Hà Nội

Những điều cần biết khi dùng thuốc trị bệnh gout

20-08-2022 07:15 | An toàn dùng thuốc

SKĐS- Bệnh gout không chữa khỏi được hoàn toàn, nhưng có thể điều trị ngăn ngừa cơn gout cấp và các tiến triển gây phá hủy khớp...

1. Nguyên nhân nào gây ra bệnh gout?

Tại Việt Nam, có hàng triệu người ngày ngày đang phải đối mặt với các cơn đau do bệnh gout gây ra ở mức độ khác nhau. Bệnh thường khởi phát trong giai đoạn từ 35 tuổi trở lên, tỉ lệ nam giới nhiều hơn nữ giới.

Nguyên nhân acid uric cao thường là do sử dụng thực phẩm giàu purine. Purine là chất có sẵn trong cơ thể, nhưng một số thực phẩm cũng chứa nhiều chất này: Nội tạng động vật, thịt động vật có màu đỏ (bê, dê, thịt chó, bò…) và một số hải sản. Ngoài ra, còn do yếu tố di truyền và bẩm sinh nhưng khá hiếm gặp.

Bệnh gout tiến triển từ nhẹ đến nặng. Lúc đầu tuy acid uric tăng cao, nhưng hầu như cơ thể chưa có biểu hiện gì. Do đó bệnh gout hiếm khi được phát hiện sớm, chỉ tình cờ được phát hiện nhân một dịp khám bệnh nào đó. Nên hầu hết các trường hợp cũng không được điều trị giai đoạn này. Mà nếu có được kê đơn điều trị, đa số bệnh nhân lại chủ quan dùng thuốc không đúng hoặc chưa thực hiện chế độ ăn lành mạnh khiến bệnh gout tiến triển đến giai đoạn muộn hơn: Có cơn đau đột ngột một vài ngày ở các khớp nhỏ (bàn chân, bàn tay) nhưng nhanh chóng tự hết. Giai đoạn sau thì tình trạng viêm, sưng tấy đỏ, đau không chịu được mới khiến bệnh nhân đi khám bệnh.

Những điều cần biết khi điều trị bệnh gút - Ảnh 1.

Bệnh goutban đầu thường ảnh hưởng đến các khớp nhỏ.

2. Điều trị bệnh gout thế nào?

Nếu bệnh gout được điều trị ở giai đoạn sớm và thực hiện chế độ ăn nghiêm túc, hạn chế rượu bia và các loại thực phẩm giàu purin, uống nhiều nước, ăn nhiều rau trái, tập thể dục… sẽ giúp bệnh tiến triển chậm, thậm chí là giúp bệnh nhân không bị đau đớn.

Tuy nhiên, việc từ chối tiêu thụ thực phẩm cùng với các bữa nhậu của đa số bệnh nhân là rất thấp. Do đó khi acid uric tăng, hầu hết tiến đến các cơn gout cấp và tiến đến phá hủy khớp lớn.

Hiện nay, chưa có phương pháp nào điều trị khỏi bệnh hoàn toàn. Mục đích chính là giảm thiểu cơn đau do gout và ngăn ngừa sự tăng lên của acid uric trong máu.

 Do đó cần thực hiện đúng 2 vấn đề:

  • Ăn uống, sinh hoạt khoa học để cắt nguyên nhân gây bệnh
  •  Dùng thuốc để giúp giảm đau, kháng viêm, thuốc hạ acid uric…

Việc dùng thuốc chia ra 2 giai đoạn:

2.1 Điều trị cơn gout cấp

Các thuốc điều trị cơn gout cấp chủ yếu giúp giảm viêm, từ đó giảm đau cho bệnh nhân. Trong đó các thuốc được chỉ định là:

Colchicin: Do môi trường acid dễ làm kết tủa urat gây bệnh gout. Colchicin tạo ra chất ngăn cản sự vận chuyển các vật liệu bị thực bào đến các thể tiêu bào, ức chế sự thực bào của bạch cầu trung tính với tinh thể urat, giữ cho môi trường bình thường, nên được dùng điều trị cơn gout cấp tính và dự phòng khởi phát đợt cấp.

 Do đó, với mục đích chống viêm, giảm đau trong cơn gout cấp hoặc đợt cấp của gout mạn, cần dùng thuốc càng sớm càng tốt (trong vòng 12 giờ đầu khởi phát cơn gout).

Tuy nhiên, thuốc có thể gây nôn, tiêu chảy. Tình trạng này xảy ra trước khi giảm triệu chứng đau, nên khá nhiều bệnh nhân khó chịu. Tác dụng phụ này xảy ra thường do quá liều. Do vậy bệnh nhân cần giảm liều hoặc tạm ngưng thuốc và thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh hoặc thay thuốc.

Ngoài ra, tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng hiếm gặp của thuốc là: Nổi mề đay, ban đỏ dạng sởi, suy giảm tủy xương, viêm thần kinh ngoại biên, rụng tóc.

Những điều cần biết khi điều trị bệnh gút - Ảnh 2.

Các cơn đau không chịu nổi là lý do bệnh nhân đi khám bệnh.

Thận trọng với người có tiền sử bệnh dạ dày, ruột, thận, gan, tim. Thuốc không dùng khi bệnh nhân mắc các bệnh nêu trên ở mức trầm trọng. Thận trọng khi dùng cho người già. Không dùng thuốc lâu dài vì có thể gây bệnh về nhược cơ, cần giảm liều khi thuốc đã có hiệu quả.

Trong trường hợp bệnh nhân không sử dụng được bằng cochicine có thể dự phòng bằng các thuốc kháng viêm không steroid bằng liều thấp.

Thuốc kháng viêm không steroid: Là thuốc chọn lựa đầu tay, thường dùng ít nhất 5-7 ngày khi người bệnh bị đau mà chưa điều trị hoặc dùng phối hợp với thuốc dự phòng.

 Các thuốc chống viêm không steroid thế hệ cũ và mới đều có tác dụng như nhau, nên có thể dùng một trong các thuốc sau: Indometacin, naproxen, ibuprofen, ketoprofen, piroxicam, diclofena, meloxicam, celecoxib, etoricoxib...

Nhóm kháng viêm không steroid có tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa, do đó bệnh nhân mắc kèm theo các bệnh như viêm loét dạ dày tá tràng, suy thận… cần lưu  ý các chống chỉ định của thuốc. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng phối hợp với colchicin để nâng cao tác dụng có lợi và hạn chế tác dụng phụ của cả hai loại thuốc.

- Corticoid: Corticoid đường toàn thân sẽ được chỉ định khi các thuốc nêu trên không hiệu quả hoặc có chống chỉ định ở một số bệnh nhân. Tuy nhiên, đây là loại thuốc cũng có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, do đó cần rất hạn chế và chỉ dùng ngắn ngày, liều dùng đúng chỉ định và theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa để ngăn ngừa và xử trí tác dụng phụ nếu xảy ra.

Ngoài điều trị chống viêm, giảm đau, còn cần sử dụng thuốc hạ acid uric trong máu để dự phòng cơn gout cấp

2.2 Các thuốc dự phòng cơn gout cấp

Các loại thuốc để giảm bớt triệu chứng của cơn gout cấp không ngăn chặn sự gia tăng của acid uric trong máu. Do vậy không dự phòng được cơn gout tiếp theo.

 Cách lâu dài và tốt nhất là sử dụng các loại thuốc giảm nồng độ acid uric, từ đó ngăn chặn sự lắng đọng tinh thể urat trong khớp xương, dự phòng cơn gout cấp. Trong đó, những thuốc thường được sử dụng:

Những điều cần biết khi điều trị bệnh gút - Ảnh 3.

Nếu điều trị không nghiêm túc, bệnh gút tái phát và làm ảnh hưởng, thậm chí phá hủy các khớp lớn.

Allopurinol: Đây là một thuốc hàng đầu được sử dụng, tuy nhiên khi mới bắt đầu cần phải dùng liều thấp (liều duy nhất 100mg/ngày). Sau đó tăng dần mỗi 3-4 tuần một lần cho đến khi nồng độ acid uric trong máu trở lại bình thường

Do allopurinol gây độc cho thận, nên cần thận trọng với bệnh nhân có tiền sử suy thận. Trong quá trình điều trị, cần kiểm tra thận thường xuyên, khi độ lọc cầu thận giảm thì phải giảm liều thuốc hoặc giãn khoảng cách giữa các lần dùng. Thuốc này không sử dụng trong trong cơn gout cấp mà chỉ dùng khi tình trạng viêm khớp đã thuyên giảm.

- Các thuốc thải uric: Gồm benzbromaron, probenecid, sulphipyrazon... dùng cho người không dung nạp allopurinol hoặc phối hợp với allopurinol khi dùng đơn độc một loại kém hiệu quả.

- Febuxostat: Thuốc được chỉ định khi bệnh nhân có kèm suy thận hoặc gặp phải tác dụng không mong muốn với allopuronol.

- Probenecid: Là loại thuốc được sử dụng hàng ngày trong dự phòng bệnh gout tái phát. Tác dụng phụ có thể gặp là gây sỏi thận, buồn nôn, phát ban da, đau bụng và nhức đầu.

- Pegloticase: Có tác dụng làm giảm acid uric một cách nhanh chóng hơn nhiều so với thuốc khác. Nhưng đây là thuốc tiêm và được thực hiện ở cơ sở y tế, do bác sĩ chuyên khoa khớp chỉ định và thực hiện. Thuốc được tiêm mỗi tuần 2 lần vào tĩnh mạch. Các tác dụng phụ có thể gặp: Buồn nôn, bầm tím vùng tiêm, đau họng, táo bón, đau ngực…

Lưu ý:

Các thuốc hạ acid uric và dự phòng cơn gout cấp là thuốc sử dụng hằng ngày và lâu dài, do đó bệnh nhân cần kiên trì sử dụng đúng theo phác đồ, không tự ý bỏ thuốc. Nếu gặp phải bất thường khi dùng thuốc cần thông báo cho bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn.

Việc sử dụng thuốc điều trị bệnh gout nên tuân thủ chặt chẽ theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

3. Dinh dưỡng cho bệnh nhân gout

Chế độ ăn uống hay luyện tập không thể thay thế được thuốc, nhưng là liệu pháp góp phần quan trọng trong việc dự phòng cơn gout cấp và làm chậm tiến triển của bệnh. 

Trong bệnh gout, dù có dùng thuốc đúng nhưng nếu không có chế độ ăn phù hợp thì kết quả điều trị cũng thất bại. Do vậy, chế độ ăn là một phần không thể thiếu trong điều trị bệnh gout. 

Cần lưu ý chế độ ăn như sau:

  • Không ăn thực phẩm chứa nhiều purin: Thịt động vật màu đỏ; cá mòi, cá đối, cá trích; trứng vịt lộn; nội tạng động vật; không ăn mỡ động vật; đậu măng tây; đường; không uống rượu bia; không sử dụng chất kích thích (cà phê, trà, cacao, chocolate…).
  • Ăn nhiều rau củ quả trái cây, uống nhiều nước để loại bỏ axid uric ra ngoài theo đường nước tiểu; ăn nhiều các loại hạt, ngũ cốc…
  • Giảm cân (nếu thừa cân); tăng cường vận động thể dục thể thao để xương khớp linh hoạt, tránh lối sống ít vận động.
  • Khi đã bị bệnh gout, bệnh nhân không được làm việc quá sức hoặc luyện tập các môn không phù hợp, tránh gây hại cho khớp.

Mời độc giả xem thêm video:

Bắp cải - món rau lý tưởng cho người trên 50 tuổi

BS.Nguyễn Văn Hùng
Ý kiến của bạn