Hà Nội

Những dấu hiệu “tố” công việc khiến bạn phát ốm

04-06-2018 14:30 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Bạn cảm thấy kiệt sức cả về thể chất và tinh thần vào cuối ngày làm việc. Bạn cũng cảm thấy số ngày vui vẻ, sẵn sàng đến văn phòng ít hơn số ngày bạn chỉ mong nó sớm kết thúc. Bạn mất quá nhiều thời gian cho căng thẳng, mệt mỏi… đó là thời điểm bạn cần nhìn lại nơi bạn làm việc.

Tiến sĩ , bác sĩ Ellie Cannon, tác giả của cuốn “công việc của bạn có làm bạn bị bệnh?”, cho biết có rất nhiều dấu hiệu chứng tỏ sức khỏe đang bị ảnh hưởng bởi môi trường làm việc căng thẳng.

Dấu hiệu thể chất thường có thể là nhức đầu, mất ngủ, hội chứng ruột kích thích và huyết áp cao.

Môi trường làm việc căng thẳng cũng làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính  như các chứng bệnh đau mãn tính hay các bệnh ở da (chẳng hạn như vảy nến).

Còn theo Emma Mamo,  Chủ tịch Hội sức khỏe tâm thần Anh, sự căng thẳng kéo dài và không được kiểm soát có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu.

Những dấu hiệu cần lưu ý

Khi cảm thấy căng thẳng kéo dài nơi công sở, hãy ghi chép các biểu hiện bạn thấy bất thường của bản thân.

Do tính đa dạng và có thể thay đổi, nên bạn cần ghi chép hàng tuần với các thông tin về ngày tháng, thời điểm xuất hiện các biểu hiện, dấu hiệu mà bạn cho là do căng thẳng gây ra.

Sau bốn tuần, hãy xem lại những gì đã ghi chép. Theo TS. Mamo,  dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến cho thấy bạn đang căng thẳng vì công việc:

• Dễ bị kích động.

• Uống nước hoặc hút thuốc nhiều hơn thông thường .

•        khó ngủ.

•        Khó tập trung.

•        Cảm thấy bất an và dễ xúc động

•        Dễ khóc

•        Nhức đầu.

•        Bụng ậm ạch

•        Khó thở.

•        Các vấn đề huyết áp (nếu  quá căng thẳng )

Nếu các dấu hiệu ghi trong cuốn sổ của bạn tương đồng với vài dấu hiệu kể trên thì đó là lúc bạn cần phải hành động.

Ứng phó với môi trường làm việc tiêu cực

Theo TS. Cannon, trước hết bạn nên trao đổi với gia đình, bác sĩ hay sếp để xem có cách nào cải thiện được công việc bạn đang làm. Đôi khi, chỉ cần thay đổi vai trò, cách làm việc hoặc đổi giờ làm là đã có thể giảm thiểu căng thẳng.

Để phòng ngừa căng thẳng trong công việc, TS Cannon khuyên nên:

Tập trung vào giấc ngủ: Hãy thử đi ngủ sớm hơn một vài đêm và cảm nhận điều này.

Tập thể dục: Là một trong những giải pháp giúp kiểm soát căng thẳng và việc của bạn là đưa nó vào lịch sinh hoạt hằng ngày.

Hãy dành thời gian có ý nghĩa với những người mang lại cảm xúc tích cực cho bạn. Họ sẽ mang lại cho bạn cơ hội để đạt được mục tiêu và thành công,  cũng như giúp bạn xao lãng những căng thẳng và rắc rối của bản thân mình. Đó là một liều thuốc giảm stress đã được chứng minh hiệu quả.

Chủ động trong cuộc sống: Đây cũng là cách giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực do căng thẳng công việc gây ra.

Ngoài ra, TS Mamo khuyên bạn nên xác định thời gian tốt nhất trong ngày để thực hiện các mục tiêu quan trọng. Tốt nhất nên lập một danh sách những điều phải làm và sắp xếp theo mức độ quan trọng. Và tất nhiên, đừng cố gắng làm quá nhiều việc cùng một lúc.

Chấp nhận những điều không thể thay đổi.


BS. Nguyên Minh
Ý kiến của bạn