Hà Nội

Những điều cần biết về chứng sa sút trí tuệ thể Lewy

02-12-2017 09:29 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Chứng sa sút trí tuệ thể Lewy là một trong những dạng sa sút trí tuệ phổ biến, đứng sau Alzheimer.

Trước đây, yếu tố nguy cơ duy nhất được biết đến trong việc phát triển chứng sa sút trí tuệ thể Lewy (LBD) là tuổi già. Gần đây, một số nghiên cứu đã đạt được những kết quả nhất định cho chúng ta rõ hơn về căn bệnh này. Hiểu biết để ứng phó với chứng bệnh này là thực sự cần thiết.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển chứng LBD

Tuổi tác: Càng lớn tuổi, nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ thể Lewy càng tăng. Lứa tuổi điển hình cho sự phát triển của chứng LBD là từ 50 - 85, mặc dù có thể xảy ra trước và sau tuổi này. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng chứng LBD phát triển cao nhất từ 70-79 tuổi.

Trình độ học vấn thấp: Thời gian học tập dài có tương quan với giảm nguy cơ mắc chứng LBD.

Trầm cảm và lo âu: Một người có lịch sử trầm cảm và lo lắng làm tăng nguy cơ phát triển chứng LBD.

Ít tiêu thụ caffein: Nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên tiêu thụ caffein có nguy cơ thấp mắc chứng bệnh này.

Di truyền: Khoảng 10% trường hợp LBD gắn liền với di truyền. Đặc biệt, nếu có yếu tố gia đình, LBD thường xảy ra ở những người trẻ tuổi. Yếu tố nguy cơ không chỉ ở những gia đình có người mắc LBD mà cả những chứng bệnh khác như Parkinson.

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí European Journal of Neurology, gần một nửa số người tham gia nghiên cứu có rối loạn tăng động giảm chú ý  (ADHD).

Giới tính: Đàn ông có tỉ lệ mắc bệnh cao gấp 2 lần phụ nữ.Hình ảnh CT scan não người bệnh LBD.

Hình ảnh CT scan não người bệnh LBD.

Phân biệt giữa chứng mất trí nhớ Alzheimer và thể Lewy

Bệnh Alzheimer và chứng LBD có một số điểm tương đồng, nhưng có một số khác biệt rõ ràng:

Nguyên nhân gây bệnh: LBD được cho là do sự tích tụ khối chất protein được gọi là alpha-synuclein trong não. Khi xuất hiện, chúng ngăn cản não bộ tạo ra đủ lượng của hai chất quan trọng. Một trong số đó được gọi là acetylcholin, ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng học tập. Chất còn lại được gọi là dopamin, ảnh hưởng đến khả năng di chuyển, tâm trạng và giấc ngủ. Bệnh Alzheimer được đặc trưng bởi các mảng amyloid và rối loạn thần kinh trong não.

Khả năng nhận thức: Trong chứng bệnh LBD, các triệu chứng liên quan bộ nhớ có thể thay đổi, ví dụ như một ngày nào đó bà của bạn có thể không nhận ra bạn và ngày hôm sau lại có thể nhớ lại tên của từng đứa cháu. Còn trong chứng Alzheimer, nhận thức, khả năng suy nghĩ và sử dụng trí nhớ của người bệnh sẽ giảm theo thời gian.

Khả năng vận động: Một trong những triệu chứng ban đầu trong chứng bệnh LBD là khó khăn khi đi bộ, giảm sự cân bằng và khả năng kiểm soát vận động cơ thể. Những triệu chứng này tương tự như bệnh Parkinson. Sự suy giảm về thể chất, khả năng vận động thường không xảy ra ở bệnh Alzheimer cho đến khi bệnh tiến triển đáng kể, trừ khi bệnh nhân có các bệnh khác.

Biểu hiện khuôn mặt: Một số người bệnh LBD hiển thị một khuôn mặt rất ít cảm xúc. Đây là triệu chứng khác có thể xuất hiện sớm trong bệnh và trùng lặp với bệnh Parkinson. Mặc dù biểu hiện trên khuôn mặt thường giảm khi bệnh tiến triển, nhưng thường thì không phát triển cho đến giữa giai đoạn sau của bệnh Alzheimer.

Ảo giác: Gặp ảo giác, hay nhìn thấy những thứ không có thực là khá phổ biến ở người mắc chứng LBD, nhưng thường không phổ biến ở người bệnh  Alzheimer.

Rối loạn hành vi ngủ REM: Những người bị LBD có thể gặp rối loạn hành vi giấc ngủ REM, một rối loạn chức năng hành động diễn ra trong giấc mơ của họ. Thậm chí, rối loạn hành vi ngủ REM có thể là một trong những dấu hiệu sớm của LBD. Trong khi rối loạn hành vi ngủ REM thường không có trong bệnh Alzheimer, mặc dù có thể xảy ra những rối loạn giấc ngủ khác.

Nhạy cảm với thuốc chống loạn thần: Những người bị LBD có nguy cơ cao về các phản ứng phụ nghiêm trọng của thuốc chống loạn thần. Nhưng nguy cơ này thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Nguy cơ này được coi là nhỏ ở người bệnh Alzheimer.

Tiến triển của bệnh: Theo nghiên cứu của James E. Galvin, MD, MPH và các nhà nghiên cứu khác tại Trường Y thuộc Đại học Washington, thời gian sống trung bình của người mắc LBD là 78 tuổi và sự sống sót sau khi bắt đầu chứng bệnh này là 7,3 năm - thấp hơn so với bệnh Alzheimer: thời gian sống trung bình là 84,6 tuổi và thời gian sống sót sau khi bắt đầu triệu chứng là 8,4 năm. Lý giải sự khác biệt về tiến triển của bệnh giữa LBD và bệnh Alzheimer có thể giải thích một phần do sự gia tăng số lần ngã và do đó thương tích và nhập viện ở những người bị LBD.

Giới tính: Trái ngược với LBD, đàn ông có tỉ lệ mắc cao hơn phụ nữ thì ở bệnh Alzheimer phụ nữ có khả năng phát triển bệnh Alzheimer cao hơn một chút.

Lời khuyên cho việc đối phó và sống chung với LBD

Sống chung với chứng sa sút trí tuệ LBD là cả một nhận thức và việc thiết lập kế hoạch cho nó có một tầm quan trọng đối với người bệnh cũng như người thân, người chăm sóc. Vì thế, trước hết, việc giáo dục nhận thức đối với cả hai đối tượng này là không thể thiếu.

Chứng LBD được đặc trưng bởi sự biến động về khả năng và chức năng của nó. Không giống như bệnh Alzheimer có sự suy giảm chậm và ổn định theo thời gian, tình trạng mất trí nhớ thể Lewy có thể có sự biến đổi lớn hơn nhiều trong những ngày tốt và những ngày tồi tệ. Sẵn sàng cho những ngày tồi tệ, đồng thời đón chờ và hưởng thụ những ngày có dấu hiệu tốt là điều cần được cả người bệnh lẫn người chăm sóc chuẩn bị tinh thần. Thậm chí, ở vị trí người chăm sóc cũng cần lưu ý “chăm sóc” chính mình, không để phiền muộn, căng thẳng hay sự kiệt sức, nỗi thất vọng làm hao mòn khả năng hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh.

Quý trọng những gì tốt đẹp: Thay vì suy nghĩ và nói về tất cả những điều đã bị mất vì bệnh tật, hãy xác định và giữ gìn những thứ tốt đẹp. Ví dụ, lưu trong một cuốn sổ lưu niệm những hình ảnh, thành tựu hay kỷ niệm đẹp của người bệnh và luôn nhắc về chúng. Điều này giúp nâng đỡ tinh thần cả người bệnh lẫn người thân. Đối mặt với những triệu chứng của bệnh như ảo giác chẳng hạn, thái độ khôn ngoan nhất là không tranh cãi với người bệnh về sự không chính xác của những gì họ đang “nhìn thấy” hoặc “nghe” kể cả khi họ thấy nó rất thực. Hãy lập kế hoạch hoạt động, đặc biệt là ở giai đoạn sớm của chứng bệnh giúp làm tăng sự hưởng thụ cuộc sống.

Tập thể dục: Tập thể dục đã được coi như một cách để ngăn ngừa, làm chậm lại và điều trị bệnh sa sút trí tuệ. Tập thể dục để giảm stress và cung cấp cả lợi ích thể chất và cảm xúc. Đặc biệt với người bệnh LBD, tập thể dục có thể giúp duy trì hoạt động và giảm nguy cơ thương tích khi ngã.


BS. Trịnh Văn Tuấn
Ý kiến của bạn