Theo nghiên cứu, tần suất bị dị dạng tử cung là 10% ở những phụ nữ bị vô sinh. Chính vì vậy, việc hiểu biết về vấn đề này là vô cùng quan trọng.
1. Tổng quan bất thường ở tử cung
Tử cung là cơ quan quan trọng trong bộ phận sinh sản của nữ giới, nằm ở trong khung xương vùng chậu của phụ nữ và có hình dáng giống quả lê. Tử cung có cấu tạo gồm 3 phần: đáy tử cung, cổ tử cung và thân tử cung.
Theo thống kê, cứ 18 phụ nữ thì có 1 người tử cung bất thường. Tử cung của người đó sẽ có kích thước, hình dạng hoặc cấu trúc khác lạ so với người bình thường. Khi tử cung có tình trạng bất thường thì sẽ ít nhiều cản trở đến quá trình làm tổ của trứng và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi.
Tỉ lệ dị dạng tử cung được chẩn đoán bằng các kĩ thuật hình ảnh dao động trong khoảng 0.4 – 1% và tỉ lệ này cao hơn ở các phụ nữ bị sẩy thai nhiều lần liên tiếp. Dị dạng tử cung gắn liền với nhiều hệ quả cho phụ nữ như: Khó khăn trong việc thụ tinh và mang thai, rối loạn sinh lý,…
2. Một số hình thái dị dạng tử cung
2.1 Tử cung đôi
Có thể có hai tử cung trong tiểu khung. Chúng có thể chung nhau một âm đạo hoặc mỗi tử cung có một âm đạo riêng biệt. Đa số thường hợp sẽ có vách ngăn dọc âm đạo chạy giữa 2 cổ tử cung. Tử cung 2 bên được nghĩ đến nếu thấy 1 vách ngăn âm đạo chạy dọc hoặc phát hiện 2 cổ tử cung riêng biệt khi khám phụ khoa. Bất thường này có thể được chẩn đoán bằng siêu âm.
Nếu phát hiện sớm dị dạng của tử cung thì tiên lượng của thai nhi sẽ được cải thiện. Nếu chức năng của một trong hai tử cung vẫn hoàn toàn bình thường thì bạn gái vẫn có thể mang thai. Tuy nhiên, hai tử cung này hiếm khi cùng phát triển hoàn thiện, do đó, cần khám và đánh giá chức năng của mỗi tử cung. Đa phần các trường hợp này được cắt bỏ một tử cung bị thoái hóa, chỉ giữ lại tử cung hoàn thiện.
2.2 Tử cung có vách ngăn
Loại dị dạng tử cung thường gặp nhất (chiếm khoảng 40%). Những trường hợp này có thể phát hiện nhờ siêu âm, chụp X-quang, soi ổ bụng. Hai tử cung có thể dính với nhau bằng một vách ngăn không hoàn toàn hoặc vách ngăn hoàn toàn.
Những trường hợp này có thể ảnh hưởng đến việc mang thai, dễ gây sảy thai hoặc thai kém phát triển. Do đó, nếu phát hiện thấy tử cung có vách ngăn, bác sĩ thường phẫu thuật để tạo hình dáng bình thường cho tử cung.
2.3 Tử cung một sừng
Trường hợp này tử cung chỉ có một buồng trứng và một vòi trứng nên bạn gái có thể gặp khó khăn hơn khi mang thai. Theo nghiên cứu tần suất của tử cung 1 sừng được chẩn đoán qua chụp buồng tử cung vòi trứng cản quang (HSG) là 14% trong số 1,160 trường hợp bất thường ở tử cung. Các nghiên cứu cũng cho thấy nếu bệnh nhân có tử cung 1 sừng sẽ gia tăng tần suất bị vô sinh, lạc nội mạc tử cung và thống kinh.
Do tử cung chỉ có 1 sừng, vì vậy nhiều trường hợp khả năng bị sảy thai. Sinh non cũng thường xảy ra ở 20% thai phụ. Các biến chứng sản khoa khác như ngôi mông, thai chậm phát triển, chuyển dạ bất thường và mổ lấy thai cũng thường xảy ra.
Về mặt sinh lý bệnh của sẩy thai trên những bệnh nhân có tử cung 1 sừng không được biết rõ, tuy nhiên việc giảm diện tích lòng tử cung sẽ làm cho thai nhi phát triển không đầy đủ và có thể là cơ chế gây sẩy thai.
2.4 Tử cung 2 sừng
Tử cung 2 sừng được đặc trưng bởi 2 phần riêng biệt nhưng khoang nội mạc tử cung thì thông thương nhau và chỉ duy nhất có 1 cổ tử cung. Thất bại trong sự hòa lẫn kéo dài đến cổ tử cung tạo nên tử cung 2 sừng hoàn toàn hoặc chỉ một phần. Các nghiên cứu thấy rằng phụ nữ có tử cung 2 sừng sẽ có tỉ lệ sinh thành công khoảng 60%. Chỉ khoảng 14% sẽ có dư hậu về mặt sinh sản không tốt.
Cũng giống như nhiều dạng bất thường của tử cung khác, nguy cơ sinh non cũng thường hay xảy ra. Theo nghiên cứu, tỉ lệ sẩy thai chiếm 28% và tỉ lệ sanh non chiếm 20% trên những bà mẹ có tử cung 2 sừng. Những phụ nữ với tử cung 2 sừng hoàn toàn thì tỉ lệ sinh non chiếm đến 66% và có tỉ lệ sống của thai nhi thấp.
Để chẩn đoán tử cung 2 sừng, có thể sử dụng các phương tiện siêu âm, MRI hoặc nội soi, chụp buồng tử cung vòi trứng cản quang. Theo nghiên cứu siêu âm chẩn đoán được tử cung 2 sừng trong hầu hết các trường hợp (88%). Độ chính xác của siêu âm được cải thiện nếu kết hợp với chụp buồng tử cung vòi trứng cản quang.
Mặc dù vậy, siêu âm và chụp buồng tử cung vòi trứng cản quang vẫn được xem là phương tiện chẩn đoán ban đầu. Nội soi được chỉ định để xác định chẩn đoán khi nghi ngờ tử cung 2 sừng và cũng để sử dụng cắt vách ngăn qua nội soi.
Thai kỳ ở người có tử cung 2 sừng thường kèm một số nguy cơ như: Sẩy thai lặp lại (chiếm khoảng 63%). Sinh non, ngôi thai bất thường ngôi mông là khá thường gặp (chiếm 40 - 50% trường hợp).
2.5 Tử cung nhi tính
Đây là trường hợp tử cung kém phát triển, kích thước chỉ bằng tử cung của các bé gái. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này như: Cơ thể phát triển không hài hòa, thiếu sự trưởng thành của nhiều chức năng, bất thường về gen, do rối loạn nội tiết (như suy tuyến giáp, suy thùy trước tuyến yên)...
Những bạn gái có tử cung nhi tính thường kèm theo không có buồng trứng hay không có âm đạo do đó không mang thai được. Còn những người có buồng trứng hoạt động bình thường thì vẫn có thể có con nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
2.6 Không có tử cung
Dị tật bẩm sinh không có tử cung gây ảnh hưởng nặng nề cho cuộc sống người phụ nữ. Trường hợp này bạn gái sẽ không có kinh nguyệt và không thể mang thai được. Hiện nay vẫn chưa thể thực hiện được kỹ thuật ghép tử cung nhân tạo.
Tóm lại: Những bất thường của tử cung có thể là bẩm sinh mà cũng có thể là mắc phải và thường gây ra những rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, đau vùng chậu, vô sinh hoặc gây hư thai. Do những dị tật này của tử cung, thường làm cho kinh nguyệt thất thường hoặc dẫn đến vô sinh, dù có thai cũng dễ bị thai chết lưu và có thể làm thai nhi bị biến dạng.
Phần lớn các trường hợp được phát hiện khi đi khám những vấn đề về sản và phụ khoa. Vì không có triệu chứng, do đó đa số các dị tật này thường không được chẩn đoán. Cũng bởi vì 57% những phụ nữ có bất thường ở tử cung vẫn có khả năng thụ thai và mang thai được, vì vậy các dị dạng này không được biết rõ.
Mời xem video được quan tâm:
Chính phủ chỉ đạo xem xét cấp giấy lưu hành vaccine nội địa Nanocovax | SKĐS