Những điểm mới thí sinh cần lưu ý

18-03-2014 11:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 17/3, thí sinh sẽ bắt đầu nộp hồ sơ dự thi ĐH-CĐ năm 2014 tại các trường trung học phổ thông (đối với học sinh lớp 12) và tại các phòng giáo dục và đào tạo (đối với thí sinh tự do).

Ngày 17/3, thí sinh sẽ bắt đầu nộp hồ sơ dự thi ĐH-CĐ năm 2014 tại các trường trung học phổ thông (đối với học sinh lớp 12) và tại các phòng giáo dục và đào tạo (đối với thí sinh tự do). Thời gian nhận hồ sơ của thí sinh theo tuyến, các Sở GD&ĐT sẽ bắt đầu từ 17/3 và kết thúc vào ngày 17/4. Sau ngày 18/4, thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường đăng ký dự thi (ĐKDT). Để việc nộp hồ sơ ĐKDT ĐH-CĐ tránh được những sai sót, các thí sinh cần lưu ý các điểm mới liên quan đến tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 do Bộ GD&ĐT vừa công bố...

Cẩm nang về tuyển sinh đến muộn?

Cẩm nang liên quan thiết yếu đến việc làm hồ sơ ĐKDT ĐH-CĐ năm 2014 của thí sinh là cuốn “Những điều cần biết về thi ĐH-CĐ năm 2014” đã chính thức xuất hiện vào sáng 17/3. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên báo SK&ĐS tại một số nhà sách trên địa bàn Hà Nội, phải đến cuối giờ trưa, đầu giờ chiều ngày 17/3, các em học sinh đang nóng lòng chờ đợi có thông tin chính thức về chỉ tiêu tuyển sinh chung của trường, chỉ tiêu của ngành mình dự kiến ĐKDT mới mua được cuốn cẩm nang này. Tuy nhiên, học sinh lớp 12 ở Hà Nội còn thuận lợi vì mua được sớm hơn các vùng miền khác vì theo Nhà xuất bản Giáo dục dự kiến 1 - 2 ngày tới, cuốn cẩm nang này mới xuất hiện ở tất cả các địa phương.

Phụ huynh và học sinh đã có trong tay cuốn “Những điều cần biết về thi ĐH - CĐ năm 2014”. Ảnh: Trần Minh

Phụ huynh và học sinh đã có trong tay cuốn “Những điều cần biết về thi ĐH - CĐ năm 2014”. Ảnh: Trần Minh

Theo ông Hoàng Hữu Niềm, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở đã nhận được cuốn “Những điều cần biết...” và đang chuyển tới các trường để thí sinh tham khảo. Tuy nhiên theo ông Niềm, lịch của Bộ quy định ngày 17/3 bắt đầu nhận hồ sơ ĐKDT, nhưng bây giờ mới có cẩm nang cụ thể nên học sinh cần phải nghiên cứu, trao đổi kỹ mới có thể nộp hồ sơ. “Bộ ban hành các văn bản quá chậm khiến phụ huynh, học sinh và cả các trường đều bị động. Các thay đổi cần được đưa ra từ sớm. Tôi ủng hộ việc ban hành miễn phí cuốn “Những điều cần biết...” trên mạng để học sinh và gia đình tiện tham khảo”, ông Niềm chia sẻ. Cùng chung quan điểm về vấn đề này, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội đề xuất: Bộ GD&ĐT nên phát hành bản mềm cuốn cẩm nang này từ đầu tháng 3 để thí sinh có thời gian tìm hiểu kỹ. Khi đó, học sinh và giáo viên sẽ có thêm thời gian nghiên cứu và lựa chọn trường, ngành nghề...

Thí sinh thuộc diện ưu tiên phải nộp đủ giấy chứng nhận hợp pháp

Năm nay việc ghi hồ sơ ĐKDT có một số thay đổi theo quy định của Bộ GD&ĐT. Để phục vụ cho việc làm hồ sơ ĐKDT của các em học sinh, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn việc ghi mẫu hồ sơ ĐKDT ĐH-CĐ năm 2014 có một số thay đổi so với trước đây. Theo đó, yêu cầu đối với hồ sơ ĐKDT là thí sinh phải ghi đầy đủ vào các mục theo yêu cầu và không sửa chữa, tẩy xóa. Theo quy định, trong hồ sơ, nếu là số, ghi bằng chữ số Ảrập (0, 1, 2, 3,...), không ghi bằng chữ số La Mã (I, II, III,...). Ông Mai Văn Chinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cũng lưu ý, năm 2014 có điều chỉnh một số đối tượng ưu tiên, nên thí sinh phải tự xác định thuộc đối tượng nào rồi ghi vào hồ sơ ĐKDT. Nếu thí sinh cố tình khai man sẽ bị xử lý. Thí sinh thuộc diện ưu tiên phải nộp đủ giấy chứng nhận hợp pháp (bản sao) kèm theo phiếu ĐKDT.

Điểm mới trong mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay đó là tồn tại song song 2 hình thức tuyển sinh theo 3 chung và tuyển sinh riêng. Do đó, các hình thức xét tuyển của các trường cũng có nhiều đổi mới. Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, các trường ĐH-CĐ tham gia kỳ thi chung và sử dụng chung kết quả thi, chủ động trong việc xét tuyển theo nguyên tắc: Xác định phương án điểm trúng tuyển theo khối thi, theo ngành học hoặc điểm trúng tuyển chung. Với nguyên tắc này, những thí sinh có cùng tổng điểm 3 môn bằng nhau nhưng nếu thí sinh nào có điểm môn thuộc ngành đào tạo chính của trường cao hơn sẽ được ưu tiên xét tuyển. Mặc dù vẫn áp dụng nguyên tắc xét tuyển thí sinh có kết quả thi từ điểm cao trở xuống cho đủ chỉ tiêu để lấy đầu vào. Song Bộ cũng quy định điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước. Điều này nhằm tránh tình trạng lấy từ cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu nhưng không đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.

Bộ GD&ĐT quy định, chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng là 1,0 điểm và giữa các khu vực là 0,5 điểm. Các trường ĐH có đào tạo hệ CĐ, các trường CĐ thuộc các trường ĐH, nếu không tổ chức thi tuyển sinh cho hệ này, được xét tuyển thí sinh đã dự thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT có cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định của trường.

Lịch thi ÐH-CÐ năm 2014

Ngày 4 - 5/7 (đợt 1) thi các khối A, A1 và V. Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn toán, lý, thi tiếp năng khiếu vẽ đến hết ngày 11/7.

Ngày 9 - 10/7 (đợt 2) thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu. Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa (Khối H, N thi môn ngữ văn theo đề thi khối C; Khối M thi môn ngữ văn, toán theo đề thi khối D; Khối T thi môn sinh, toán theo đề thi khối B; Khối R thi môn ngữ văn, lịch sử theo đề thi khối C), thi tiếp các môn năng khiếu đến hết ngày 13/7.

Ngày 15 - 16/7 (đợt 3) thi các khối hệ cao đẳng. Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa, thi tiếp các môn năng khiếu đến ngày 21/7.

Hoàng An

 

 


Ý kiến của bạn