Những địa phương nào chậm tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc trọng điểm?

11-08-2024 09:00 | Xã hội

SKĐS - Một số địa phương hiện mới đạt 3% sản lượng thi công dự án cao tốc, tiến độ này được đánh giá là chậm, chưa đạt yêu cầu. Bộ GTVT chỉ đạo cần tăng tốc.

Vừa mới thông xe, 1 cao tốc đã gặp vấn đề về chất lượng công trìnhVừa mới thông xe, 1 cao tốc đã gặp vấn đề về chất lượng công trình

SKĐS - Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương xử lý khắc phục tồn tại của một số hạng mục và hoàn thành các khối lượng còn lại của cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.

Liên quan đến tiến độ thi công các dự án cao tốc trọng điểm, Bộ GTVT cho biết, công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là việc di dời hạ tầng kỹ thuật thi công tại nhiều địa phương vẫn chưa đạt tiến độ đề ra.

Theo Bộ GTVT, diện tích còn lại chưa được giải phóng mặt bằng đa phần là đất ở và di dời hệ thống cột điện cao thế chưa đạt tiến độ đề ra, đặc biệt ở các địa phương: Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang, Tiền Giang, Lạng Sơn.

Những địa phương nào chậm tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc trọng điểm?- Ảnh 2.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM vẫn gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, tính đến đầu tháng 8/2024, một số dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025 là dự án thành phần 1 và thành phần 2 thuộc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa phận tỉnh Đồng Nai mới đạt lần lượt là 25% và hơn 42%. Với dự án Vành đai 3 TPHCM, tỷ lệ bàn giao mặt bằng dự án thành phần 3 qua TPHCM mới đạt 40%, qua tỉnh Bình Dương đạt 89%.

Tại dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, mặt bằng bàn giao cho dự án thành phần 1 qua tỉnh Khánh Hòa đạt 89,5%; dự án thành phần 2 qua Đắk Lắk đạt 89%. Mặt bằng bàn giao thi công dự án Tuyên Quang - Hà Giang qua tỉnh Tuyên Quang mới đạt gần 76%.

Đối với dự án vành đai 4 Vùng Thủ đô, dù các địa phương đã vào cuộc rất tích cực, song, diện tích mặt bằng được bàn giao cho dự án thành phần 3 qua tỉnh Hưng Yên mới đạt 87% (không thay đổi so với tháng trước).

Trong khi đó, tỉnh Lạng Sơn mới bàn giao 15% tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, bàn giao hơn 14% cho dự án Hữu Nghị - Chi Lăng. Còn tại tỉnh Kiên Giang, diện tích mặt bằng phục vụ thi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận mới đạt hơn 18%; Việc chi trả giải phóng mặt bằng thi công dự án Cao Lãnh - An Hữu qua tỉnh Tiền Giang cũng mới đạt 82%.

Những địa phương nào chậm tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc trọng điểm?- Ảnh 3.

Tổng vốn đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khoảng 12.600 tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 9,9% khối lượng (số liệu đến cuối tháng 7/2024).

Để đảm bảo tiến độ thi công các dự án, Bộ GTVT đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục, hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật trong tháng 8/2024 đối với các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025 (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trục Đông - Tây, vành đai 3 TPHCM, Tuyên Quang - Hà Giang, Hòa Liên - Túy Loan).

Liên quan đến tình hình triển khai thi công ở các dự án, Bộ GTVT cho biết đang quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tích cực triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Chơn Thành - Đức Hòa, tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Riêng dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận tiến độ còn chậm so với kế hoạch do thời gian đầu còn thiếu hụt về vật liệu đắp, công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng.

Đối với các dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản, theo đánh giá, hiện, TPHCM, Hà Nội, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Hà Giang, Hậu Giang đang bám sát kế hoạch.

Một số tỉnh, thành còn lại tiến độ chưa đạt yêu cầu, sản lượng thi công còn thấp như: Đồng Nai (sản lượng dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mới đạt 4%, sản lượng tại dự án Vành đai 3 TPHCM mới đạt 4%); Tỉnh Bình Dương (sản lượng thi công dự án thành phần 3 Vành đai 3 TPHCM mới đạt 11%); Cần Thơ (sản lượng thi công dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng mới đạt 6%), Sóc Trăng (sản lượng thực hiện Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn mới đạt 3%).

Cùng với đó là tỉnh Bắc Ninh (sản lượng thi công tại dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội mới đạt 3%); Tuyên Quang (sản lượng thi công dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua địa bàn mới đạt 7%).

Xem thêm video được quan tâm:

Lực lượng CSGT lập biên bản xử lý tài xế ô tô tải vượt ẩu trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.


Thành Long
Ý kiến của bạn