Hà Nội

Những điều cần biết về bệnh tự miễn

09-01-2016 16:29 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hệ miễn dịch của cơ thể có vai trò bảo vệ bạn chống lại bệnh tật và nhiễm trùng.

Ở những người khỏe mạnh, hệ miễn dịch sẽ nhận biết được những cơ quan bị nhiễm trùng như vi khuẩn và vi-rút khi có “kẻ xâm nhập” và tấn công chúng.

Nhưng ở một số người, hệ miễn dịch không hoạt động tốt khiến nó nhận nhầm mô khỏe mạnh là những kẻ “xâm nhập” và tấn công chúng. Điều này có thể dẫn tới một số bệnh được gọi là bệnh tự miễn, có ảnh hưởng tới nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể.

Những sự thật về bệnh tự miễn

Ước tính có khoảng 5-8% người Mỹ đang phải chung sống với bệnh tự miễn, và các nhà nghiên cứu không biết tại sao nhưng tỷ lệ mắc bệnh tự miễn có vẻ như đang gia tăng.

Những bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng tới bất cứ ai nhưng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nhiều nguy cơ mắc bệnh nhất. Những phụ nữ Mỹ gốc Phi, phụ nữ Mỹ bản xứ và gốc Tây Ban Nha có nhiều nguy cơ bị bệnh tự miễn hơn so với phụ nữ da trắng. Di truyền cũng đóng vai trò lớn ở những người bị các bệnh tự miễn, vì vậy nếu bạn có tiền sử gia đình bị bệnh này, bạn cũng có nguy cơ bị bệnh.

Những bệnh tự miễn phổ biến

Có khoảng hơn 80 loại bệnh tự miễn khác nhau nhưng một số loại phổ biến nhất là:

Bệnh Basedow (ba-zơ-đô)

Bệnh Basedow là loại bệnh tự miễn trong đó tuyến giáp trở nên quá hoạt. Người bị bệnh Basedow thường bị rối loạn giấc ngủ, khó chịu, giảm cân không rõ nguyên nhân, lồi mắt, nhạy cảm với nhiệt, yếu cơ, tóc dễ gãy, chu kỳ kinh nguyệt thưa và run tay. Tuy nhiên, một số người bị bệnh Basedow không có triệu chứng gì. Viên iod phóng xạ được sử dụng để điều trị bệnh Basedow và chữa khỏi khoảng 90% bệnh nhân chỉ với 1 liều. 10% bệnh nhân cần đến liều thứ 2 và chỉ rất ít bệnh nhân trong số này cần phẫu thuật cắt tuyến giáp.

Viêm tuyến giáp Hashimoto

Viêm tuyến giáp gây thiểu năng giáp trạng (tuyến giáp kém hoạt động), viêm tuyến giáp Hashimoto xuất hiện khi hệ miễn dịch tấn công tuyến giáp. Mặc dù đôi khi không có triệu chứng, nhưng viêm tuyến giáp Hashimoto thường dẫn đến bướu cổ, mệt mỏi, tăng cân, trầm cảm, yếu cơ, nhạy cảm với lạnh, khô da và tóc, táo bón. Hiện nay không có biện pháp điều trị đặc hiệu với viêm tuyến giáp Hashimoto nhưng suy giáp và bướu cổ, nếu xuất hiện có thể được điều trị bằng liệu pháp thay thế hormon để cung cấp hormon tuyến giáp mà cơ thể cần.

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống (lupus)

Trong bệnh lupus, các kháng thể được tạo ra bởi hệ miễn dịch tấn công cơ thể, kết quả là khiến cho các khớp và các cơ quan bị sưng và tổn thương, đau khớp, nổi ban và nhạy với ánh nắng mặt trời. Các phương pháp điều trị lupus khác nhau phụ thuộc vào độ nghiêm trọng của bệnh nhưng có thể cần thuốc giảm đau, các thuốc chống viêm không steroid, các chất ức chế miễn dịch, corticosteroid và thay đổi lối sống như giảm stress, tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sử dụng kem chống nắng và những thay đổi trong chế độ ăn.

Tiểu đường týp 1

Trong bệnh tiểu đường týp 1 (thường được chẩn đoán ở trẻ hoặc trong giai đoạn đầu đời - dưới 30 tuổi), hệ miễn dịch tấn công các tế bào tụy sản sinh insulin. Khi hàm lượng insulin bị thiếu, cơ thể không thể kiểm soát hàm lượng glucose, có thể dẫn tới một số vấn đề bao gồm suy thận, giảm thị lực, rối loạn tuần hoàn, đột quỵ và bệnh tim. Điều trị tiểu đường týp 1 bao gồm sử dụng insulin theo chỉ định của bác sĩ, kiểm soát đường huyết, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cường vận động thể chất.

Bệnh đa xơ cứng

Những người bị bệnh đa xơ cứng có thể bị yếu mệt, rối loạn cân bằng và kết hợp, các rối loạn về nói và đi, liệt, run và tê ở các chi. Có một số loại thuốc có thể giúp bệnh nhân kiểm soát triệu chứng, điều trị các cơn bốc hỏa, thay đổi quá trình bệnh và cải thiện hoạt động.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một loại viêm khớp trong đó tính tự miễn dịch khiến cho hệ miễn dịch tấn công các mô trong khớp dẫn tới đau cơ, biến dạng khớp, mệt mỏi, yếu, giảm ngon miệng, giảm cân và đôi khi giảm ham muốn.

Như phần lớn các bệnh miễn dịch, phụ nữ có nhiều nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp hơn nam giới. Tuy nhiên, không giống phần lớn các bệnh tự miễn khác, bệnh này thường khởi phát ở độ tuổi từ 30-50. Viêm khớp dạng thấp hoạt động khác nhau ở mỗi người, do vậy các phương pháp điều trị cũng được đưa ra cho từng bệnh nhân và được thiết kế để giảm đau, giảm viêm, làm chậm và ngừng tổn thương khớp và cải thiện hoạt động chung.

Nếu bạn bị bệnh tự miễn, bạn cần lên kế hoạch kiểm soát bệnh. Các triệu chứng của bệnh tự miễn thường đến rồi đi và chúng có thể bùng phát từng đợt, có nghĩa là các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột, đòi hỏi phải chú ý theo dõi bệnh.

Phần lớn các bệnh tự miễn hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm ra những cách mới để điều trị chúng. Các thuốc có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và trong một số trường hợp thậm chí có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh. Ngoài ra, những thay đổi lối sống như chế độ ăn lành mạnh, tập luyện thường xuyên, nghỉ ngơi hợp lý, kiểm soát stress có thể cần được kết hợp vào kế hoạch điều trị bệnh tự miễn.

 

 

 


BS Tuyết Mai
Ý kiến của bạn