Hà Nội

Những điều bất ngờ trong ca ghép tạng xuyên Việt

25-09-2015 21:03 | Y học 360
google news

SKĐS - Chiều ngày 25/9, tại lễ xuất viện của hai bệnh nhân được ghép tạng từ người cho chết não hiến từ Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều điều đặc biệt về ca ghép đã được chia sẻ.

Bệnh nhân được ghép tim chia sẻ niềm hạnh phúc trong buổi ra viện

Trước đó, ngày 4 và 5 tháng 9, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp cùng Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và các bác sĩ bệnh viện Việt Đức thực hiện cuộc vận chuyển tim và gan của người hiến gần 2000km từ TPHCM ra Hà Nội bằng máy bay dân dụng để ghép cho 2 bệnh nhân.

Đây là ca ghép tạng đặc biệt có hành trình vận chuyển tạng dài nhất từ trước tới nay của Việt Nam đã thành công, khẳng định trình độ ghép tạng của các bác sĩ Việt Nam ngang tầm thế giới.

“Giấu” vợ, bắt xe ôm đi ghép gan

Trong Lễ ra viện, ông Trần Văn Hải (bệnh nhân được ghép gan, 59 tuổi) đã chia sẻ thật lòng: “Hôm đó, khi đang đi làm, thấy bệnh viện gọi điện thông báo có người cho chết não hiến gan, tôi rất bất ngờ. Tôi bắt ngay xe ôm tới bệnh viện Việt Đức và tới nơi mới lấy máy điện thoại gọi cho vợ thông báo chuẩn bị được ghép gan.

Theo ông Hải trước đây, khi có chỉ định ghép gan, có người khuyên ông nên suy nghĩ kỹ. Tuy nhiên, ông hoàn toàn tin tưởng vào tay nghề, trình độ của bác sĩ Việt Nam và quyết định rất nhanh chóng khi nhận điện thoại thông báo. “ Không biết nói gì trong giờ phút xúc động này, tôi xin gửi lời cảm ơn tới gia đình của người hiến tạng, tới BS. Sơn, người đã trực tiếp thực hiện ca ghép gan cho tôi thành công” – ông Hải nói.

Những điều bất ngờ trong ca ghép tạng xuyên Việt

Bệnh nhân Trần Văn Hải- “Giấu” vợ, bắt xe ôm đi ghép gan trò chuyện cùng BS. Trịnh Hồng Sơn - người trực tiếp thực hiện ca ghép gan cho mình

Những điều bất ngờ trong ca ghép tạng xuyên Việt

Vợ bệnh nhân được ghép gan chia sẻ: nhận được tin chồng báo vào viện ghép gan, chị vô cùng bất ngờ.

Vợ ông Hải cho biết, khi đang ngồi cơ quan, chồng gọi điện thông báo về vì chuẩn bị ghép gan, lúc đó vô cùng bất ngờ. Chính chị đã nói nguyện vọng hiến gan cho chồng mình nhưng chỉ số của chị không phù hợp với chồng. Với chị, có người hiến tạng cho chồng mình, đó như một điều kỳ diệu. Và cũng không còn lời cảm ơn nào hơn để gửi tới gia đình đã có người hiến tạng cho chồng chị.

Với anh Nguyễn Văn Hải, sau khi được ghép tim, anh đã thực sự được hồi sinh. Anh cho biết, “Trước khi ghép tim, tôi bị suy tim và nằm trong bệnh viện Bạch Mai hơn tháng liền. Cơ thể yếu, mệt. Các bác sĩ tiên lượng, thời gian tôi còn được sống chỉ tính theo tuần. Từ khi ghép tim xong, sức khỏe tôi như người bình thường, không còn phải nằm bệt trên giường chỉ để thở như trước.”.

Những điều bất ngờ trong ca ghép tạng xuyên Việt
Bệnh nhân Nguyễn Văn Hải - người được ghép tim (mặc áo tím, ngồi ngoài cùng) hạnh phúc và không tin cách đây một tháng, sự sống của anh chỉ tính bằng tuần.

Anh Hải hiện 37 tuổi, đang có 3 con và một cháu mới sinh được 5 tháng. Sau ca ghép tạng thành công, được xuất viện về nhà, bên các con, sống như một người khỏe mạnh bình thường, đó là một niềm hạnh phúc rất lớn. Mang trong mình trái tim của một người đã hiến tặng, anh Hải không biết nói gì với gia đình người hiến đã thực sự hồi sinh anh.

Theo BS. Nguyễn Hữu Ước, sau khi ghép tạng xong, bệnh nhân sẽ chuyển từ trạng thái ốm yếu và mệt mỏi sang trạng thái sung mãn nhưng không phải vì thế mà sinh hoạt tùy ý. Sự tuân thủ các quy định về sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh theo lời dặn của bác sĩ là rất quan trọng, quyết định thời gian sống của bệnh nhân sau này.

Những điều bây giờ bác sĩ mới kể…

BS. Nguyễn Hữu Ước, người trực tiếp ghép tim cho bệnh nhân cho biết: “Đây là ca ghép đặc biệt, bởi thời gian chuẩn bị quá ngắn, chỉ trong vòng 1 ngày. Các ca ghép tim trước, thời gian chuẩn bị tới 1, 2 tháng. Trong khi đó, bệnh nhân lại có nhiều biểu hiện bệnh nặng.

Hơn nữa, những ca ghép tim trước, thời gian mổ lấy tim từ người cho tạng để ghép sang người nhận chỉ trong vòng 15 phút và ghép trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Nhưng ca bệnh này, thời gian vận chuyển dài nên quả tim hiến bị thiếu máu nhiều. Vì vậy, các BS phải sáng tạo hơn, phải liên tục bơm dung dịch để bảo vệ cơ tim. Theo quy chuẩn vận chuyển của Thế giới, cứ 4, 5 tiếng sẽ bơm dung dịch bảo vệ cơ tim một lần. Nhưng, quả tim này thì 2 tiếng đã phải bơm dung dịch một lần vì thời gian vẩn chuyển lâu.

Chính vì thời gian vận chuyển dài cũng khiến cho quả tim co bóp yếu hơn. Vì vậy, bệnh nhân phải dùng thuốc trợ tim tới ngày thứ 5, thứ 6 sau mổ. Còn các ca ghép trước, bệnh nhân chỉ phải dùng thuốc trợ tim tới ngày thứ 2 sau mổ. Tuy nhiên tới nay, qua các thông số xét nghiệm, quả tim đã hoạt động hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường.

Những điều bất ngờ trong ca ghép tạng xuyên Việt

Hàng thứ 2, phía ngoài cùng từ trái sang, BS. Nguyễn Hữu Ước, người trực tiếp thực hiện ca ghép tim cho bệnh nhân Nguyễn Văn Hải (mặc áo xanh tím) cho biết, Đây là ca ghép đặc biệt, bởi so với các bệnh nhân ghép tim trước đây, anh Hải có nhiều biểu hiện bệnh nặng, thời gian chuẩn bị ghép tim quá ngắn, quãng đường vận chuyển xa

Những điều bất ngờ trong ca ghép tạng xuyên Việt

Với ca ghép gan, BS. Trịnh Hồng Sơn, người trực tiếp vận chuyển tạng và ghép gan cho biết, trong ca ghép, huyết áp của bệnh có lúc bị tụt thấp. Các bác sĩ gây mê đã phối hợp cực tốt để cải thiện tình trạng này.

Nói về triển vọng của ca ghép gan này, BS. Sơn cho biết, bệnh nhân được ghép gan bị xơ gan và có u gan. Theo BS. Sơn, thời gian sống của bệnh nhân ghép gan khi bị u gan là rất lâu. Ca đầu tiên ghép gan bị u gan từ năm 2007, tới nay bệnh nhân vẫn sống bình thường. Trong y học quy định, nếu bệnh nhân có 1 u gan dưới 5 cm thì phải cắt và nếu có 3 u gan dưới 6,5 cm thì phải ghép. Nếu cắt thì một thời gian sau, khối u sẽ xuất hiện trở lại. Khi ghép là cắt bỏ gan cũ và ghép gan mới và như vậy khả năng tái phát của u gan là rất thấp. Nếu có tái phát là do tế bào ung thư đã di căn.

Đánh giá về trình độ ghép tạng của các bác sĩ Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Quyết, nguyên giám đốc Bệnh viện Việt Đức khẳng định: “Trình độ ghép tạng của các y, bác sĩ Việt Nam không thua kém gì thế giới mặc dù nguồn tạng được vận chuyển từ xa. Đối với ca ghép gan cho bệnh nhân Hải, chỉ mất 7 tiếng rưỡi, trong khi đó thế giới phải mất 10 tiếng”.

Tuy nhiên, theo ông Quyết, vấn đề trăn trở đặt ra hiện nay là thiếu nguồn tạng hiến. Nguồn tạng hiến này cần huy động lấy từ người cho, chết não. Trên thế giới, các ca ghép tạng cũng chủ yếu lấy từ người cho chết não. mỗi năm có tới 10.000 ca chết vì tai nạn giao thông, chết vì bệnh lý về não. Nếu chỉ cần 1/10 trong số đó cho tạng thì đã là nguồn hiến tạng rất lớn.

Theo ông Quyết, việc một người chẳng may chết đi vì tai nam giao thông hoặc tai nạn lao động mà để lại cho đời một phần cơ thể để cứu người là một điều rất tuyệt vời cả về tâm linh và khoa học. Như trường hợp bệnh nhân Hải, cần cắt bỏ hoàn toàn lá gan hỏng nặng tới 700 gam và phải thay vào bằng một lá gan tương đương. Nếu lấy nguồn tạng từ những người đang sống, thì không ai có thể cho hiến một lượng lớn như vậy.

Ông Quyết cho hay, chi phí một ca ghép tim là khoảng 1 tỷ đồng, ca ghép gan là 1,5 tỷ, thấp hơn rất nhiều so với nước ngoài.

BS. Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy, người báo thông tin có bệnh nhân chết não hiến tạng tới Trung tâm tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tâm sự: BS cảm phục trước người mẹ của bệnh nhân đã âm thầm hiến tặng tạng của con trai mình sau chết não. Khi biết hai bệnh nhân ghép tạng sẽ xuất viện, BS có báo cho người mẹ để bà được theo dõi qua báo chí từ xa. Được nhìn những hình ảnh của hai bệnh nhân mang một phần cơ thể của người con mình, chắc chắn, người mẹ và gia đình tuyệt vời này sẽ rất xúc động và phần nào ấm lòng. Sự quyết định cao đẹp của bà và gia đình đã hồi sinh được hai con người. Một phần cơ thể của con bà lẽ ra giờ này đã tan biến, đi vào hư vô nhưng giờ đây, vẫn còn được hiện hữu trên cõi đời này, còn đem lại cuộc sống cho người khác.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho rằng: thành công của hai ca ghép tạng này chứng tỏ sự kết nối thông tin rất kịp thời từ bệnh viện Chợ Rẫy với Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia và các bác sĩ BV Việt Đức; sự phối hợp nhịp nhàng của chuyên ngành trong cấp cứu và những kỹ thuật ngoại khoa của các thầy thuốc. Điều này cũng một lần nữa khẳng định, bệnh nhân hoàn toàn có thể yên tâm vào năng lực của các bác sĩ trong nước mà không cần phải ra nước ngoài để ghép tạng.

Thanh Loan


Ý kiến của bạn