Hà Nội

Những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

26-07-2024 16:56 | Xã hội
google news

SKĐS - Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là thông tin được học sinh và phụ huynh mong đợi trong suốt thời gian qua bởi năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp.

Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ năm 2025

Theo Bộ GD&ĐT, từ năm 2025, các thí sinh sẽ chỉ thi 4 môn, bao gồm 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn lựa chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 gồm bốn môn. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn học sinh được học ở THPT, gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).

Môn Ngữ văn vẫn sẽ thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút. Đề thi gồm 2 phần Đọc hiểu (4 điểm) và Viết (6 điểm). Các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó môn Toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút.

Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025- Ảnh 1.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội.

Với nội dung hướng đến đánh giá năng lực học sinh theo chương trình mới, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ xây dựng thư viện câu hỏi thi có tính "mở", huy động sự đóng góp từ mọi nguồn lực trong ngành.

Các câu hỏi với môn thi trắc nghiệm được chia thành 3 phần, trong đó phần 1 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, cho 4 phương án chọn 1 đáp án đúng. Mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,25 điểm.

Phần 2 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng Đúng/Sai. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý thí sinh lựa chọn Đúng hoặc Sai.

Thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 1 ý trong 1 câu hỏi sẽ được 0,1 điểm; lựa chọn chính xác 2 ý trong 1 câu hỏi được 0,25 điểm; lựa chọn chính xác 3 ý trong 1 câu hỏi được 0,5 điểm; lựa chọn chính xác cả 4 ý trong 1 câu hỏi được 1 điểm.

Phần 3, gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn. Thí sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình. Với môn Toán, mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm, còn các môn khác được 0,25 điểm.

Phương thức xét công nhận tốt nghiệp THPT

Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) thi tốt nghiệp.

Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT quy định: Kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo chung, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức kỳ thi; hướng dẫn, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương.

Phương án thi này được thực hiện từ năm 2025. Trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, kỳ thi giữ ổn định phương thức thi trên giấy.

Về thời gian thi tốt nghiệp THPT, từ năm 2025, kỳ thi được tổ chức trong hai ngày với 3 buổi thi, thay vì 4 buổi như trước. Trong đó, một buổi thí sinh làm bài Ngữ văn, một buổi thi Toán và một buổi làm bài hai môn tự chọn.

Với 36 tổ hợp có hai môn tự chọn, Bộ GD&ĐT nhận định đây là thách thức lớn cho công tác tổ chức thi.

Để sắp xếp phòng thi tối ưu, hạn chế việc thí sinh phải di chuyển nhiều, Bộ GD&ĐT đưa ra nguyên tắc: "Các thí sinh dự thi cùng tổ hợp hai môn tự chọn sẽ được sắp xếp cùng một phòng thi". Theo đó, các địa phương khảo sát nguyện vọng môn thi của học sinh từ tháng 12 năm nay để xây dựng phương án và thử nghiệm.

Một điểm mới khác là việc vận chuyển, in sao đề thi sẽ qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ thay cho hình thức trực tiếp như hiện nay. Bộ không nêu chi tiết, song cho biết một số địa phương sẽ không phải chuyển đề bằng tàu cao tốc hay trực thăng ra các điểm thi trên đảo như thời gian qua.

Phương thức này đã được Bộ GD&ĐT thử nghiệm trong kỳ thi chọn đội tuyển thi Olympic quốc tế và khu vực hồi tháng 3, và sẽ tiếp tục áp dụng trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (dự kiến vào tháng 12). Thời gian in sao đề thi khoảng 7-10 ngày.

Ngoài ra, Bộ xây dựng hệ thống phần mềm mới để phục vụ kỳ thi tốt nghiệp từ năm sau.

Từng bước thí điểm thi tốt nghiệp THPT trên máy tính

Giai đoạn sau năm 2030, Bộ GD&ĐT sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).

Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Mục đích tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Trượt tốt nghiệp THPT 2024, thi lại thế nào?Trượt tốt nghiệp THPT 2024, thi lại thế nào?

SKĐS - Bộ GD&ĐT vừa phát đi thông tin liên quan đến việc thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn