Bác sĩ cũng sẽ đưa ra các hướng dẫn về thay đổi lối sống cùng với thuốc điều trị để kiểm soát huyết áp tốt hơn, thậm chí có thể phối hợp nhiều loại thuốc với các cơ chế khác nhau để giúp duy trì huyết áp mục tiêu và bệnh nhân có được cuộc sống khỏe mạnh.
Những lưu ý trong việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp theo toa
Hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ nếu có thắc mắc về thuốc
Khi dùng thuốc, bạn có thể cảm thấy lo lắng về tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hậu quả sức khỏe lâu dài của tăng huyết áp không kiểm soát thường tồi tệ hơn bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc, bởi tăng huyết áp gây ra nhiều biến chứng như mù lòa, đột quỵ, suy tim, suy thận… dẫn đến tử vong sớm. Vì vậy, nếu bạn có thắc mắc, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn, giải đáp, không nên tránh né việc dùng thuốc.
Tuân thủ đúng theo hướng dẫn điều trị
Điều trị tăng huyết áp cần thời gian, sự kiên nhẫn, tuân theo liệu trình điều trị để có thể đạt được huyết áp mục tiêu.
- Không nên khăng khăng yêu cầu bác sĩ kê một số loại thuốc nhất định nào đó bởi vì bạn có thể gặp những tác dụng phụ nghiêm trọng nếu thuốc không phù hợp với mình. Bác sĩ sẽ có đánh giá, theo dõi đáp ứng thuốc của bạn để đưa ra liệu trình điều trị với thuốc có hiệu quả và ít tác dụng phụ nhất.
- Dùng thuốc điều trị tăng huyết áp chính xác theo hướng dẫn trong thời gian cần thiết. Không nên tự ý thay đổi liều lượng, thời gian dùng, số lần dùng thuốc như uống một viên cách ngày hoặc chia đôi viên thuốc để tiết kiệm thuốc và tiền hoặc uống thêm thuốc khi cảm thấy không khỏe. Khi giảm liều sẽ làm cho huyết áp có thể tăng lên mức nguy hiểm, khiến bạn có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ, suy tim và suy thận hoặc khi tăng liều thuốc sẽ làm huyết áp giảm đột ngột, có thể đe dọa tính mạng.
- Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về tất cả thuốc không kê đơn và toa thuốc khác mà bạn đang dùng. Một số loại thuốc có thể làm tăng huyết áp và cản trở hiệu quả của thuốc điều trị tăng huyết áp, ví dụ như thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), thuốc thông mũi và các thuốc chữa cảm cúm, thuốc giảm cân, cyclosporin, erythropoietin, thuốc chống trầm cảm ba vòng, chất ức chế monoamine oxidase…. Bạn nên trình bày với bác sĩ những thực phẩm chức năng, thuốc bắc, thuốc nam… mà bạn đang sử dụng bởi khả năng xảy ra tương tác thuốc ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Ví dụ như sử dụng lượng lớn, dài ngày vị thuốc cam thảo có thể làm giảm hiệu quả các thuốc điều trị huyết áp.
- Hãy kiên nhẫn khi cần thời gian để tìm ra liều lượng thuốc phù hợp với bạn. Những người khác nhau có thể phản ứng rất khác nhau với thuốc và bác sĩ cần thời gian để tìm ra loại thuốc, liều lượng phù hợp với tình trạng bệnh của bạn. Nếu cảm thấy không khỏe sau khi dùng thuốc, hãy báo với bác sĩ để họ có thể điều chỉnh thuốc hoặc có hướng xử lý.
- Tái khám đúng hẹn để bác sĩ theo dõi, đánh giá sự tiến triển của bạn và điều chỉnh toa thuốc nếu cần thiết.
- Không nên thay đổi bác sĩ liên tục. Bạn nên gắn bó với một bác sĩ đáng tin cậy và tuân theo kế hoạch điều trị. Nếu thay đổi bác sĩ, bạn nên trình bày những thuốc, toa thuốc đã sử dụng với bác sĩ mới để theo dõi và kê đơn thuốc hợp lý.
- Không nên tự ý cắt giảm hoặc bỏ thuốc cho dù bạn cảm thấy sức khỏe mình ổn. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn.
Tăng huyết áp là một bệnh lý mãn tính suốt đời
90% bệnh nhân tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, và có thể bạn phải dùng thuốc trong suốt phần đời còn lại nên hãy tự kiểm soát huyết áp của chính mình với những thay đổi về lối sống, tập thể dục, vận động thường xuyên, cũng như giảm thiểu các yếu tố nguy cơ như ăn mặn, uống nhiều bia rượu, cà phê, hút thuốc lá… Hãy lắng nghe ý kiến của bác sĩ, tuân theo chỉ định điều trị, đọc thêm các thông tin sức khỏe lành mạnh trên trang web đáng tin cậy và hành động vì một cuộc sống khỏe mạnh.
Truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe về các bệnh không lây nhiễm (BKLN) thường gặp như huyết áp nằm trong chương trình Chăm sóc sức khỏe Việt, do Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế và Công ty Davipharm phối hợp thực hiện, với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng có các kiến thức hữu ích về phòng ngừa và tầm soát BKLN.
Bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị.