Những dấu hiệu thiếu máu dễ bỏ qua

23-08-2024 14:26 | Phòng mạch online

SKĐS - Những biểu hiện của thiếu máu có thể gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác khiến người bệnh chủ quan và không thăm khám. Thiếu máu nếu không điều trị có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Thiếu máu có dấu hiệu gì?

Bệnh thiếu máu ở mức độ nhẹ có thể không gây ra những dấu hiệu đặc trưng và dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Tùy vào mức độ bệnh thiếu máu sẽ có các biểu hiện khác nhau. 

Dưới đây là những biểu hiện thiếu máu có thể gặp:

  • Hơi thở nhanh
  • Mệt mỏi
  • Da nhợt nhạt
  • Buồn nôn, chóng mặt
  • Hiệu suất làm việc và năng lượng bị suy giảm

Vì những biểu hiện không rõ rệt này người bệnh thường chủ quan và thích nghi với các triệu chứng nên không thăm khám. Thiếu máu khi xét nghiệm sẽ thể hiện qua 3 mức độ từ nhẹ đến nặng như sau:

  • Mức độ nhẹ: Nồng độ hemoglobin dao động từ 10-13 g/dL đối với nam và 10-12 g/dL đối với nữ.
  • Mức độ trung bình: Nồng độ hemoglobin dao động trong 8-10 g/dL.
  • Mức độ nặng: Nồng độ hemoglobin xuống dưới 8g/dL.
Những dấu hiệu thiếu máu dễ bỏ qua- Ảnh 1.

Thiếu máu có thể gây ra tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn.

Vì sao thiếu máu?

Thiếu máu là như thế nào? Thiếu máu là tình trạng số lượng hồng cầu hoặc nồng độ hemoglobin trong máu giảm. Tình trạng này khiến khả năng của máu đem oxy và các chất dinh dưỡng đi đến các mô, cơ quan trong cơ thể cũng giảm theo. Thiếu máu là tình trạng thường gặp ở nước ta cũng như trên thế giới.

Thiếu máu nguyên nhân do đâu? Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu máu và để chẩn đoán người bệnh có thiếu máu hay không các bác sĩ sẽ cần thực hiện những thăm khám lâm sàng để tìm ra các vấn đề liên quan đến dịch tễ, di truyền, tuổi tác, yếu tố nghề nghiệp… 

Một số nguyên nhân gây thiếu máu là:

  • Sắt trong cơ thể bị thiếu hụt (thiếu máu thiếu sắt)
  • Thiếu vitamin B12 hoặc acid folic
  • Xảy ra các vấn đề khi sản xuất hồng cầu trong tủy xương
  • Các bệnh lý khiến hồng cầu bị hủy nhanh hơn mức bình thường
  • Mất máu lượng lớn do phẫu thuật, chấn thương hoặc phụ nữ kỳ kinh nguyệt.

Một số phụ nữ mang thai có thể bị thiếu máu hoặc những người có chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, người mắc các bệnh lý mạn tính hay trong gia đình có tiền sử mắc bệnh lý về máu…

Những dấu hiệu thiếu máu dễ bỏ qua- Ảnh 2.

Người bệnh thiếu máu không nên tự ý bổ sung sắt hoặc các khoáng chất khác khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Thiếu máu nên ăn gì?

Dựa trên nguyên nhân gây thiếu máu, bác sĩ sẽ có chỉ định dinh dưỡng dành riêng cho từng người bệnh. Nếu các trường hợp người bệnh thiếu máu thiếu sắt, thiếu vitamin B12 hoặc acid folic sẽ bổ sung thêm một số thực phẩm vào chế độ ăn.

Với bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt nên ăn các thực phẩm có màu đỏ: thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, các loại hạt, các loại đậu…

Với bệnh nhân thiếu máu do thiếu vitamin B12 thì nên ăn các thực phẩm như cá hồi, trứng và các chế phẩm từ sữa, nội tạng động vật…

Nếu bị chẩn đoán thiếu máu, người bệnh không nên tự ý bổ sung sắt hay dùng các thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo là có công dụng bổ máu nếu không được bác sĩ chỉ định vì có thể gây ra những tác dụng phụ. Khi bổ sung thừa các hoạt chất như acid folic, vitamin B12, sắt… sẽ gây ra ứ sắt, thừa vi lượng khiến người bệnh hoa mắt, chóng mặt hoặc run chân tay…

Bệnh thiếu máu nếu không được phát hiện và điều trị kịp có thể gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe như: mệt mỏi khiến hiệu suất làm việc suy giảm, cơ thể yếu ớt, làm tăng nguy cơ suy tim hoặc sinh non ở phụ nữ mang thai, làm gia tăng các bệnh lý khác… Do vậy, khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường, người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám và tìm nguyên nhân.

Xem thêm video được quan tâm:

Kinh nguyệt nhiều hay ít thì có hại? | SKĐS


BSCKI Lại Thị Hương
Khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Hữu Nghị
Ý kiến của bạn