Gan là một trong những cơ quan lớn nhất và quan trọng nhất của cơ thể. Ngoài việc lưu trữ và giải phóng năng lượng từ thực phẩm, nó hoạt động như một bộ lọc tự nhiên thải 'chất cặn bã' trong máu, loại bỏ các chất độc và chất thải ra khỏi cơ thể.
Với tầm quan trọng của cơ quan ‘xử lý hóa chất’ này, nên không có gì ngạc nhiên khi các nhà sản xuất thực phẩm bổ sung đã nhảy vào cuộc chiến ‘giải độc cho gan’.
Nhiều nội dung quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm
1. Nhiều nội dung quảng cáo thuốc bổ gan không đúng với thực chất của sản phẩm
- 1. Nhiều nội dung quảng cáo thuốc bổ gan không đúng với thực chất của sản phẩm
- 2. Gan hoạt động như thế nào?
- 3. Một số dược thảo có trong thành phần sản phẩm ‘bảo vệ gan’phổ biến
- 3.1 Cây kế sữa có trong thành phần thuốc bổ gan
- 3.2 Lá atisô
- 3.3 Rễ bồ công anh
- 4. Làm thế nào để giữ cho gan khỏe mạnh?
- 4.1 Hạn chế chất béo trong chế độ ăn uống
- 4.2 Tránh xa các hóa chất độc hại
- 4.3 Thận trọng khi uống rượu
- 4.4 Không lạm dụng thuốc
- 4.5 Không uống thuốc cùng với rượu
- 5. Một số lưu ý khi dùng các thuốc bổ gan
Trong thực tế, nhiều thông tin trên nhãn (hoặc quảng cáo) trên các sản phẩm bổ sung này không phù hợp với nghiên cứu hay công dụng thực chất của sản phẩm.
Mặc dù một số nghiên cứu đã tìm thấy lợi ích từ một số thành phần bổ sung - như cây kế sữa và lá atisô - ở những người bị bệnh gan, thế nhưng liệu những chất bổ sung này có thể cải thiện chức năng gan ở những người khỏe mạnh hay không vẫn chưa được chứng minh.
Các loại thuốc bổ trợ gan thường khẳng định sản phẩm của họ sẽ 'giải độc', 'tái tạo và 'giải cứu' lá gan; hoặc loại bỏ tác hại của rượu, chất béo, đường và tất cả các chất độc khác mà gan buộc phải xử lý trong nhiều năm - hoặc sau một cuộc say sưa cuối tuần.
Trên nhiều trang web của các sản phẩm này cũng tuyên bố các sản phẩm của họ có tác dụng:
- Thúc đẩy chức năng gan và sức khỏe
- Bảo vệ tế bào gan khỏi bị hư hại
- Kích thích sự phát triển của các tế bào gan mới
- Giải độc gan
- Cải thiện lưu lượng máu từ gan
2. Gan hoạt động như thế nào?
Với trọng lượng khoảng 1300 gam, gan đảm nhiệm rất nhiều công việc quan trọng:
- Chuyển đổi chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống thành các chất mà cơ thể sử dụng được.
- Phân hủy chất béo để giải phóng năng lượng.
- Sản xuất mật, giúp cơ thể phân hủy và hấp thụ chất béo.
- Tham gia vào quá trình chuyển hóa đường: Kéo glucose từ máu của bạn và lưu trữ dưới dạng glycogen. Bất cứ khi nào lượng đường trong máu giảm xuống, gan sẽ giải phóng glycogen để giữ cho mức đường máu ổn định.
- Là cơ quan thải độc: Gan hấp thụ các chất độc hại và chuyển đổi thành chất vô hại hoặc thải độc qua gan. Ví dụ, khi rượu, thuốc và các chất độc khác đến gan, chúng sẽ được gan hấp thụ. Sau đó, gan sẽ làm sạch các chất này hoặc loại bỏ chúng vào nước tiểu hoặc phân để thải ra ngoài.
3. Một số dược thảo có trong thành phần sản phẩm ‘bảo vệ gan’ phổ biến
Một số thảo dược thường có trong thành phần của 'thuốc bổ gan' như: Cây kế sữa, lá atisô, rễ cây bồ công anh...
3.1 Cây kế sữa có trong thành phần thuốc bổ gan
Cây kế sữa đã được sử dụng từ lâu để trị rối loạn chức năng gan. Hoạt chất trong cây kế sữa là silymarin, được tạo thành từ một số hóa chất thực vật tự nhiên. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, silymarin giúp tái tạo mô gan, giảm viêm và bảo vệ tế bào gan khỏi bị hư hại bằng cách hoạt động như một chất chống oxy hóa. Nhiều nghiên cứu về silymarin liên quan đến những người bị xơ gan, viêm gan B hoặc viêm gan C.
Silymarin cũng làm giảm nhẹ một số men gan, dấu hiệu của tổn thương gan, ở những người bị bệnh gan. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để biết lợi ích của loại cây này.
Cần lưu ý, một số người đã báo cáo các triệu chứng đường tiêu hóa hoặc phản ứng dị ứng sau khi dùng các sản phẩm này. Ngoài ra, chất bổ sung này có thể làm giảm lượng đường trong máu, những người bị bệnh tiểu đường nên kiểm tra với bác sĩ của họ trước khi sử dụng.
3.2 Lá atisô
Lá atisô có đặc tính chống oxy hóa, có thể giúp bảo vệ gan. Nghiên cứu thực hiện trên động vật cho thấy nó có thể giúp tái tạo tế bào gan.
Trong các nghiên cứu được thực hiện ở những người bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, lá atisô làm giảm các dấu hiệu tổn thương gan so với giả dược. Tuy nhiên, những lợi ích lâm sàng của việc bổ sung lá atisô vẫn còn cần làm rõ.
Lá atiso
3.3 Rễ bồ công anh
Mặc dù bồ công anh đã được sử dụng để điều trị bệnh gan, nhưng bằng chứng về lợi ích của nó là khiêm tốn. Cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định xem liệu nó có an toàn và hiệu quả cho mục đích này hay không.
4. Làm thế nào để giữ cho gan khỏe mạnh?
Hiện vẫn chưa có đủ bằng chứng để xác nhận liệu uống thuốc bổ sung, có giải độc hoặc bảo vệ gan của bạn hay không. Tuy nhiên, một số lựa chọn lối sống đã được chứng minh là có thể cải thiện sức khỏe của gan.
Dưới đây là một số lựa chọn để giữ cho gan của bạn ở trạng thái tối ưu:
4.1 Hạn chế chất béo trong chế độ ăn uống
Ăn nhiều đồ chiên rán, đồ ngọt và thức ăn nhanh dẫn đến tăng cân. Béo phì hoặc thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Giữ chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp gan khỏe mạnh hơn.
4.2 Tránh xa các hóa chất độc hại
Các hóa chất trong một số chất diệt côn trùng, sản phẩm tẩy rửa và bình xịt có thể gây hại cho gan. Nếu bạn phải sử dụng những sản phẩm này, hãy đảm bảo rằng căn phòng được thông gió tốt.
Không hút thuốc, vì hút thuốc lá có hại cho gan.
4.3 Thận trọng khi uống rượu
Một lượng lớn bia, rượu sẽ làm tổn thương tế bào gan và có thể dẫn đến xơ gan. Uống rượu ở mức độ vừa phải - không quá một đến hai ly mỗi ngày hoặc tốt nhất là không uống rượu.
4.4 Không lạm dụng thuốc
Mỗi loại thuốc bạn dùng đều được gan chia nhỏ và loại bỏ. Sử dụng mãn tính hoặc lạm dụng các loại thuốc như steroid và thuốc hít có thể làm tổn thương cơ quan này vĩnh viễn. Sử dụng các loại thuốc có hại hoặc bất hợp pháp như heroin cũng có thể làm tổn thương gan.
4.5 Không uống thuốc cùng với rượu
Không uống thuốc cùng với rượu
Sử dụng rượu và một số loại thuốc cùng nhau có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tổn thương gan. Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng bất kỳ loại thuốc theo toa nào. Tránh uống rượu nếu nhãn ghi rằng sự kết hợp này không an toàn.
5. Một số lưu ý khi dùng các thuốc bổ gan
Các thuốc bổ gan thường bị ‘thổi phồng’ công dụng. Cho đến nay, nghiên cứu không hỗ trợ hầu hết các ‘công dụng’ này.
Nếu bạn đang nghĩ đến việc dùng một trong những sản phẩm này, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước để đảm bảo sản phẩm đó là cần thiết và an toàn cho bạn, trong đó không tương tác bất lợi với các thuốc đang dùng (nếu có).
Mời độc giả xem thêm video:
Món ăn bổ dưỡng từ thịt gà