Hà Nội

Những điều cần biết về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người cao tuổi

29-01-2022 17:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh hô hấp thường gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt là ở người hút thuốc lá, thuốc lào. Bệnh tái phát có xu hướng gia tăng khi thời tiết chuyển lạnh, do sức đề kháng và chức năng hô hấp giảm sút. Nếu không được điều trị tích cực, bệnh sẽ nguy hiểm đến tính mạng.


Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ( COPD)  là tình trạng tắc nghẽn đường thở nhiều ngày, phổi không hồi phục được chức năng hoàn toàn. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn luồng khí, là hậu quả của phản ứng viêm bất thường của đường thở và/hoặc phế nang do phơi nhiễm với các hạt hoặc khí độc hại. Các bệnh đồng mắc và các đợt kịch phát làm nặng thêm tình trạng bệnh. Bệnh không thể điều trị khỏi nhưng có thể kiểm soát tốt.

1.Nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người cao tuổi

Hiện có nhiều nguyên nhân gây bệnh COPD ở người cao tuổi. Các nhà nghiên cứu cho biết đã ghi nhận nguyên nhân phổ biến nhất của COPD là khói thuốc lá, có một số yếu tố khác có thể gây ra hoặc làm cho COPD trở nên tồi tệ hơn, bao gồm phơi nhiễm môi trường và yếu tố di truyền. Ví dụ, tiếp xúc nhiều với bụi tại nơi làm việc, hóa chất và ô nhiễm không khí trong nhà hoặc ngoài trời (bao gồm khói củi hoặc chất đốt sinh khối) có thể góp phần gây ra COPD.

Nhiều tác giả nghiên cứu cho rằng, ở một số người không tiếp xúc với môi trường độc hại, không hút thuốc lá mà vẫn bị COPD. Và các nhà nghiên cứu cho rằng có thể do các yếu tố gia đình trong bệnh COPD.

2.Nhận biết bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người cao tuổi

Các triệu chứng phổ biến của COPD là ho, khạc đờm kéo dài khiến cho nhiều người bệnh tới khám ở các cơ sở y tế và đây là triệu chứng thường gặp. Ho lúc đầu có thể là ngắt quãng về sau ho dai dẳng hoặc ho hàng ngày, ho khan hoặc ho có đờm, thường về buổi sáng. Ho đờm mủ là một trong các dấu hiệu của đợt cấp do bội nhiễm.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người cao tuổi - Ảnh 2.

Ho đờm kéo dài là dấu hiệu của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Khó thở là tình trạng thường thấy ở người bệnh, có tiến triển nặng dần theo thời gian, lúc đầu là khó thở khi gắng sức, sau khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục. Bệnh nhân phải gắng sức để thở, cảm giác thiếu không khí, hụt hơi nặng ngực hoặc thở hổn hển, thở khò khè.

Ở giai đoạn muộn của bệnh có thể thấy: Lồng ngực có dạng hình thùng, tần số thở tăng, bệnh nhân thở ra phải mím môi lại, co rút các cơ hô hấp ở cổ như rút lõm hố trên ức, trên đòn, các khe gian sườn bị rút lõm.

Khi có các triệu chứng nghi ngờ COPD cần đến bệnh viện bác sĩ khám và làm thêm các thăm dò: đo chức năng thông khí, chụp X-quang phổi, điện tim... nhằm chẩn đoán xác định và loại trừ những nguyên nhân khác có triệu chứng lâm sàng giống COPD.

Giai đoạn sớm của bệnh khám phổi có thể bình thường. Cần đo chức năng thông khí ở những đối tượng có yếu tố nguy cơ và có triệu chứng cơ năng gợi ý (ngay cả khi thăm khám bình thường) để chẩn đoán sớm COPD. Nếu bệnh nhân có khí phế thũng có thể thấy lồng ngực hình thùng, gõ vang, rì rào phế nang giảm.

Giai đoạn nặng hơn khám phổi thấy rì rào phế nang giảm, có thể có ran rít, ran ngáy, ran ẩm, ran nổ.

Giai đoạn muộn có thể thấy những biểu hiện của suy hô hấp mạn tính: tím môi, tím đầu chi, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp phụ, biểu hiện của suy tim phải (tĩnh mạch cổ nổi, phù 2 chân, gan to, phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính).

3. Phân biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh hen

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh hen là hai bệnh thường gặp ở người cao tuổi nên nhiều người rất khó nhận biết vì có các biểu hiện giống nhau như khó thở, ho, tức ngực,… nhưng khác nhau nếu người bệnh COPD có đặc điểm ở người cao tuổi trên 50 tuổi và tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào. Và ở người bệnh COPD thường xuyên gây khó thở, mức độ tăng dần, mặc dù không liên quan đến tiền sử dị ứng, bệnh thường đáp ứng điều trị kém.

Còn ở bệnh hen thì tình trạng khó thở gặp ở mọi lứa tuổi, có tiền sử dị ứng, ngoài cơn hen người bệnh có thể sinh hoạt bình thường, bệnh thường đáp ứng tốt với những thuốc giãn phế quản.

4.Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Hiện điều trị bệnh COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát bệnh từ đó làm chậm sự phát triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng. Bệnh phải điều trị kéo dài suốt đời nên gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những người cao tuổi - nhóm tuổi thường hay "nhớ nhớ quên quên" và hay nhầm lẫn giữa các loại thuốc.

Việc không tuân thủ điều trị, không sử dụng thuốc đúng cách khiến mục đích điều trị bệnh rút ngắn - giai đoạn bệnh nặng sẽ đến nhanh hơn. Đây là những sai lầm thường thấy ở nhóm người cao tuổi khi mắc COPD. Vì vậy, bệnh khó cải thiện dứt điểm, thậm chí trầm trọng hơn.

Người mắc bệnh COPD phần lớn có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào do đó, mọi người, nhất là những người cao tuổi, nên đi khám ngay nếu thấy ho kéo dài, có đờm và khó thở khi lao động nặng để tránh trường hợp xấu có thể xảy ra.

5. Phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Để phòng ngừa bệnh COPD, không nên hút thuốc lá, thuốc lào. Việc hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến người xung quanh. 

Riêng với người cao tuổi đã mắc bệnh COPD, để phòng ngừa bệnh tái phát, giảm nguy cơ biến chứng nên hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với khói thuốc, các hóa chất, khói bụi độc hại.

Cần tập thể dục đều đặn hằng ngày, nhất là hít thở không khí trong lành trước và sau khi ngủ dậy. Còn với người bệnh COPD nên duy trì luyện tập các bộ môn thể thao như đạp xe, đi bộ... ở mức độ trung bình từ 30 - 60 phút/ngày, tùy theo khả năng. 

Với bệnh nhân nặng có thể giảm thời gian luyện tập, hoặc tập thở bằng cách hít sâu và thở mạnh ra hết sức...

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người cao tuổi - Ảnh 3.

Nên tập thể dục vừa sức để phòng bệnh

Người bệnh COPD cần phải có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn đồ loãng, nóng, thức ăn mềm dễ hấp thu. Chế độ ăn cần đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây, rau xanh. 

Riêng với người cao tuổi bị COPD nên tuân thủ việc uống thuốc theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ. Với những người cao tuổi mắc nhiều bệnh cùng một lúc, cần chủ động hoặc cần sự trợ giúp của người thân sắp xếp tủ thuốc và cần có lịch nhắc uống thuốc để tránh nhầm lẫn giữa các loại thuốc.

Bệnh COPD ở người già cần được quan tâm và phòng ngừa tuyệt đối. Bệnh sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu người mắc bệnh đã cao tuổi và nguy cơ tử vong cao.

Người bệnh viêm phổi nên ăn gì, kiêng gì?Người bệnh viêm phổi nên ăn gì, kiêng gì?

SKĐS - Người mắc bệnh viêm phổi cần tăng cường các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, giàu năng lượng và protein để nâng cao thể trạng, giúp ngăn ngừa biến chứng và nguy cơ suy dinh dưỡng sau này.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng


TS Nguyễn Thị Hạnh
Ý kiến của bạn