Theo Bộ GD&ĐT, Dự thảo mới đưa ra lấy ý kiến có sự thay đổi xuất phát từ kỳ thi THPT năm nay đặt mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Bộ vẫn chỉ đạo, ra đề thi, song UBND tỉnh, thành phố chủ trì và chịu trách nhiệm tổ chức.
Thi 5 bài thi với 3 bài thi độc lập và 2 tổ hợp KHTN, KHXH
Theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên ( gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học); bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT).
Trường hợp thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục phổ thông cấp THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Nếu thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh GDTX có thể dự thi bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp Trung cấp tham dự kỳ thi được dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.
Ngày thi, lịch thi được quy định hằng năm của Bộ GD&ĐT. Nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Về hình thức thi: Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Thời gian làm bài thi/môn thi: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp KHTN và KHXH.
3 đối tượng được dự thi
Đối tượng dự thi theo dự thảo gồm:
1. Người đã học xong chương trình cấp THPT trong năm tổ chức kỳ thi.
2. Người đã học xong chương trình cấp THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước.
3. Người đã có bằng tốt nghiệp THPT, người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh.
Các đối tượng dự thi phải đăng ký dự thi và nộp đầy đủ các giấy tờ, đúng thủ tục, đúng thời hạn.
Mỗi tỉnh tổ chức một Hội đồng thi do sở GD&ĐT chủ trì. Mỗi Hội đồng thi có các Điểm thi để tổ chức khâu coi thi trong kỳ thi.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia. Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh.
Các trường Đại học sẽ không kết hợp coi và chấm thi trắc nghiệm
Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng nêu cán bộ trường ĐH sẽ không kết hợp coi và chấm thi trắc nghiệm như năm ngoái.
Nếu như Kỳ thi THPT quốc gia 2019 có 50% là cán bộ, giảng viên các trường ĐH về địa phương kết hợp với giáo viên tại chỗ coi thi nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan. Kỳ thi năm nay, theo Dự thảo sẽ do giáo viên các trường THPT - THCS coi thi.
Trong đó đảm bảo, mỗi phòng thi bố trí 2 cán bộ coi thi ở 2 trường phổ thông khác nhau.
Theo Dự thảo, các trường Đại học sẽ không kết hợp coi và chấm thi trắc nghiệm (ảnh minh hoạ)
Việc chấm thi sẽ được giao cho Sở GD&ĐT chủ trì tổ chức
Ngoài ra, nếu việc chấm trắc nghiệm năm ngoái do trường ĐH chủ trì, thực hiện chấm thì năm nay việc này được giao cho Sở GD&ĐT chủ trì, tổ chức.
Cán bộ thực hiện chấm trắc nghiệm sẽ gồm cán bộ của Sở Giáo Dục & Đào tạo và giáo viên trường phổ thông dùng phần mềm của Bộ để chấm.
Cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT năm nay vẫn giống năm ngoái với 70% điểm thi tốt nghiệp THPT và 30% dựa vào kết quả học lớp.
Còn lại, quy trình coi thi, chấm thi, bảo quản bài thi về cơ bản giữ như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ áp dụng từ kỳ thi năm 2020.