Những điểm mới cần lưu ý về định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

10-03-2024 16:20 | Xã hội

SKĐS - Theo Bộ GD&ĐT, cấu trúc định dạng đề thi sẽ là căn cứ để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Để ôn luyện được hiệu quả, thí sinh cần lưu ý những điểm mới sau đây:

Chi tiết cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Bộ GD&ĐT vừa công bố quy định về cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT kể từ năm 2025. Theo đó, từ năm 2025, thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ thi 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Môn Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút. Đề thi gồm 2 phần Đọc hiểu (4 điểm) và Viết (6 điểm). Các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó môn Toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút.

Các câu hỏi với môn thi trắc nghiệm được chia thành 3 phần, trong đó phần 1 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, cho 4 phương án chọn 1 đáp án đúng. Mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,25 điểm.

Những điểm mới cần lưu ý về định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025- Ảnh 1.

Số lượng câu hỏi ở các môn.

Phần 2 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng Đúng/Sai. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý thí sinh lựa chọn Đúng hoặc Sai. Thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 1 ý trong 1 câu hỏi sẽ được 0,1 điểm; lựa chọn chính xác 2 ý trong 1 câu hỏi được 0,25 điểm; lựa chọn chính xác 3 ý trong 1 câu hỏi được 0,5 điểm; lựa chọn chính xác cả 4 ý trong 1 câu hỏi được 1 điểm.

Phần 3 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Thí sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình. Đối với môn Toán, ở phần này, mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,5 điểm. Các môn khác, ở phần này, mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,25 điểm.

Theo Bộ GD&ĐT, cấu trúc định dạng đề thi sẽ là căn cứ để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, định dạng và cấu trúc của đề thi 2025 đáp ứng mục tiêu đánh giá năng lực, đáp ứng theo yêu cầu của chương trình mới và có tính kế thừa, vì học sinh thi năm 2025 là lứa học sinh đầu tiên của chương trình mới, các em chỉ có 3 năm để học chương trình 2018. Ngoài ra, định dạng đề thi sẽ cân đối giữa các môn, tránh được độ lệch điểm lớn giữa một số môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Chống kiểu dạy và học theo hướng thuộc lòng, chép văn mẫu

Năm 2024 là năm cuối cùng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT dành cho thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Từ năm 2025 trở đi, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT bám sát nội dung, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Ngữ văn vẫn là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận.

PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình môn Ngữ văn chia sẻ: Đổi mới lớn nhất trong định dạng, cấu trúc đề thi là yêu cầu viết đoạn, bài nghị luận văn học với ngữ liệu mới. Mục đích của việc đổi mới này là chống kiểu dạy và học theo hướng thuộc lòng, chép văn mẫu; phát huy được những suy nghĩ riêng của mỗi học sinh, khuyến khích các em tự làm ra bài văn của chính mình, thể hiện suy nghĩ một cách trung thực... Từ đó, đánh giá được năng lực viết của học sinh công bằng, khách quan hơn.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống lưu ý, giáo viên cần dạy cho học sinh biết cách viết đoạn, bài nghị luận văn học một cách thuần thục. Việc rèn luyện cho học sinh cách viết đoạn văn rất quan trọng trong việc hình thành năng lực viết cả về nội dung, cách lập luận và tổ chức ý.

Để đánh giá đúng năng lực đọc hiểu và viết của học sinh, giáo viên cần chuyển đổi việc dạy, học, đổi mới cách ôn luyện, kiểm tra. Việc ôn luyện không phải chạy theo nội dung mà luyện tập cách đọc hiểu; cách phân tích đánh giá một văn bản theo một thể loại với ngữ liệu mới... để sau đó gặp ngữ liệu nào, học sinh cũng biết vận dụng để đọc hiểu, tạo lập văn bản theo yêu cầu của đề.

PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống cho rằng, việc sử dụng ngữ liệu mới là một bước tiến lớn trong thi, kiểm tra ở môn Ngữ văn nhằm đánh giá theo năng lực, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh. Do đó, lựa chọn ngữ liệu mới đúng, hay, phù hợp... là một trong hai yếu tố quyết định chất lượng của một đề thi. Sự thay đổi ấy cần được tuyên truyền, lan tỏa trong nhà trường và xã hội để mang lại một quan niệm đúng và tinh thần dạy học Ngữ văn mới.

Những vật dụng nào bị cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2024?Những vật dụng nào bị cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2024?

SKĐS - Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD&ĐT đưa vào quy chế thi danh mục các vật dụng "cấm mang vào phòng thi", thí sinh cần lưu ý để tránh phạm quy.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn