Nguồn gốc của vitamin
Thông tin về nguồn gốc vitamin, TS. BS Trương Hồng Sơn cho biết: Vitamin được biết đến từ năm 1905 khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu về sữa đã cho rằng trong sữa có "một số chất không được công nhận với số lượng rất nhỏ, cần thiết cho sự tăng trưởng và nuôi dưỡng bình thường’’.
Năm 1912, trong khi đang nghiên cứu gạo, nhà nghiên cứu Casimir Funk đã tách một "yếu tố" hữu cơ mà ông miêu tả là amin (giống như axit amin). Bởi vì nó rất quan trọng với cuộc sống, nên ông kết hợp hai từ lại, cho ra thuật ngữ vitamin.
Tầm quan trọng của vitamin
TS. BS Trương Hồng Sơn cho biết: Vitamin là những chất hữu cơ giúp duy trì sức khỏe và có vai trò trong việc điều hành chức năng của các cơ quan. Có 13 loại vitamin: Vitamin A, C, D, E, K, B1, B2, B3 (PP), B5, B6, B12, Folacin (B9) và biotin (B8).
Vitamin được chia làm hai nhóm: Nhóm hòa tan trong chất béo gồm các vitamin A, D, E, và K. Nhóm hòa tan trong nước gồm vitamin C và các vitamin nhóm B.
Phần lớn vitamin rất dễ bị huỷ hoại bởi nhiệt độ và ánh sáng, vì vậy cần bảo quản thực phẩm bằng ướp lạnh, tránh nhiệt độ cao và ánh sáng mạnh.
Vitamin có vai trò quan trọng đối với sự sống như: Tham gia cấu tạo tế bào, điều hòa hoạt động của tim và hệ thần kinh, tăng cường thị lực của mắt, tham gia chuyển hóa thức ăn thành năng lượng...
Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu vitamin
Trong cuộc sống thường ngày, có những thời điểm cơ thể có những dấu hiệu lạ: Tóc khô, rụng, lợi sưng, chảy máu, viêm da, giảm cân, khô mắt, quáng gà, chán ăn, mệt mỏi… đó có thể là những triệu chứng khi cơ thể thiếu các loại vitamin: A, B, C, E, B12, B1… Hoặc cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý toàn thân khác.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, tránh thiếu hụt các loại vitamin cho cơ thể, chúng ta cần đảm bảo chế độ ăn uống khoa học với đầy đủ các nhóm chất đạm, chất béo, chất khoáng, rau xanh, hoa quả…
Theo TS. BS Trương Hồng Sơn, cơ thể không có khả năng tổng hợp được vitamin nên việc bổ sung sẽ thông qua các thực phẩm thiết yếu hàng ngày. Việc nhận biết cơ thể thiếu hụt vitamin hay không là không đơn giản. Để biết được chính xác cơ thể bạn thiếu hụt loại vitamin nào với mức độ ra sao, chỉ có một cách duy nhất là thực hiện các xét nghiệm.
Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến giúp bạn nhận biết cơ thể mình có thể đang bị thiếu vitamin cùng với biện pháp khắc phục. Nếu có các biểu hiện này, bạn hãy gặp các bác sĩ để khám kiểm tra và làm các xét nghiệm cần thiết.
Trong trường hợp chế độ ăn uống không đáp ứng đủ lượng vitamin, bạn nên gặp các bác sĩ để khám và làm các xét nghiệm cần thiết, không tự ý bổ sung các loại vitamin tổng hợp mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ
Loét, lở miệng - có thể do thiếu vitamin A
Cơ thể bạn có thể đang bị thiếu vitamin nhóm B
Thiếu Vitamin B2: Dễ bị loét miệng, lở môi, mệt mỏi, tóc khô...
Bạn nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin B2 như rau xanh sẫm, sữa, thịt, cá, trong lớp vỏ cám mầm của ngũ cốc.
Mọc mụn ở má, cánh tay và đùi
Cơ thể bạn có thể đang thiếu vitamin A
Thiếu Vitamin A: Bạn dễ bị nổi mụn trứng cá, tóc khô, mệt mỏi, mất ngủ, mờ mắt về ban đêm, giảm khả năng nhận biết về mùi vị, dễ bị viêm nhiễm.
Vitamin A có nhiều trong gan, lòng đỏ trứng, bơ sữa, phô mai. Ở thực vật vitamin A có nhiều trong rau màu xanh đậm hoặc màu vàng, quả có màu vàng đỏ. Nên ăn rau muống, cải xanh, rau dền, rau ngót, bí ngô, xoài, gấc, cà rốt….
Ra mồ hôi trộm nhiều, rụng tóc vành khăn ở trẻ nhỏ
Thiếu vitamin D gây rối loạn hấp thu canxi và phospho, có thể gây ra những biểu hiện cấp hoặc gây rối loạn lâu dài ở hệ xương răng của trẻ em cũng như còi xương, chậm liền thóp, hỏng men răng, loãng xương ở người lớn.
Đặc biệt khi thiếu canxi và vitamin D sẽ gây ra tình trạng nhiều mô hôi trộm, rụng tóc vành khăn, và ngủ không yên giấc ở trẻ nhỏ.
Thực phẩm giàu vitamin D có trong sữa, dầu gan cá tuyết, lòng đỏ trứng, quả bơ,…
Tắm nắng cho trẻ là biện pháp tổng hợp vitamin D hữu hiệu nhờ tác dụng của ánh nắng mặt trời lên da. Vì vậy nên cho trẻ tắm nắng 10 phút mỗi ngày vào lúc sáng sớm, 2-3 lần/một tuần.
Cảm giác nóng rát, ngứa và tê bì ở đầu chi là dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang thiếu vitamin nhóm B
Cảm giác nóng rát, ngứa và tê bì ở đầu chi
Cơ thể bạn có thể đang thiếu vitamin nhóm B (B6, B9 và B12)
Chú ý quan trọng: Thiếu vitamin nhóm B có thể ảnh hưởng đến đầu các dây thần kinh ở dưới da. Ngoài ra, trầm cảm, mệt mỏi, kiệt sức, thiếu máu và mất cân bằng hormone cũng sẽ gây ra những triệu chứng tương tự.
Bạn nên ăn bổ sung măng tây, rau bina, các loại rau có lá xanh đậm, trứng và hải sản.
Chuột rút và đau ở cẳng chân, bàn chân
Cơ thể bạn có thể đang thiếu Vitamin nhóm B.
Bạn nên ăn thêm nhiều chuối, bông cải xanh, cải bắp, rau bina, bưởi, khoai tây ngọt. Ngoài ra có thể ăn chuối, lê, nước dừa, hạnh nhân, bí ngô, táo, hạt dẻ
Chú ý quan trọng: Lượng các loại vitamin trên sẽ bị ảnh hưởng khi bạn bắt đầu luyện tập. Việc ra mồ hôi nhiều sẽ làm mất đi các chất điện giải kèm theo các vitamin tan trong nước. Nhưng đừng vì thế mà ngưng luyện tập. Bạn hãy ăn bổ sung các loại thực phẩm để bù lại lượng vitamin đã mất.
Ăn không tiêu, tiêu chảy
Cơ thể bạn có thể đang thiếu vitamin B1 với triệu chứng:
- Ăn không tiêu, tiêu chảy, tuần hoàn kém, lo lắng.
Các loại thực phẩm giàu vitamin B1 là: hạt ngũ cốc, lúa mì, yến mạch, thịt, gan, tim.
Hay chảy máu mũi, lâu lành vết thương
Người thiếu vitamin K có khả năng khó cầm máu khi chảy máu mũi, có vết thương hở, lâu lành. Hoặc vết thương do khả năng đông máu giảm. Các thực phẩm có thể bổ sung nguồn vitamin K là rau lá xanh, hoa quả. Ngoài ra vitamin K có trong ngũ cốc, trứng và một số loại thịt.
Trong trường hợp chế độ ăn uống không đáp ứng đủ lượng vitamin, bạn nên đi khám. Bạn sẽ được kiểm tra và làm các xét nghiệm cần thiết để tìm nguyên nhân gây bệnh. Bạn không tự ý bổ sung các loại vitamin tổng hợp mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.