1. Tại sao chúng ta có mụn trứng cá?
Chất nhờn trên da tăng thường do stress, hormone, hay biến đổi môi trường (nóng ẩm). Nhiễm khuẩn P. acne thường do vi khuẩn phát triển quá mức kiểm soát hay mất cân bằng giữa các vi khuẩn trên bề mặt da hoặc tổn thương da.
Quá trình hình thành mụn trứng cá như sau:
- Tăng tiết chất bã.
- Sừng hóa cổ nang lông.
- Sự gia tăng hoạt động của vi khuẩn (P. acnes).
- Khi các lỗ nang lông bị ứ lại, các chất bã và tế bào chết sẽ tạo nên môi trường kỵ khí và P. acnes có thể phát triển và gây bệnh.
- Mụn trứng cá xuất hiện ở một số vùng da trên cơ thể khu trú ở vị trí tiết nhiều chất bã như mặt, lưng, ngực.
- Ngoài ra, còn nguyên nhân khác như: Do mỹ phẩm, đặc biệt là mỹ phẩm có chứa nhiều dầu, khoáng; do dùng thuốc (lithium, hydantoin, isoniazid, glucocorticoids, thuốc tránh thai uống, iodides, bromides, androgens); do thức ăn (chocolate, đường, sữa…).
Khoảng 85% người trẻ sẽ gặp phải tình trạng mụn trứng cá. Tuổi khởi phát thường 10-17 tuổi ở nữ giới và 14-19 tuổi ở nam giới. Tuy nhiên có người bắt đầu ở tuổi ≥ 25 ở cả giới, nhưng biểu hiện bệnh nặng hơn nữ.
2. Các thuốc điều trị mụn trứng cá
Điều trị mụn trứng cá phụ thuộc vào tính chất và giai đoạn bệnh, tuy nhiên đều nhằm vào 4 yếu tố: Giảm chất nhờn, giảm viêm, làm mỏng da, và giảm nhiễm khuẩn P. Acne.
Trong đó các thuốc thường sử dụng là:
2.1. Retinoid
Tác dụng: Tiêu nhân mụn, ngăn sự hình thành nhân mụn, chống viêm…
Tác dụng phụ: Thường gặp nhất là khô da, đỏ da, kích ứng da, hồng ban tróc vảy, nhạy cảm ánh sáng… thường trong tháng đầu điều trị, nhưng cũng có thể trong suốt quá trình điều trị.
2.2. Benzoyl peroxid
Tác dụng: Diệt khuẩn với phổ tác dụng rộng. Thuốc làm giảm đáng kể P. acnes và acid béo tự do ở tuyến bã, ngoài ra tác dụng chống viêm và tiêu nhân mụn. Dạng thuốc dạng cream, gel và chất làm sạch có nồng độ từ 2,5-10%.
Tác dụng phụ: Thường gặp nhất là khô da và nhạy cảm ánh sáng. Nên bôi thuốc vào buổi chiều tối để làm giảm nhạy cảm ánh sáng.
2. 3. Kháng sinh
- Kháng sinh tại chỗ: Dung dịch tan trong cồn (ví dụ clindamycin và erythromycin) hoặc gel và lotion để làm giảm kích thích da. Hiện nay dùng dạng phối hợp thuốc có thể làm giảm sự đề kháng (ví dụ erythromycin 3% với benzoyl peroxid 5% hay clindamycin 1% với benzoyl peroxide 5%).
Tác dụng: Diệt P. acnes, chống viêm trực tiếp thông qua ức chế sự hóa ứng động của bạch cầu trung tính.
- Kháng sinh dùng toàn thân: Dùng đường uống các thuốc như doxycyclin, tetracyclin...
2.4. Acid azelaic
Tác dụng: Ngăn chặn nhân mụn, kìm khuẩn.
Tác dụng phụ: Ngứa và cảm giác bỏng tại chỗ.
Lưu ý: Có thể phối hợp các loại thuốc bôi nếu bệnh dai dẳng hay tái phát
2.5. Isotretinoin
Tác dụng: Ức chế sự sản xuất chất bã, thúc đẩy quá trình tiêu sừng.
Tác dụng phụ: Khô da, bong da, môi, loét miệng, kích thích mắt.
3. Điều trị mụn trứng cá theo mức độ
3.1. Điều trị mụn trứng cá mức độ nhẹ
Retinol dạng bôi và/ hoặc benzoyl peroxide: Đầu tiên là thoa kem retinol (adapalene, and tretinoin...). Dạng thuốc này dùng cho cả mụn bọc và mụn viêm. Thường chỉ định kem retinol là 1 lần/ngày và có thể giảm 1 lần/2 ngày nếu như bệnh nhân bị rát da.
3.2. Mụn trứng cá trung bình
Retinol bôi 0.05%, hoặc 0,1%. Tùy bệnh nhân có thể kê thêm thuốc benzoyl peroxide + kháng sinh uống. Lưu ý cần uống nhiều nước và không dùng kháng sinh đơn độc vì sẽ kém hiệu quả.
3.3. Mụn mức độ nặng
- Thuốc dùng: Isoretinoid dạng uống, tùy từng bệnh nhân bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể. Thuốc chỉ định điều trị trứng cá nặng mà đã kháng hoặc đáp ứng kém với các điều trị truyền thống như kem bôi, làm khô, kháng sinh uống hoặc dùng tại chỗ; mụn trứng cá vị trí lưng khó dùng đường bôi...
Uống thuốc trong bữa ăn, uống với nhiều nước, không nhai viên thuốc. Trong thời gian uống thuốc tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, kiêng rượu.
- Tác dụng phụ: Thuốc khá nhiều tác dụng phụ, hay gặp nhất là khô da, ngứa, khô mũi, lở miệng, khô miệng, viêm mắt và đau khớp. Nếu tác dụng phụ không quá khó chịu gây ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể vẫn tiếp tục dùng thuốc và khắc phục bằng các biện pháp:
- Khô da niêm mạc, viêm môi: Dùng lotion, kem dưỡng ẩm môi.
- Chảy máu mũi do khô: Dùng bình xịt nước muối sinh lý.
- Khởi phát đợt mụn cấp: Nếu nhẹ thì không cần điều chỉnh liều điều trị, nếu nặng thì phải ngưng isotretinoin và dùng steroid
- Tăng triglyceride máu: Tùy tình trạng tăng triglyceride, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm fibrate hoặc phải ngừng isotretinoin.
- Tăng men gan: Nếu tăng nhẹ thì tiếp tục dùng thuốc đồng thời dõi, có thể dùng kèm thuốc bổ gan. Nếu men gan tăng trên 3 lần, phải ngưng thuốc.
- Tránh tẩy lông, điều trị sẹo lồi bằng laser để làm mềm da trong thời gian uống isotretinoin và trong 6 tháng sau khi điều trị. Thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị sẹo từ các phương pháp điều trị này.
Mời độc giả xem thêm video:
Ăn đường có hại cho tim không?