Những điều cần biết khi ngâm rượu rắn

04-09-2019 10:06 | Sức khỏe sinh sản
google news

SkĐS-Rượu rắn có nhiều công dụng nhưng chủ yếu để chữa chứng đau xương khớp thuộc phong tê thấp.

Dùng rắn gì để ngâm? Có người cho rằng càng độc càng tốt. Có người lại khuyên không nên quá độc như rắn cạp nia.

Những trường hợp nào không nên dùng rượu rắn? Những người hay bị dị ứng, không uống được rượu (bệnh đường tiêu hoá, tăng huyết áp...) và không uống được rượu nặng (40 độ). Những người này nên dùng rắn được chế biến dưới dạng viên hoàn, chống chỉ định đối với người có phong do huyết hư (huyết hư sinh phong). Về thịt rắn có sách khuyên người tiêu hoá không tốt không nên dùng...

Bộ rắn nào hay được dùng nhất? Đó là phải có bộ ba: Hổ mang, rắn cạp nong và rắn ráo để có tác dụng lên ba phần của cơ thể: thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu. Có người lại nói mục đích để thực hiện ý nghĩa: Thiên - Nhân - Địa.

Ngâm rượu với rắn khô hay tươi? Cả hai loại đều được dùng nhưng người ta thấy dùng tươi tốt hơn,  trường hợp dùng khô là bất đắc dĩ. Có ý kiến dạng tươi uống tuy tanh hơn, nhưng hiệu quả cao hơn và phần nào an toàn hơn. Rắn khô khi được chặt khúc sấy khô cả khúc hay tán bột.

Lấy phần nào của rắn để ngâm? Trước hết phải bỏ đầu, ruột. Nhiều người vẫn lấy cả đầu vì không thấy độc mà nếu có độc thì mới trị được độc. Bình rượu cần có cả đầu mới đủ. Về đuôi có người bỏ khúc 10cm cuối. Có người lại ca tụng phần đuôi (tất nhiên khi lấy dài hơn 10cm) vì đó là phần tập trung tinh lực của cả con rắn. Nhờ có đuôi, con rắn mới hoạt động linh hoạt và gồng cả mình lên để tấn công kẻ thù.

Mật rắn rất quý để ngâm riêng tốt hơn ngâm chung. Có nơi chọn rắn tươi đã làm sạch để sau 3 tháng đào lên lấy bộ xương riêng để ngâm rượu:

- Làm sạch rắn thường người ta không chỉ lau rửa bằng rượu và nước gừng không dùng nước lã nhất là khi đã mổ ra rồi. Người ta còn có cách cho rắn đã làm sạch vào bình đổ ngập rượu ngâm 24 giờ đổ rượu đó đi để khử độc. Rượu đổ lần thứ hai mới dùng.

Rượu rắn cần ngâm đúng cách.

- Công thức rượu rắn được phối ngũ hai phần chính. Rắn là phong dược phải kèm các vị huyết dược (Ví dụ: Hà thủ ô, kê huyết đằng, quy vĩ...) vì Đông y quan niệm "Trị phong tiên trị huyết. Huyết hành phong tự diệt". Một số cơ sở muốn "tinh giản" công thức để hiện đại hoá rượu rắn đã cắt bớt phần huyết dược gây giảm hiệu quả chữa bệnh của rượu rắn.

Để bớt tanh, người ta cho thêm vào rượu rắn một số dược liệu có tinh dầu như trần bì (vỏ quýt lâu năm, hồi, thiên niên kiện...).

Dùng rượu nào để ngâm? Tốt nhất là "rượu trắng quốc doanh" như cồn dược dụng. Nếu dùng "quốc lủi" thì phải nấu cho chuẩn, không nên lấy phần cuối vì phần đó nhiều chất độc như aldehyt, furfurol. Để ngâm rắn cũng như các động vật khác (tắc kè, nhung, hải mã...) phải dùng rượu cao độ từ 40 độ trở lên thì mới tránh được tủa. Nhưng với độ cồn cao cũng dễ gây nguy hiểm. Tất cả các loại rượu thuốc đều có độ độc được quyết định bởi độ cồn. Độ cồn càng cao càng độc.

Ngâm chung hay riêng? Có người ngâm chung rắn với thuốc, mục đích tương tác giữa chúng. Có người ngâm riêng. Chỉ trộn với nhau với một lượng đủ dùng trong một thời gian nhất định, thường là hàng tuần vào ngày chủ nhật.

Rượu rắn ngâm bao lâu thì dùng được? Có người nói sau 1 tháng. Nhưng một số có tập quán ngâm 3 tháng 10 ngày (100 ngày - bách nhật) bằng cách hạ thổ thì mới tốt.

Rượu rắn tuy rất tốt với những người bị phong thấp, tuy nhiên không nên lạm dụng. Chỉ nên dùng 10 ngày cho mỗi đợt và mỗi ngày chỉ uống 25ml vào bữa cơm tối.


BS. Phó Đức Thuần
Ý kiến của bạn