1. Tác dụng của morphin
Theo ThS.BS. Trần Đức Cảnh, Khoa Nội soi - Thăm dò chức năng, Bệnh viện K Trung ương, morphin là thuốc gây nghiện và là thuốc giảm đau bậc 3.
Trong điều trị ung thư, morphin thường được áp dụng khi bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân không còn đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường (ví dụ: Paracetamol, ibuprofen, meloxicam, celecoxib…).
Morphin có thể được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau để giảm đau, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Ví dụ dạng dung dịch có thể dùng để tiêm, truyền tĩnh mạch; dạng viên để uống...
Đối với người bệnh ung thư sử dụng thuốc giảm đau kéo dài, bác sĩ có thể sử dụng kết hợp cả thuốc morphin dạng tiêm và morphin dạng uống, morphin uống dạng giải phóng nhanh và dạng giải phóng kéo dài để kiểm soát cơn đau.
Morphin là thuốc gây nghiện và là thuốc giảm đau bậc 3.
2. Tại sao dùng morphin cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ?
Morphin là thuốc giảm đau mạnh. Khi sử dụng không đúng có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc thuốc, quá liều, suy hô hấp và thậm chí là tử vong. Mặt khác, việc sử dụng thuốc đồng thời nhiều loại cùng một thời điểm có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng không mong muốn như buồn nôn, nôn, lơ mơ, ngủ gật, khó thở…
Do đó, ThS.BS. Trần Đức Cảnh nhấn mạnh người bệnh chỉ nên sử dụng morphin khi có sự chỉ định của bác sĩ, dùng đúng liều lượng và đúng thời gian chỉ định. Tùy vào từng tình trạng cũng như khả năng đáp ứng điều trị, bác sĩ sẽ có kế hoạch sử dụng thuốc phù hợp để tránh lạm dụng thuốc, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Bên cạnh đó, cần lưu ý một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng morphin giảm đau:
- Cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, lờ đờ
- Khô miệng
- Táo bón, tiêu chảy, đau bụng, giảm cảm giác đói
- Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn
- Ngứa, phát ban
- Lo lắng, vã mồ hôi...
ThS.BS. Trần Đức Cảnh cho biết, trên thực tế nhiều người bệnh có thể không gặp tác dụng phụ nào hoặc chỉ gặp các tác dụng không mong muốn ở mức độ nhẹ khi sử dụng morphin. Ngược lại, một số khác có thể gặp những phản ứng phụ nặng hơn. Do đó, nếu có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng không mong muốn, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn để được tư vấn và tìm giải pháp khắc phục.
3. Lưu ý khi sử dụng morphin
Một số loại morphin được bào chế ở dạng viên có cấu trúc đặc biệt giúp thuốc giải phóng từ từ, duy trì tác dụng giảm đau trong nhiều giờ. Do đó, khi dùng, người bệnh cần sử dụng nguyên viên, không được bẻ, nhai hoặc nghiền viên thuốc. Việc bẻ, nhai hoặc nghiền các viên thuốc giải phóng kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ giải phóng một lượng lớn thuốc trong khoảng thời gian ngắn, gây quá liều và có thể tử vong.
Trường hợp cơn đau không được kiểm soát giảm nhẹ sau khi sử dụng thuốc, cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn, không được tự ý tăng liều.
Lưu ý khi sử dụng morphin giảm đau trong điều trị ung thư
4. Kết hợp chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư
Ngoài việc sử dụng thuốc giảm đau trong quá trình điều trị bệnh, đối với người bệnh ung thư, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc giảm nhẹ bằng các liệu pháp tâm lý, vật lý trị liệu cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Theo đó, người bệnh ung thư cần xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, phong phú và đa dạng. Về chất đạm, người bệnh nên tăng tỷ lệ đạm trắng và hạn chế đạm đỏ. Hạn chế chứ không kiêng hẳn, như thịt bò, thịt lợn đỏ... vì nếu kiêng hẳn có thể dẫn đến thiếu máu.
Ngoài ra, các loại thực phẩm giàu acid béo omega-3 như cá hồi, dầu ô liu, quả bơ… có thể giúp chống viêm, phù nề, giảm nguy cơ suy mòn do vết thương, người bệnh có thể tăng cường thêm trong thực đơn của mình.
Người bệnh có thể sử dụng một số loại sữa chuyên biệt dành cho bệnh nhân ung thư.
Lưu ý trong quá trình bảo quản và chế biến thức ăn, cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chế biến phù hợp với tình trạng bệnh, thường ưu tiên các món mềm, dễ tiêu hóa.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Bị ung thư đại tràng giai đoạn 4, chàng trai 29 tuổi chia sẻ dấu hiệu | SKĐS