- 1. Tại sao lại gọi là "bệnh chân voi"?
- 2. Sao muỗi đốt lại truyền bệnh chân voi?
- 3. Bệnh chân voi thường gặp nhất ở đâu?
- 4. Bệnh chân voi nguy hiểm như thế nào?
- 5. Ai có nguy cơ cao mắc bệnh chân voi?
- 6. Bệnh chân voi có chữa khỏi được không?
- 7. Các phương pháp điều trị bệnh chân voi
- 8. Đông y có chữa được bệnh chân voi không?
- 9. Lưu ý khi chăm sóc điều trị cho người bệnh chân voi
- 10. Chi phí khám và điều trị bệnh chân voi
1. Tại sao lại gọi là "bệnh chân voi"?
Tên gọi "bệnh chân voi" xuất phát từ biểu hiện đặc trưng của căn bệnh này. Khi bị bệnh, một bộ phận nào đó trên cơ thể, thường là chân, bị phù lên một cách bất thường, khiến cho vùng da đó trở nên dày sừng, sần sùi và có hình dạng giống như chân của con voi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh giun chỉ bạch huyết (thường được gọi là bệnh chân voi, bệnh phù voi) là một căn bệnh nhiệt đới bị lãng quên. Nhiễm trùng thường xảy ra ở trẻ em và gây ra tổn thương tiềm ẩn cho hệ thống bạch huyết.
Các biểu hiện đau đớn và biến dạng nghiêm trọng của bệnh bao gồm phù bạch huyết, phù voi và sưng bìu và có thể dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này không chỉ tàn tật về thể chất mà còn phải chịu tổn thất về tinh thần và tài chính, bị sự kỳ thị và nghèo đói.
2. Sao muỗi đốt lại truyền bệnh chân voi?
Bệnh chân voi không lây trực tiếp từ người bị bệnh sang người lành mà phải qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Nhiễm trùng xảy ra khi ký sinh trùng giun chỉ được truyền sang người qua muỗi. Khi bị muỗi đốt, ấu trùng giun chỉ sẽ xâm nhập vào cơ thể người và phát triển trong hệ thống bạch huyết. Chúng gây tổn thương các mạch bạch huyết, làm tắc nghẽn dòng chảy của bạch huyết. Điều này dẫn đến dịch bạch huyết ứ đọng lại ở các mô, gây ra tình trạng phù nề.
Bệnh giun chỉ bạch huyết được lây truyền qua nhiều loại muỗi khác nhau, ví dụ như muỗi Culex, phân bố rộng rãi ở các khu vực thành thị và bán thành thị; Anopheles, chủ yếu được tìm thấy ở các vùng nông thôn và Aedes, chủ yếu ở các đảo đặc hữu ở Thái Bình Dương.
3. Bệnh chân voi thường gặp nhất ở đâu?
Theo ước tính của WHO, vào năm 2023 có hơn 657 triệu người ở 39 quốc gia trên toàn thế giới vẫn đang bị đe dọa bởi bệnh giun chỉ bạch huyết và cần phải điều trị bằng hóa trị dự phòng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh nhiễm ký sinh trùng này.
Có khoảng 120 triệu người ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới bị nhiễm giun chỉ bạch huyết. Trong tổng số dân số cần hóa trị liệu phòng ngừa để ngăn chặn chu kỳ lây truyền, 57% sống ở khu vực Đông Nam Á (9 quốc gia) và 37% sống ở khu vực châu Phi (35 quốc gia).
4. Bệnh chân voi nguy hiểm như thế nào?
Biến chứng của bệnh chân voi ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, gây đau đớn và mất thẩm mỹ do các vết loét và viêm nhiễm thường xuyên, chân bị phù nề, biến dạng. Vết loét trên da dễ bị nhiễm trùng, gây ra các biến chứng nguy hiểm, suy giảm sức đề kháng, ảnh hưởng đến tim mạch. Ở giai đoạn muộn, bệnh chân voi có thể gây ra tàn phế vĩnh viễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động và làm việc và tâm lý nặng nề đối với người bệnh.
5. Ai có nguy cơ cao mắc bệnh chân voi?
Bệnh chân voi có thể xảy ra ở nhiều đối tượng, tuy nhiên một số nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bao gồm:
Người sống ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới: Đây là những khu vực có khí hậu nóng ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi và phát triển.
Người sống ở vùng có điều kiện vệ sinh kém: Các khu vực có hệ thống thoát nước kém, nhiều vũng nước đọng là môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sản.
Người có hệ miễn dịch kém: Những người có sức đề kháng yếu, người cao tuổi, trẻ em, người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy dinh dưỡng... dễ bị nhiễm bệnh hơn.
Người thường xuyên tiếp xúc với môi trường có nhiều muỗi: người làm việc ngoài trời, người sống ở vùng nông thôn, làm nghề nông...
6. Bệnh chân voi có chữa khỏi được không?
Bệnh chân voi có thể được điều trị và kiểm soát nhưng việc chữa khỏi hoàn toàn rất khó, nhất là khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn, các mạch bạch huyết bị tổn thương nặng nề, gây ra những biến đổi vĩnh viễn ở mô. Do đó người bệnh cần được phát hiện ở giai đoạn sớm, khả năng điều trị thành công và ngăn ngừa biến chứng sẽ cao hơn.
7. Các phương pháp điều trị bệnh chân voi
Theo BS. Đặng Xuân Thắng, các phương pháp điều trị bệnh chân voi bao gồm dùng thuốc chống ký sinh trùng tiêu diệt giun chỉ trong máu, nhằm ức chế sự lây lan của bệnh; Áp dụng liệu pháp phức hợp điều trị suy giảm (CDT) để tăng thoát bạch huyết, giảm sưng, khó chịu, xơ hóa, nguy cơ viêm mô tế bào, từ đó giúp cải thiện chức năng cơ thể và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Có thể thực hiện một số phương pháp phẫu thuật như nối tĩnh mạch với mạch bạch huyết hoặc cắt bỏ các mô mỡ, mô xơ thừa dưới da... trong những trường hợp bị chân voi có nguy cơ biến chứng cao, thường là ở vùng bìu. Phẫu thuật thường được tiến hành khi các phương pháp khác không giúp giảm triệu chứng. Phẫu thuật cắt bỏ hoặc gỡ rối và hút mỡ để giúp giảm các mô dư thừa, thường được dành cho những bệnh nhân có khả năng di chuyển kém và chất lượng cuộc sống bị giảm nghiêm trọng.
8. Đông y có chữa được bệnh chân voi không?
Bệnh chân voi là một căn bệnh phức tạp, liên quan đến hệ bạch huyết và thường được điều trị bằng các phương pháp y học hiện đại. Tuy nhiên, một số bài thuốc Đông y có thể hỗ trợ điều trị và cải thiện các triệu chứng như giúp giảm phù nề, kháng viêm, giảm đau, tăng cường tuần hoàn máu và bạch huyết, tăng sức đề kháng cho người bệnh. Lưu ý, việc sử dụng thuốc Đông y cần có sự chỉ định của thầy thuốc có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
9. Lưu ý khi chăm sóc điều trị cho người bệnh chân voi
Người bệnh cần kiên trì tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Không được tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào khi dùng thuốc cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Có thể cải thiện triệu chứng sưng viêm khó chịu, phục hồi chức năng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân bằng cách: Rửa và lau khô vùng bị sưng hàng ngày; Sử dụng kem dưỡng ẩm; Kiểm tra vết thương và sử dụng kem thuốc vào các vị trí bị đau; Tập thể dục thường xuyên; Nếu tay, chân bị sưng, hãy nâng cao chúng khi nằm hoặc ngồi; Có thể băng chặt vùng bị ảnh hưởng để ngăn tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
10. Chi phí khám và điều trị bệnh chân voi
Chi phí khám và điều trị bệnh chân voi có thể dao động khá lớn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm; mức độ nặng nhẹ của bệnh, chi phí xét nghiệm, các phương pháp điều trị… Ví dụ đối với người được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm chưa có biến chứng thường có chi phí điều trị thấp hơn so với giai đoạn muộn.
Các phương pháp điều trị khác nhau sẽ có chi phí khác nhau. Ví dụ, điều trị bằng thuốc thường ít tốn kém hơn so với phẫu thuật. Ngoài ra, chi phí khám và điều trị tại các bệnh viện tư sẽ cao hơn so với các bệnh viện công. Nếu có bảo hiểm y tế người bệnh sẽ được bảo hiểm chi trả theo quy định.
Nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín, Bệnh viện Nhiệt đới, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng… để được khám chẩn đoán chính xác và điều trị đúng cách, kịp thời.
Xem thêm: