Ngày 3/11, thông tin từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản trả lời tờ trình về Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Theo đó, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh giao các Bộ: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Y tế, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, chủ động, triển khai thực hiện, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Theo tờ trình của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, du khách tới Việt Nam không phải cách ly, được tham gia các hoạt động tour ngay và có thể kéo dài hành trình du lịch sang địa phương khác (với khách du lịch đăng ký chương trình du lịch trên 7 ngày) với điều kiện tour trọn gói, khép kín.
Du khách phải có:
- Chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận, thời gian tiêm đủ mũi ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh;
- Hoặc có chứng nhận đã khỏi COVID-19 với thời gian từ lúc xuất viện không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh.
- Bên cạnh đó, có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.
- Khách phải có bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả cho điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu là 50.000 USD.
- Mua tour trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng thông tin cụ thể về lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Cụ thể:
- Giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021): Thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại TP Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.
- Giai đoạn 2 (từ tháng 1/2022): Mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ. Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp nhiều điểm đến sau khi đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày (trước mắt kết nối Kiên Giang, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh) và có thể bổ sung thêm một số địa phương khác (nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế).
- Giai đoạn 3 (từ quý II/2022), mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế với điều kiện bảo đảm các phương án phòng, chống dịch theo quy định.
Theo thống kê năm 2019 - thời điểm trước khi có dịch COVID-19, Việt Nam đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 726.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù lượng khách quốc tế chỉ chiếm 20% nhưng đóng góp doanh thu ước đạt hơn 400.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, thị trường quốc tế có vai trò quyết định đối với việc phục hồi du lịch.
Trong bối cảnh nước ta thống nhất chuyển từ trạng thái "không có COVID" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, việc từng bước mở cửa trở lại du lịch quốc tế là bước đi cần thiết để không bỏ lỡ lợi thế cạnh tranh và cơ hội phục hồi, nhất là khi một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore đã đưa ra nhiều chính sách tái mở cửa biên giới để thu hút du khách quốc tế.
Trong quá trình triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tới đây, mỗi du khách sẽ được hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine của Tổng cục Du lịch cấp một mã QR định danh duy nhất sử dụng trong quá trình du lịch ở Việt Nam, từ đó có thể truy xuất và lưu trữ, cập nhật thông tin y tế của khách (tiêm chủng, xét nghiệm...).
Đây là công cụ quan trọng để kiểm soát, bảo đảm an toàn trong quy trình đón du khách quốc tế từ lúc nhập cảnh cho đến khi xuất cảnh khỏi Việt Nam…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Miễn dịch cộng đồng là gì? Liệu miễn dịch cộng đồng có thể đạt được khi mà virus SARS-CoV-2 liên tục biến thể?