Hà Nội

Những điểm du xuân nên đến khi về Hải Phòng

25-01-2025 09:24 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Mỗi dịp đầu xuân, ngoài tập tục "Tết cha, Tết thầy", người Việt còn có tục đi chiêm bái đầu năm cầu may mắn, bình an, thuận hòa.

Dưới đây là những điểm du xuân nổi tiếng tại Hải Phòng được nhiều người dân và du khách khắp nơi đổ về dâng lễ đầu năm.

Chùa Dư Hàng

Chùa Dư Hàng, còn được gọi là chùa Hàng, có tên chữ là Phúc Lâm Tự. Đây là ngôi cổ tự với lịch sử hàng trăm năm, được xây dựng từ thời Tiền Lê (980 - 1009) rất nổi tiếng ở Hải Phòng. Chùa từng được trùng tu, mở rộng thêm nhiều khu vực nhưng vẫn bảo tồn được nét kiến trúc nguyên bản cho đến ngày nay.

Những điểm du xuân nên đến khi về Hải Phòng- Ảnh 1.

Một góc chùa Hàng ở Hải Phòng. Ảnh: Phương Thảo

Chùa Dư Hàng mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ xưa với nhiều khu vực được xây dựng theo hình chữ Đinh. Các khu vực chính bao gồm Tam quan, điện Phật, nhà thờ Thổ, gác chuông và khu sân vườn thoáng đãng.

Chùa có địa chỉ tại số 121 P. Dư Hàng, Dư Hàng, Lê Chân, Hải Phòng

Chùa Đỏ

Những điểm du xuân nên đến khi về Hải Phòng- Ảnh 2.

Chùa Đỏ được nhiều người truyền tai nhau về sự linh ứng diệu kỳ. Ảnh: TL

Chùa Đỏ (Linh Độ tự) nằm trong một con ngõ nhỏ tại phố Lê Lai, đây là ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng của thành phố Hải Phòng. Chùa Đỏ tuy diện tích không rộng rãi như những ngôi chùa nổi tiếng khác tại Hải Phòng nhưng Chùa có kiến trúc đặc sắc và lịch sử lâu đời; đặc biệt là sự linh thiêng hiếm có mà người dân vẫn truyền tai nhau rằng: “Chùa Đỏ là ngôi chùa cầu được ước thấy”. Hàng năm, hàng nghìn du khách thập phương đến thăm quan và chiêm bái tại ngôi chùa này.

Địa chỉ: 282 P. Lê Lai, Máy Chai, Ngô Quyền, Hải Phòng

Chùa Phổ Chiếu

Chùa Chiếu Hải Phòng được xây dựng vào năm 1953, tọa lạc trên một khu đất rộng rãi với kiến trúc gồm 5 gian tiền đường, 3 gian ống muống và 3 gian hậu cung, xung quanh được bố trí thêm tả vu và hữu vu.

Những điểm du xuân nên đến khi về Hải Phòng- Ảnh 3.

Những điểm du xuân nên đến khi về Hải Phòng- Ảnh 4.

Quang cảnh chùa Chiếu đẹp trọn vẹn cả ngày và tối.

Từ xa, chùa Chiếu trông như một bông hoa sen nổi bật giữa mặt nước, tỏa sáng với vẻ đẹp thanh tịnh. Điểm nhấn kiến trúc của chùa nằm ở nóc tiền đường, nơi đặt một nậm rượu lớn, hai bên đầu hồi được xây đắp đầu vuông với hình ảnh 5 bầu rượu nhỏ trên mỗi đầu. Xung quanh hồ, bốn góc được trang trí bằng bốn hình Rồng đắp nổi biểu tượng cho sự bảo vệ và canh giữ không gian thiêng liêng.

Hiện nay, Chùa vẫn lưu giữ nhiều di tích lịch sử quý giá như tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ cùng các di vật bằng đất nung và đá cổ, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và chiêm bái.

Địa chỉ: Xóm Miếu 2, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng

Miếu An Đà

Miếu An Đà thuộc phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, nằm cận kề trung tâm thành phố. Giao thông đến Miếu An Đà rất thuận tiện; nằm ở khu vực gần với các di tích đẹp và cổ kính như: Đình - chùa Phụng Pháp, Đình - Chùa Đông Khê. Người dân địa phương quanh vùng còn gọi miếu An Đà với cái tên gần gũi, thành kính là đền Hai Bà (thờ hai vị Thánh Mẫu: một vị là tùy tướng của Nữ tướng Lê Chân, một vị là Hoàng phi thời Hậu Lê).

Những điểm du xuân nên đến khi về Hải Phòng- Ảnh 5.

Trước cửa Miếu Hai Bà là một hồ bán nguyệt. Ảnh; TL

Những điểm du xuân nên đến khi về Hải Phòng- Ảnh 6.

Cổng vào Miếu 2 Bà ở gần hồ An Biên. Ảnh: TL

Mặc dù, trải qua thăng trầm lịch sử, song di tích miếu An Đà vẫn còn lưu giữ được một số những di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử văn hóa và nghệ thuật. Miếu An Đà là ngôi miếu cổ, nằm trên mảnh đất hàm chứa giá trị lịch sử có từ hai ngàn năm. Hiện nay ngôi miếu được trùng tu, tôn tạo rất khang trang và uy nghi, cùng với cảnh quan của khu hồ An Biên, khu vực đài tưởng niệm liệt sỹ của thành phố và những công trình di tích lịch sử văn hóa nằm ven hồ như: chùa An Đà, đình chùa Phụng Pháp, chùa Đông Khê...

Địa chỉ: Đằng Giang, Ngô Quyền, Hải Phòng

Đền Nghè

Nằm ngay tại dải trung tâm thành phố Hải Phòng, Đền Nghè vô cùng nổi tiếng bởi nơi đây thờ Thánh Mẫu Lê Chân - Thành hoàng của Hải Phòng.

Đền Nghè được xây dựng để thờ nữ tướng Lê Chân, vị tướng tài ba trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43). Bà chính là người đã đến vùng ngã ba sông Tam Bạc - sông Cấm lập ấp Vẻn, sau đổi thành An Biên Trang, đặt nền móng cho thành phố Hải Phòng ngày nay.

Những điểm du xuân nên đến khi về Hải Phòng- Ảnh 7.

Khu vực trước cung cấm đền Nghè, nơi người dân thường đứng làm lễ dâng tấu Thánh Mẫu. Ảnh: TL

Đền Nghè còn được gọi là đền Ngàn hay "An Biên cổ miếu," tọa lạc trong tiểu khu Mê Linh, giáp hai mặt phố Lê Chân và Mê Linh, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc đặc sắc.

Quần thể kiến trúc của đền mang phong cách thời Nguyễn, bao gồm các hạng mục: tam quan, bái đường, thiêu hương, hậu cung, giải vũ, tứ phủ, nhà bia, cùng những hiện vật độc đáo như tượng voi đá và ngựa đá. Dù không có quy mô lớn, đền Nghè nổi bật với bố cục cân đối, hài hòa và thiết kế độc đáo, khác biệt so với các đền chùa khác. Đền không xây kín mà để thoáng hai bên, thể hiện quan niệm phong thủy về sự giao hòa giữa âm dương và trời đất của người xưa.

Địa chỉ: 53 P. Lê Chân, An Biên, Lê Chân, Hải Phòng

Đền Tam Kỳ

Đền Tam Kỳ tọa lạc tại phường Cát Dài, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, cách trung tâm thành phố chưa đến 1 km. Đây là một công trình kiến trúc văn hóa tín ngưỡng quan trọng của người dân địa phương và cả thành phố Hải Phòng. Đền được xây dựng để tôn thờ các vị thần có công lao với đất nước, đồng thời là nơi tổ chức các nghi lễ thường niên liên quan đến các Thánh, mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc.

Những điểm du xuân nên đến khi về Hải Phòng- Ảnh 8.

Đền Tam Kỳ mới được tu sửa kiên cố và rộng rãi hơn.

Vào dịp đầu xuân, đền Tam Kỳ thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Đây không chỉ là nơi cầu mong sức khỏe, bình an và may mắn cho năm mới mà còn là điểm cầu may thi cử cho các sĩ tử mỗi dịp đi thi.

Địa chỉ: Tam Bạc, Lê Chân, Hải Phòng

Chùa Hang

Chùa Hang, còn được biết đến với tên chữ là Cốc Tự, là một ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời nằm ở Đồ Sơn. Theo các tài liệu ghi chép, chùa Hang có từ trước Công nguyên và là một trong những nơi đầu tiên chứng kiến sự du nhập của đạo Phật vào Việt Nam. Chùa không chỉ giữ gìn giá trị tâm linh đặc sắc của thành phố Hải Phòng mà còn là biểu tượng của sự kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian và đạo Phật.

Những điểm du xuân nên đến khi về Hải Phòng- Ảnh 9.

Chùa Hang nằm tựa núi, mặt hướng ra biển Đồ Sơn. Ảnh; Tiên Sinh

Chùa Hang nằm trong lòng một hang đá tự nhiên bên sườn núi, với độ cao 35m và rộng 7m, được chia thành hai bậc thềm trong - ngoài. Cấu trúc tổng thể của chùa hình thang, xuyên thẳng vào trong núi với chiều dài khoảng 25m. Khi tiến sâu vào trong, không gian chùa càng trở nên hẹp và thấp, với chiều cao trong cùng chỉ khoảng 1,2m và rộng 1,3m. Chùa có vị trí đặc biệt khi lưng tựa vào núi vững chãi, trong khi mặt hướng ra biển cả mênh mông. Từ xa, chùa, tháp, nhà thờ tổ… kết hợp tạo thành một tổng thể kiến trúc độc đáo, với sự đa dạng về hình khối và dáng vóc. Với không gian thanh tịnh, yên bình giữa núi và biển, chùa Hang trở thành một địa điểm lý tưởng để du xuân, tận hưởng không khí tươi mới của mùa xuân và tìm về với những giá trị tâm linh sâu sắc.

Địa chỉ: Khu 1, phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng

Tháp Tường Long

Tháp Tường Long hay còn gọi là chùa Tháp hoặc tháp Đồ Sơn được xây dựng vào thời vua Lý Thánh Tông - giai đoạn Phật giáo phát triển mạnh mẽ và được tôn làm quốc đạo. Di tích lịch sử cấp quốc gia này được xây trên bãi đất rộng khoảng 2.000m2 với 9 tầng, chiều cao 100 thước.

Những điểm du xuân nên đến khi về Hải Phòng- Ảnh 10.

Hình ảnh quần thể Tháp Tường Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Tiên Sinh

Tháp Tường Long gắn với câu chuyện rồng vàng hạ thế trong mộng của vua Lý Thánh Tông. Theo ghi chép từ sách "Đại Việt sử lược", vào năm Mậu Tuất 1058, vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ đã dừng chân tại nơi đây xây Tháp. Ngài đã nằm mộng thấy rồng vàng nên đã hạ lệnh đặt tên cho tháp là Tường Long (thấy rồng vàng hiện lên) để ghi nhớ điềm lành.

Tháp Tường Long ngoài sở hữu nét kiến trúc đặc sắc mang đậm tính văn hóa, lịch sử còn là chốn linh thiêng được đông đảo người dân thường lui tới mỗi dịp du xuân. Du khách đến đây để dâng hương phụng cầu trước các vị thần linh xin học hành, thi cử, công việc thuận lợi và may mắn.

Địa chỉ: Phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng

Bạch Đằng Giang

Khu di tích Bạch Đằng Giang nằm trong quần thể văn hóa du lịch ở đất Tràng Kênh - Bạch Đằng Giang (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, nay là thành phố Thủy Nguyên).

Khu di tích này hiện có quy mô lớn nhất Hải Phòng, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 18 km về phía Đông Bắc. Nơi đây từng in dấu ấn với ba trận thủy chiến huyền thoại chống quân xâm lược trong lịch sử nước ta. Những trận chiến này gắn liền với tên tuổi các bậc anh hùng dân tộc: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, và Đức Vương Ngô Quyền..

Những điểm du xuân nên đến khi về Hải Phòng- Ảnh 11.

Quần thể di tích lịch sử Bạch Đằng Giang đẹp, quy mô và nổi tiếng với "3 không". Ảnh TL

Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang không chỉ là điểm đến thăm quan lịch sử, mà còn là một trong những địa điểm du lịch thành công với nguyên tắc "3 không": không thương mại, không thu phí và không rác thải. Chính nhờ nguyên tắc này mà khu di tích duy trì được không gian văn hóa - lịch sử yên bình, tĩnh lặng, tạo điều kiện cho du khách thả mình vào không gian thanh tịnh và chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên.

Nằm trên thế đất tựa sơn, khu di tích Bạch Đằng Giang mở ra một cảnh quan hùng vĩ với sông, biển, đồi núi và đồng bằng. Đây không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử thiêng liêng mà còn là một địa điểm lý tưởng để du xuân, vãn cảnh và tìm hiểu về những trang sử hào hùng của dân tộc.

Địa chỉ: Thôn Tràng Kênh, xã Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Hải Phòng

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Người Hải Phòng không ai không biết đến Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (đền quan Trạng, đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), thuộc thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt năm 2015.

Những điểm du xuân nên đến khi về Hải Phòng- Ảnh 12.

Một góc khuôn viên khu di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Những điểm du xuân nên đến khi về Hải Phòng- Ảnh 13.

Khu di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn từ trên cao.

Nơi đây từng gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của vị Trạng nguyên triều Mạc Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm có sứ mệnh lịch sử đặc biệt, vừa là nơi để tri ân những đóng góp của một danh nhân trong lịch sử, vừa là địa điểm diễn ra các hoạt động, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.

Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm tọa lạc giữa không gian rộng lớn, quay hướng Đông, phía trước là hồ nước; phía Bắc là triền đê và dòng Tuyết giang; phía Đông hướng nhìn ra biển cả bao la; phía Nam là xóm làng; phía Tây là những cánh đồng lúa. Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm có tổng diện tích 91.500,7m2 (khu vực I: 3.137,5m2, khu vực II: 88.327,2m2), bao gồm các hạng mục: Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm; đền thờ Thân phụ, Thân mẫu Nguyễn Bỉnh Khiêm; am Bạch Vân; quán Trung Tân; tháp Bút Kình Thiên; mộ phần cụ Nguyễn Văn Định; quảng trường, tượng đài.

Đền thờ Đức vương Ngô Quyền (Từ Lương Xâm)

Từ Lương Xâm được xem là một trong "Tứ linh từ" linh thiêng tại huyện cổ An Dương. Nay thì nó là một trong "Tam linh từ" linh thiêng tại quận Hải An (Từ Lương Xâm, Phủ Thượng Đoạn, Đền Phú Xá). Từ thờ Đức Vương Ngô Quyền, người có công lớn đánh tan quân Nam Hán trong trận trên sông Bạch Đằng năm 938 và khá nổi tiếng với khách du lịch Hải Phòng.

Những điểm du xuân nên đến khi về Hải Phòng- Ảnh 14.

Cô, trò dâng lễ Đức vương Ngô Quyền mỗi dịp đi thi với mong ước bình an, thuận lợi.

Từ Lương Xâm mang nét kiến trúc đặc sắc riêng, mang kiểu bố cục nội công, ngoại quốc và dựng ngay trên một khu đất cao ráo, có nhiều cây cổ thụ. Đặc biệt Từ Lương Xâm nằm ngay trên nền bản doanh và kho lương giúp Ngô Quyền chống giặc Nam Hán xưa kia.

Theo tục truyền thống người dân địa phương, vào 16 tháng Giêng hằng năm, người dân quận Hải An từ các phường, thôn đều làm lễ dâng lễ tế Đức vương Ngô Quyền, bày tỏ tri ân báo đáp công lao của Đức vương với dân tộc.

Mời quý vị xem thêm video dưới đây:

Top trải nghiệm Tết Ất Tỵ 2025


Tiến Sinh - Phương Thảo
Ý kiến của bạn