Những điều cần biết về bệnh glôcôm

16-09-2012 08:10 | Bệnh thường gặp
google news

Bệnh glôcôm là một bệnh nguy hiểm, thường gặp trong nhãn khoa. Bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng vì là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa vĩnh viễn nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

(SKDS) - Bệnh glôcôm là một bệnh nguy hiểm, thường gặp trong nhãn khoa. Bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng vì là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa vĩnh viễn nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Glôcôm đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù ở hầu hết các khu vực trên thế giới, thường chỉ đứng sau đục thể thủy tinh.

Ai dễ mắc bệnh glôcôm?

Bình thường trong mắt luôn có sự cân bằng giữa lượng dịch (thủy dịch) được tiết ra từ thể mi và lượng dịch được dẫn lưu ra ngoài qua một bộ phận gọi là vùng bè. Khi đường dẫn lưu ra ngoài bị cản trở sẽ gây ra tăng áp lực trong mắt và gây tổn hại lên dây thần kinh thị giác, gây ra bệnh glôcôm. Những người trên 40 tuổi; tiền sử gia đình có người bị glôcôm; người có cấu trúc giải phẫu thuận lợi: viễn thị cao, góc tiền phòng hẹp là những người có nguy cơ dễ mắc bệnh glôcôm.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh

Bệnh glôcôm có 2 dạng: glôcôm góc đóng và glôcôm góc mở. Bệnh glôcôm góc đóng thường có biểu hiện cơ năng rầm rộ như: nhìn mờ, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, đau nửa đầu cùng bên, nôn, buồn nôn, mắt đỏ nhiều, sưng và chảy nhiều nước mắt. Tuy nhiên, bệnh glôcôm góc đóng cũng có thể biểu hiện âm thầm gọi là glôcôm góc đóng mạn tính. Ngược lại với glôcôm góc đóng, bệnh glôcôm góc mở thường biểu hiện rất âm thầm, mang tính mạn tính: không đau nhức, không đỏ mắt, người bệnh thường chỉ tự nhận ra mình có bệnh khi mắt đã nhìn mờ nhiều hoặc thị trường đã bị tổn hại nặng (co hẹp từ ngoại biên, hoặc mất một vùng nhìn ở trung tâm).

Người bệnh có thể tự phát hiện sớm được bệnh glôcôm hay không?

Glôcôm là bệnh lý có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh nhân không thể tự nhận biết được bệnh. Để chẩn đoán cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa mắt: bác sĩ sẽ xác định bệnh dựa trên đo nhãn áp (đo áp lực trong mắt), kiểm tra thị trường và soi đáy mắt...

 Đo nhãn áp tại phòng khám mắt - Bệnh viện Trung ương Huế để phát hiện sớm bệnh glôcôm.

Các hậu quả của bệnh glôcôm

Theo các nghiên cứu mang tính dự báo trong khu vực và trên thế giới, số lượng người bệnh glôcôm sẽ tăng lên đáng kể vào những năm tới. Ước tính sẽ có 80 triệu người mắc bệnh glôcôm vào năm 2020, chiếm tỷ lệ 2,86% trên quần thể dân số trên 40 tuổi. Số người mù lòa cả hai mắt do glôcôm sẽ tăng từ 8,4 triệu năm 2010 lên 11,2 triệu người vào năm 2020. Việt Nam hiện nay có khoảng 24.800 người mù do glôcôm.

Bệnh glôcôm là bệnh lý của dây thần kinh thị giác, do vậy các hậu quả cơ bản của nó là tổn hại chức năng thị giác thể hiện qua 2 khía cạnh: tổn hại trường nhìn (vùng mà mắt bao quát được), co hẹp từ ngoại vi, ám điểm cạnh trung tâm và tổn hại thị lực trung tâm cuối cùng sẽ dẫn đến mù lòa. Trong một số trường hợp, mù lòa còn có thể kèm theo đau nhức dẫn đến phải bỏ mắt. Lưu ý là các tổn hại chức năng thị giác của bệnh glôcôm là không hồi phục được.

Phương pháp điều trị

Hiện nay, việc điều trị glôcôm phụ thuộc vào thể bệnh: glôcôm góc đóng giai đoạn sớm có thể điều trị bằng laser: tạo một đường lưu thông mới của thủy dịch qua lỗ mở bằng laser của mống mắt từ hậu phòng ra tiền phòng; giai đoạn muộn phải phẫu thuật. Còn glôcôm góc mở điều trị ban đầu là thuốc hạ nhãn áp, nếu không đạt yêu cầu phải chuyển điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật.

Có phòng được bệnh glôcôm?

Cho đến nay chưa có một phương pháp nào giúp phòng bệnh glôcôm hiệu quả. Nhưng tổn hại chức năng thị giác do glôcôm có thể phòng tránh được nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Những người từ 40 tuổi trở lên, đặc biệt nếu có người trong gia đình đã mắc bệnh này nên có ý thức đi khám sàng lọc bệnh.

Đối với bệnh nhân glôcôm phải có ý thức tuân thủ điều trị, nếu điều trị đúng và nghiêm túc, bệnh sẽ ổn định nhưng bệnh sẽ theo ta suốt đời. Nếu không tuân thủ điều trị, bệnh sẽ tiếp tục tiến triển dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.      

   ThS. BS.Đỗ Tấn (Phó trưởng khoa Glôcôm - BV Mắt TW)


Ý kiến của bạn