Những điểm mới giúp tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu thuốc

29-08-2024 14:18 | Y tế
google news

SKĐS - Năm 2024, Luật Đấu thầu (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực đã tháo gỡ điểm nghẽn về đấu thầu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực y tế, đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Luật Đấu thầu (sửa đổi) tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu thuốc

Trong thời gian qua, ngành y tế thiếu thuốc, thiết bị y tế là do nhiều nguyên nhân và đã được ngành y tế phân tích khá rõ. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là không hoàn thành việc đấu thầu thuốc đúng thời hạn.

Để tránh tình trạng thiếu thuốc, các thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế, Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2023 đã bổ sung hàng loạt nội dung mới liên quan đến việc đấu thầu của ngành y tế và dành riêng chương 5 cho việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, đó là:

- Các cơ sở y tế công lập tự quyết định việc mua sắm thuốc không thuộc danh mục thuốc chi trả của bảo hiểm y tế, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.

- Cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cấp cứu người bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân.

- Có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung đối với các loại thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít.

- Cho phép áp dụng đàm phán giá đối với gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chỉ một hoặc hai hãng sản xuất.

- Việc mua sắm tập trung đối với thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng khi đáp ứng đủ các điều kiện: thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm cần mua sắm với số lượng lớn, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế; trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để bảo đảm có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh…

- Việc mua sắm tập trung có thể không cần áp dụng với từng trường hợp cụ thể, ví dụ: thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng cần mua sắm để phòng, chống dịch bệnh thì được áp dụng hình thức chỉ định thầu; thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm thuộc danh mục mua sắm tập trung đáp ứng điều kiện đàm phán giá theo quy định thì được áp dụng hình thức đàm phán giá.

Những điểm mới giúp tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu thuốc- Ảnh 1.

Các hình thức được chỉ định thầu trong mua sắm lĩnh vực y tế

Liên quan đến vấn đề "chỉ định thầu" tại Điều 23 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 quy định, hình thức chỉ định thầu được áp dụng đối với các trường hợp: Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, sự cố, thảm họa hoặc sự kiện bất khả kháng khác;

Tại điểm 3 Điều 23 cũng quy định, gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân;

Gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện để cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường.

Tại mục 4, Điều 23 cũng quy định việc chỉ định thầu đối với gói thầu hoặc nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị mua sắm chịu trách nhiệm quyết định việc mua sắm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình mà không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán gói thầu, không phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải bảo đảm chế độ hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Những điểm mới về đấu thầu sẽ giúp các cơ sở y tế, các bệnh viện chủ động hơn trong việc tự tổ chức đấu thầu của mình.

Tuy nhiên, để công tác đấu thầu thuốc, thiết bị y tế… thành công, các cơ sở y tế phải có đủ nhân lực có trình độ, có tổ chức chặt chẽ, khoa học khi tham gia đấu thầu.

Bộ Y tế giải đáp, tháo gỡ nhiều quan tâm về đấu thầu, mua sắm lĩnh vực y dược học cổ truyềnBộ Y tế giải đáp, tháo gỡ nhiều quan tâm về đấu thầu, mua sắm lĩnh vực y dược học cổ truyền

SKĐS - Hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc nói chung và mua sắm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, dược liệu, vị thuốc cổ truyền nói riêng là một trong các hoạt động quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cần thành lập Tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ các bệnh viện đấu thầuCần thành lập Tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ các bệnh viện đấu thầu

SKĐS - Nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế cho các bệnh viện trên địa bàn TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị thành lập Tổ công tác 'đặc biệt' gồm Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Cục thuế, kho bạc…


Văn Thắng
Ý kiến của bạn