Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 14h ngày 25/9 đến 14h ngày 26/9) tại khu vực các tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Minh Hóa 474,4 mmm, Dân Hóa 437,8mm (Quảng Bình); Hương Trạch 404,4m (Hà Tĩnh); Linh Thượng 185mm (Quảng Trị); Sao La 139mm (Thừa Thiên Huế);...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 95%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong 06 giờ tới, tại khu vực các tỉnh Hòa Bình,Tuyên Quang, Thái Nguyên, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 70mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế- xã hội.
Danh sách các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá trong 06 giờ tới
TT | Tỉnh | Huyện |
1 | Hòa Bình | Lạc Thủy, Yên Thủy, Kim Bôi, Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn, Mai Châu |
2 | Thái Nguyên | Đinh Hóa, Đại Từ, Phổ Yên |
3 | Tuyên Quang | Hàm Yên, Yên Sơn, Chiêm Hóa, TP. Tuyên Quang, Sơn Dương |
4 | Thanh Hóa | Bá Thước, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Thường Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy |
5 | Nghệ An | Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn, Thanh Chương, Quế Phong, Đô Lương |
6 | Hà Tĩnh | Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, Kỳ Anh |
7 | Quảng Bình | Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy |
8 | Quảng Trị | Hướng Hóa, ĐaKrông, Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong |
9 | Thừa Thiên Huế | Phong Điền, A Lưới, TX. Hương Trà |
Từ nay đến ngày 27/9, ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và từ Quảng Trị đến đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 50-150mm, có nơi trên 180mm. Nam Trung Bộ, Tây nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa 40-80mm, có nơi trên 120mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).
Báo cáo nhanh sáng 26/9 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết: Theo cập nhật của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h00 ngày 26/9, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 26.961 phương tiện/147.456 người biết diễn biến, hướng đi của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh. Hiện không ghi nhận tình hình thiệt hại về tàu thuyền.
Ngoài ra, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, mưa lớn kèm lốc, sét xảy ra từ ngày 24 - 25/9 đã làm 1 người chết (tỉnh Quảng Trị ), 6 người bị thương (Thừa Thiên Huế). Về nhà, 153 nhà bị tốc mái (Quảng Trị 69 nhà; Thừa Thiên Huế 84 nhà).
Về giao thông, mưa lớn gây ngập tại một số ngầm tràn, điểm đường giao thông tại các huyện Minh Hoá (14 điểm, trong đó một số điểm ngập sâu từ 0,4-2,0m),Quảng Ninh (4 điểm), Tuyên Hoá (3 điểm); 3 điểm trên quốc lộ 15 và 9B gây chia cắt 18 thôn bản thuộc các huyện Minh Hoá, Quảng Ninh. Bên cạnh đó, 2 cột điện trung thế bị gãy đổ (Thừa Thiên Huế); 2.000 cây ăn quả, cây bóng mát bị ảnh hưởng (Quảng Trị).
Mưa lớn ở khu vực Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng kéo dài đến hết ngày 28/9 với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 100mm. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: cấp 1.
Ngày và đêm 26/9, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-4m; vịnh Bắc Bộ, Quảng Trị đến Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-3m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất theo Công điện số 11/CĐ-QG ngày 24/9/2023 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, trong đó chủ động sơ tán dân khu vực bị ngập sâu, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; tổ chức kiểm soát giao thông trên các tuyến đường bị ngập sâu, chia cắt.
Đồng thời, tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cứu sống liên tiếp 2 sản phụ bị tiền sản giật, sản giật nguy kịch tính mạng | SKĐS