1. Thuốc chống loạn thần được sử dụng khi nào?
Thuốc chống loạn thần còn được gọi là thuốc an thần kinh là thuốc được kê đơn để điều trị các triệu chứng loạn thần trong một số rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực và trầm cảm nặng.
Thuốc không chữa khỏi bệnh hoàn toàn các tình trạng trên, nhưng thuốc chống loạn thần giúp kiểm soát các triệu chứng như ảo tưởng, ảo giác, suy nghĩ kỳ lạ và ngôn ngữ không mạch lạc trong giai đoạn cấp tính của bệnh tâm thần phân liệt. Trong thời kỳ thuyên giảm, thuốc có thể giúp ngăn ngừa các đợt rối loạn tâm thần tái phát.
Mỗi thuốc chống loạn thần có các đặc điểm dược lý cụ thể, cho phép bác sĩ chọn loại thuốc phù hợp nhất cho bệnh nhân của mình và xác định liều hiệu quả tối thiểu, sẽ gây ra ít tác dụng phụ nhất trong thời gian dài.
2. Thuốc hoạt động như thế nào?
Thuốc chống loạn thần hoạt động bằng cách thay đổi tác dụng của một số hóa chất tự nhiên trong não, được gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Chất dẫn truyền thần kinh ảnh hưởng đến hành vi, suy nghĩ, tâm trạng và cảm xúc của chúng ta.
Rối loạn tâm thần có liên quan đến những thay đổi trong hoạt động dẫn truyền thần kinh trong các khu vực cụ thể của não. Có nhiều chất dẫn truyền thần kinh khác nhau trong não bao gồm dopamin, serotonin và noradrenaline... Thuốc sẽ được hấp thụ vào máu và vận chuyển vào não. Từ đó, có thể tiếp cận khớp thần kinh và thay đổi cách các tế bào não giao tiếp với nhau.
Dùng thuốc chống loạn thần có thể giúp khôi phục lại sự cân bằng trong hoạt động của dopamin giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt.
3. Các loại thuốc chống loạn thần
Nhìn chung, thuốc chống loạn thần được phân thành hai loại:
- Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất (điển hình)
- Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai (không điển hình).
Sự khác biệt chính giữa hai loại này là thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất ngăn chặn dopamin trong khi thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai, ngoài việc ngăn chặn dopamin còn tác động lên mức serotonin.
Cả hai loại thuốc đều có thể gây ra tác dụng phụ như buồn ngủ, rối loạn vận động (cử động không tự chủ hoặc không kiểm soát được, run, co giật cơ) và tăng cân. Nghiên cứu cho thấy rằng một số loại thuốc thế hệ thứ hai, ít có tác dụng phụ về rối loạn vận động rõ rệt hơn so với thuốc thế hệ thứ nhất.
Liều lượng của thuốc được kê đơn phải phù hợp với tính chất và cường độ của các triệu chứng gặp phải. Do đó, liều lượng có thể khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu lâm sàng mà người bệnh biểu hiện và phản ứng cá nhân của họ với thuốc.
Khi bác sĩ đã dò đúng loại thuốc và đúng liều lượng, việc tuân thủ chính xác của người bệnh sẽ đảm bảo việc điều trị có hiệu quả.
4. Những rủi ro có thể xảy ra khi dùng thuốc
Việc sử dụng thuốc có thể khiến bệnh nhân gặp rủi ro có thể do tác dụng phụ, tương tác thuốc hoặc bệnh lý liên quan (chống chỉ định).
Các thuốc chống loạn thần nên được sử dụng thận trọng trong trường hợp:
- Tiền sử hội chứng ác tính thần kinh.
- Bệnh Parkinson.
- Tăng nhãn áp góc đóng.
- Động kinh.
- Rối loạn chuyển hóa.
- Tình trạng tim mạch nghiêm trọng.
- Suy gan hoặc thận nặng.
- Chứng mất trí nhớ và các bệnh thoái hóa của hệ thống thần kinh trung ương.
- Mang thai và cho con bú.
- Trẻ em dưới 5 tuổi, người già...
Ngoài ra tương tác giữa thuốc chống loạn thần và các loại thuốc khác, như thuốc giải lo âu, thuốc ngủ, thuốc dị ứng hoặc huyết áp cao, thuốc điều trị rối loạn cương dương... có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.
Do đó, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, kiên trì dùng thuốc và báo cáo những bất lợi có thể xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc cho bác sĩ biết, để có cách xử trí phù hợp.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Thực phẩm tốt cho tiêu hóa và giấc ngủ