Hà Nội

Những điều cần biết khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết

13-09-2024 10:12 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, nhưng thường gia tăng vào các tháng mùa mưa lũ.

Mắc sốt xuất huyết Dengue là do bị muỗi vằn đốt. Muỗi vằn thường ở xó tối, vườn và chỗ treo quần áo... muỗi vằn đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước.

Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết

Người mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue thường có các dấu hiệu sau:

  • Sốt cao 39 – 41độ C, sốt đột ngột và liên tục từ 2 – 7 ngày.
  • Xuất huyết: Chấm xuất huyết ở da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, bầm tím chỗ tiêm.
  • Người bệnh xuất hiện đau bụng (do gan bị sưng to).
  • Trụy mạch (sốc): Ngày thứ 3 – 6, hết sốt mà li bì hoặc bứt rứt, lạnh chân tay, tím môi, tiểu tiện ít, tiên lượng tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
  • Chú ý: Trẻ sốt cao liên tục trên hai ngày thì phải khẩn trương đưa đến các cơ sở khám chữa bệnh.

Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm virus gây ra triệu chứng đầu tiên là sốt, theo cảnh báo thời gian nguy hiểm nhất của bệnh là từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh.

Những điều cần biết khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết- Ảnh 1.

Mắc sốt xuất huyết Dengue là do bị muỗi vằn đốt, chúng thường đốt vào ban ngày.

Người bệnh cần làm các xét nghiệm máu để theo dõi số lượng tế bào máu thay đổi hàng ngày và các xét nghiệm chẩn đoán virus gồm xét nghiệm về kháng nguyên và kháng thể.

Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết như thế nào?

Nếu người bệnh nhẹ sẽ được chỉ định điều trị tại nhà, việc dùng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ. Nếu có sốt người bệnh cần uống thuốc paracetamol, lau mát bằng nước ấm…

Chú ý, thuốc hạ sốt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 – 15mg/kg cân nặng/lần ( ví dụ một người 50kg có thể uống 1 viên paracetamol 500mg/lần), mỗi lần uống cách nhau 4-6 giờ. Tổng liều paracetamol không quá 60 mg/kg cân nặng/24 giờ ( một người 50kg không uống quá 3000mg/ ngày). 

Tuyệt đối không dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu. Bù dịch bằng cách uống oresol (pha đúng theo hướng dẫn), nước cam, nước chanh...

Không kiêng cữ ăn uống; không quấn trẻ bằng nhiều quần áo khi đang sốt cao.

Về dinh dưỡng, đặc điểm bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue là chán ăn, tiêu hóa chậm (xuất huyết tiêu hoá), không ăn bằng miệng được (biến chứng não). Cách ăn tùy thuộc diễn biến của bệnh vì vậy khi mắc sốt xuất huyết cần tăng cường cho người bệnh ăn: trứng, sữa, thịt, cá.

Tăng cường cung cấp năng lượng chủ yếu, tăng tỉ lệ đường đơn, đôi có trong thực phẩm như: Nước đường, nước trái cây và lipid thực vật.

Cần uống đủ nước, giàu sinh tố và muối khoáng: nước trái cây, rau quả, mật ong.

Cần chia nhỏ làm nhiều bữa trong ngày (trẻ em: 6-8 bữa/ngày, người lớn 4- 6 bữa/ngày)

Thực phẩm cho bệnh nhân cần mềm, lỏng, nhiều nước như sữa, cháo mì, phở tùy theo nhu cầu ăn uống của bệnh nhân.

Giai đoạn hồi phục: Tăng lượng, tăng đạm, ăn bù một bữa một ngày như tăng bữa phụ (chè, cháo, sữa chua, trái cây). Vẫn nên ăn thực phẩm mềm sau 3 ngày để phòng xuất huyết tiêu hoá.

Phải đến bệnh viện cấp cứu ngay khi có các dấu hiệu bệnh tiến triển nặng (dấu hiệu nguy hiểm) như: Hết sốt nhưng bứt rứt, lừ đừ, tay chân lạnh, vã mồ hôi; Người bệnh nôn nhiều, đau bụng; Nôn ra máu, đi ngoài ra máu, chảy máu mũi, chảy máu chân răng.

Phòng bệnh sốt xuất huyết

Những điều cần biết khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết- Ảnh 2.

Cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy để phòng bệnh.

Để phòng bệnh hiệu quả cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ,... để muỗi không vào đẻ trứng.

Thực hiện thường xuyên các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn.

Loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... 

Ngoài ra, cần ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

2 lý do khiến bệnh sốt xuất huyết trở nặng và cách phòng bệnh hiệu quả2 lý do khiến bệnh sốt xuất huyết trở nặng và cách phòng bệnh hiệu quả

SKĐS - Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm xảy ra quanh năm, vào mùa mưa có nguy cơ bùng phát dịch bệnh nhiều hơn. Hiện số ca mắc sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng.



BS.CKI Nguyễn Hoàng Anh
Ý kiến của bạn