Nghị quyết 19/2022/NQ-HĐND Tiền Giang quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên năm học 2022-2023 có hiệu lực từ ngày 15/10 tới đây. Theo đó, mức học phí được thu năm 2022-2023 sẽ dựa vào Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ và tăng so với học phí năm học 2021-2022.
Cụ thể, mức thu học phí bậc mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh với hình thức học trực tiếp như sau:
Mức thu học phí với hình thức dạy học trực tuyến bằng 75% mức học phí học trực tiếp. Cụ thể như sau:
Đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, mức thu tối đa gấp 2 lần mức quy định nói trên. Như vậy, học phí của Tiền Giang tăng từ 3 đến gần 5 lần so với năm 2021-2022. Được biết năm học 2021-2022, học sinh trên địa bàn đóng học phí từ 33.000-99.000 đồng/tháng/học sinh.
Trong khi đó, ở TP. HCM, tại kỳ họp thứ 7 - kỳ họp chuyên đề, HĐND TP.HCM khoá X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu đã biểu quyết, thống nhất thông qua mức học phí mới của các cơ sở giáo dục công lập trong năm học 2022 - 2023. Theo đó, học phí bậc THCS tại TP.HCM tăng từ 60.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng; các bậc khác tăng 70.000-180.000 đồng tùy khu vực. Như vậy, bậc THCS nhóm 1 tăng gấp 5 lần so với cũ.
Trao đổi với báo chí, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM giải thích, sở dĩ phải xây dựng khung học phí mới dựa trên căn cứ thực hiện Nghị định 81/2021/NĐ-CP, quy định cơ chế thu và quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tăng học phí trong giai đoạn này là rất nhạy cảm, gây áp lực cho phụ huynh có con đang theo học ở các cơ sở giáo dục phổ thông.
Chính vì vậy, Sở GD&ĐT đã tham mưu, đề xuất với UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM thông qua tờ trình về kinh phí ngân sách cấp bù hỗ trợ học phí cho học sinh. Cụ thể là thành phố sẽ dùng ngân sách để cấp bù học phí mức thực đóng cho phụ huynh, để mức thực đóng năm nay sẽ không tăng so với năm học 2021 - 2022. Phần chênh lệch mức học phí giữa năm học này và năm học trước sẽ được thành phố hỗ trợ. Tổng mức dự trù kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ học phí nói trên là 1.541 tỷ đồng, trong đó 1.245 tỷ đồng dùng để chi cho học sinh công lập và phần còn lại là ngoài công lập.
7 địa phương miễn học phí năm học 2022 - 2023
Năm học 2022-2023, nhiều tỉnh, thành phố đã quyết định miễn học phí cho học sinh. Trong số địa phương miễn học phí cho học sinh thì có 4 địa phương miễn 100% học phí cho học sinh các cấp từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Đà Nẵng.
Quảng Bình quyết định không thu học phí học kỳ I năm học 2022-2023 với trẻ mầm non và học sinh phổ thông công lập các cấp vào ngày 10/9. Với học kỳ II, tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh tăng ở mức sàn theo quy định của Chính phủ. Quyết định trên để chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh do tác động của dịch COVID-19.
Bà Rịa - Vũng Tàu miễn toàn bộ học phí cho trẻ em 5 tuổi, học sinh tiểu học và THCS công lập, đồng thời tỉnh cũng đang trình Hội đồng nhân dân xin miễn học phí cho trẻ mầm non 3, 4 tuổi và bậc THPT, giáo dục thường xuyên.
UBND tỉnh và HĐND tỉnh Bắc Kạn đồng ý phương án giữ ổn định mức học phí trong năm học mới 2022 - 2023 theo đề xuất của Sở GD&ĐT, đồng thời miễn 100% học phí cho khoảng gần 21.000 học sinh bậc THCS.
Bắc Ninh và Cà Mau là 2 địa phương có phương án tạm hoãn thu học phí năm học 2022-2023.
Với Hà Nội, tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, các đại biểu đã tán thành thông qua Nghị quyết Quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố năm học 2022-2023.
Theo Nghị quyết quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội năm học 2022-2023, mức học phí năm học 2022-2023 cụ thể như sau: Ở vùng thành thị (học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các phường và thị trấn) các bậc mầm non, tiểu học, THCS và THPT đều là 300.000 đồng/học sinh/tháng.
Ở vùng nông thôn (học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các xã trừ các xã miền núi), các bậc mầm non, tiểu học, THCS là 100.000 đồng/học sinh/tháng; THPT là 200.000 đồng/học sinh/tháng. Ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn xã miền núi), các bậc mầm non, tiểu học, THCS là 50.000 đồng/học sinh/tháng; THPT 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Mức học phí theo hình thức học trực tuyến (online) bằng 75% mức học phí nêu trên. Mức thu học phí được làm tròn đến đơn vị nghìn đồng (trong trường hợp mức thu học phí trực tuyến của cấp học có số tiền tuyệt đối lẻ đến tiền đồng).
Cũng theo Nghị quyết, việc áp dụng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ là bắt buộc thực hiện theo lộ trình nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, HĐND TP quyết định học phí học sinh phải đóng thực tế năm học 2022-2023 giữ nguyên như mức học phí phải đóng năm học 2021-2022. TP. Hà Nội sẽ dùng ngân sách để bù đắp phần chênh lệch tăng so với năm học trước và tiếp tục hỗ trợ 50% học phí cho cả năm học 2022-2023 như mức hỗ trợ năm học 2021-2022. Dự kiến, tổng mức ngân sách thành phố hỗ trợ năm học 2022-2023 hơn 1.133 tỷ đồng.
Ngoài chính sách trên, UBND TP sẽ có cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của TP. Hà Nội năm học 2022-2023. Theo đó, trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông của TP. Hà Nội trên địa bàn các xã miền núi sẽ được hỗ trợ 100% mức thu học phí năm học 2022-2023.