tương điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Tuy nhiên, nếu bạn vừa mới được tiêm vắc xin COVID-19, không chắc rằng bạn sẽ có những kháng thể đó. Có thể phải mất đến hai tuần sau mũi tiêm thứ hai, cơ thể bạn mới phát triển kháng thể.

Ngoài ra, vẫn chưa xác rõ ràng liệu bạn có thể truyền kháng thể cho người nhận máu của bạn hay không. Nhưng chắc chắn rằng nó sẽ không cung cấp sự bảo vệ giống như khi được tiêm vắc-xin.

Có thể hiến máu nếu đang gặp tác dụng phụ của vắc-xin COVID-19 không?

Về phía bạn, nếu cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 và biết loại vắc-xin cụ thể mà bạn đã được tiêm; hoặc sau hai tuần kể từ mũi tiêm thứ hai (của các loại vắc-xin tiêm 2 mũi) hoặc lần duy nhất đối với vắc-xin chỉ một mũi tiêm, thì bạn có thể xem xét đến việc hiến máu. Không nên hiến máu khi đang gặp tác dụng phụ của vắc-xin. Bạn chỉ nên hiến máu khi cơ thể khỏe mạnh không có triệu chứng gì.

Nếu bạn đã lên lịch hiến máu và tình cờ nhận được lịch tiêm vắc-xin COVID-19 cùng thời điểm đó thì nên hoãn việc hiến máu lại bởi tiêm vắc-xin và hiến máu cùng lúc có thể khiến cơ thể mệt mỏi hơn. Hơn nữa bạn cũng có thể các tác dụng phụ sau tiêm, do đó cần phải rời lịch hiến máu.

Một số lưu ý đối với người hiến máu để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện và Viện Huyết học – Truyền máu TW:

- Người hiến máu cần đáp ứng các quy định về tuổi (18 – 60 tuổi), cân nặng (42 kg trở lên với nữ, 45 kg trở lên với nam), khoảng cách từ lần hiến máu toàn phần gần nhất là 12 tuần, khoảng cách từ lần hiến tiểu cầu gần nhất là 2 tuần.
- Chỉ đến điểm hiến máu khi cảm thấy thực sự khỏe mạnh và không có các hành vi nguy cơ lây nhiễm các vi rút qua đường truyền máu, không có các yếu tố nguy cơ liên quan đến COVID-19.
- Đeo khẩu trang khi đi hiến máu, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay nhanh có cồn sát khuẩn trước khi đăng ký hiến máu, thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế và tình nguyện viên tại điểm hiến máu.
- Trả lời trung thực khai báo y tế và các câu hỏi của nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe và đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
- Thông báo kịp thời cho đơn vị tiếp nhận máu về các triệu chứng lâm sàng như ho, sốt, khó thở… mới xuất hiện trong vòng 14 ngày sau khi hiến máu hoặc nhớ ra sau khi đã hiến máu.
- Chỉ hiến máu sau tối thiểu 28 ngày tính từ thời điểm được khẳng định không còn nhiễm virus SARS-CoV-2.
- Chỉ hiến máu sau tối thiểu 28 ngày tính từ thời điểm có tiếp xúc lần cuối với người bệnh hoặc người mắc COVID-19, cũng như không có triệu chứng lâm sàng: sốt, ho, khó thở, tiêu chảy.
Chỉ hiến máu sau tối thiểu 28 ngày tính từ ngày cuối cùng rời khỏi vùng dịch/ khu vực cách ly.


Hải Đăng (Tổng hợp)
Ý kiến của bạn