Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang theo dõi biến thể mới của Omicron XBB.1.16.
Theo TS. Maria Van Kerkhove (trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19), các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ ra, XBB.1.16 có thêm một đột biến khiến biến thể phụ này dễ lây nhiễm hơn và dễ mắc COVID-19 có triệu chứng hơn.
Theo chuyên gia WHO, biến thể XBB.1.16 đã lưu hành được vài tháng và dường như không gây ra các triệu chứng COVID-19 nặng hơn.
Hầu hết các mẫu xét nghiệm XBB.1.16 được lấy từ Ấn Độ, nơi biến thể phụ này đang chiếm chủ đạo các ca nhiễm COVID-19.
Hiện nay Omicron vẫn là biến thể quan ngại trên toàn thế giới và hàng trăm biến thể phụ của Omicron vẫn tiếp tục lưu hành.
Biến thể mới XBB.1.16, còn được gọi là Arcturus đang làm gia tăng đột ngột các ca nhiễm COVID-19 mới tại Ấn Độ.
Ấn Độ ghi nhận hơn 6.000 ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày, biến thể phụ XBB.1.16 đã làm hàng nghìn người mắc COVID-19. Hiện tại, biến thể phụ này chiếm 10% các ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ. Cho đến nay, biến thể phụ XBB.1.16 đã được phát hiện ở một số quốc gia.
Ngoài làm gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm mới, các chuyên gia dịch tễ học cũng nhận thấy các triệu chứng mới chưa từng thấy trong các đợt dịch trước đó. Đặc biệt là biến thể phụ mới này làm lây nhiễm COVID-19 ở trẻ em.
Các triệu chứng COVID-19 khi mắc biến thể XBB.1.16
Tại Ấn Độ, các bệnh viện lại bắt đầu tiếp nhận các ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em sau 6 tháng hầu như không ghi nhận ca nhiễm, do biến thể mới XBB.1.16.
Theo bác sĩ nhi khoa Vipin M Vashishtha (Trung tâm nghiên cứu và Bệnh viện Mangla ở Bijnor, Ấn Độ), một số triệu chứng COVID-19 phổ biến nhất gồm sốt cao, cảm lạnh và ho không có đờm.
Nhiều người mắc COVID-19 bị viêm kết mạc (ngứa kết mạc và ra rỉ mắt khiến mi mắt dính vào nhau), triệu chứng không thấy trong các đợt dịch trước đó.
Các chuyên gia trước đó đã cảnh báo về XBB.1.16 khi tiết lộ rằng biến thể mới này có lợi thế tăng trưởng 140% so với XBB.1.5 nên dễ lây lan hơn.
Theo TS. Vaishali Solao, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Bệnh viện Fortis Mulund (Maharashtra, Ấn Độ), biến thể phụ XBB.1.16 chứa 2 đột biến (gồm 1 đột biến ở protein và 1 đột biến khác nữa).
Theo TS. Jitendra Choudhary (Chuyên gia tư vấn - Chăm sóc tích cực và Chăm sóc đặc biệt, Bệnh viện Fortis Hiranandani Vashi, Mumbai), tương tự như biến thể XBB.1.15 trước đó, biến thể phụ XBB.1.16 có thêm đột biến trong protein làm cho COVID-19 dễ lây hơn. WHO đã phân loại XBB.1.16 là biến thể cần theo dõi.
Một số triệu chứng COVID-19 bạn nên lưu ý bao gồm:
- Sốt
- Ho
- Đau họng
- Sổ mũi
- Mệt mỏi
- Đau cơ
- Tiêu chảy
Mặc dù biến thể XBB.1.16 không gây ra các triệu chứng nặng, bạn cần lưu ý một số triệu chứng COVID-19 khi mắc biến thể XBB.1.16 không khác với các biến thể COVID-19 trước đây.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng XBB.1.16 có thể gây ra nhiều ca nhiễm và tái nhiễm đột ngột hơn ở những người có miễn dịch nhờ tiêm vaccine hoặc từng nhiễm COVID-19 trước đó, TS. Choudhary cho biết thêm.
Biến thể XBB.1.16 lần đầu tiên được phát hiện ở Brazil vào tháng 3/2023. Biến thể XBB.1.16 có một số đột biến khiến nó trở thành các biến thể khác nhau, chẳng hạn như biến thể alpha, beta, gamma và delta. TS. Choudhary chỉ ra những khác biệt sau giữa biến thể này và những biến thể trước đó:
- Biến thể XBB.1.16 có tỷ lệ lây truyền cao hơn, nghĩa là COVID-19 có thể lây lan dễ dàng hơn từ người này sang người khác nếu bạn mắc biến thể này.
- Biến thể XBB.1.16 có tỷ lệ chuyển nặng thấp hơn, nghĩa là ít gây ra các triệu chứng COVID-19 nặng và ít phải nhập viện hơn so với các biến thể trước đó.
- Biến thể XBB.1.16 có thể lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn, nghĩa là tỷ lệ mắc ở người đã có miễn dịch nhờ tiêm vaccine và do từng mắc trước đó cao hơn so với các biến thể trước đó.
Để ngăn chặn sự lây lan của XBB.1.16, Ấn Độ khuyến nghị các biện pháp phòng ngừa sau đối với người dân để bảo vệ bản thân và ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan:
- Đeo khẩu trang che mũi và miệng ở nơi công cộng hoặc khi ở gần những người không cùng nhà.
- Duy trì khoảng cách xã hội ít nhất 2m với những người khác.
- Tránh những nơi đông đúc và kém thông thoáng.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn.
- Hãy tiêm phòng COVID-19 càng sớm càng tốt nếu bạn đủ điều kiện và chưa tiêm phòng, cân nhắc các mũi tiêm tăng cường và nhắc lại nếu bạn đủ điều kiện.
- Nếu bạn có các triệu chứng COVID-19, chẳng hạn như sốt, ho, khó thở, mất vị giác hoặc khứu giác, hãy tự cách ly tại nhà và tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
- Tuân thủ các hướng dẫn và quy định của cơ quan y tế địa phương về xét nghiệm, kiểm dịch và cách ly.
Mời độc giả xem thêm video:
Mức hưởng Bảo hiểm Y tế khi chụp PET/CT chẩn đoán ung thư