Hà Nội

Những dấu hiệu nguy hiểm trong thời kỳ mang thai

15-09-2023 09:19 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Trong khi mang thai nếu có một trong các dấu hiệu nguy hiểm thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị, xử lý kịp thời để đảm bảo an toàn sức khỏe mẹ và con.

Những loại thực phẩm tốt nhất cho phụ nữ mang thaiNhững loại thực phẩm tốt nhất cho phụ nữ mang thai

Chế độ dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Không những đảm bảo sức khỏe bà mẹ và sự phát triển của thai nhi, dinh dưỡng tốt còn giúp tăng sức đề kháng phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.

Theo cẩm nang lần đầu làm mẹ và nuôi con của Vụ Sức khỏe bà mẹ -Trẻ em, Bộ Y tế, các dấu hiệu sau đây được cho là nguy hiểm, thai phụ cần ngay lập tức đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Ra máu từ cửa mình hoặc đau bụng

Nếu đau bụng dưới trong những tuần đầu sau khi mất kinh, đau âm ỉ tăng dần (kèm theo ra máu âm đạo hoặc không), thì có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung. Nếu đau dữ dội, vã mồ hôi thì có thể là thai ngoài tử cung doạ vỡ hoặc đã vỡ. Đây là một cấp cứu sản khoa, đe doạ đến tính mạng và cần được phẫu thuật kịp thời.

Đau bụng cũng có thể là dấu hiệu của doạ sảy thai, sảy thai hoặc đẻ non. Nếu bất cứ lúc nào trong thai kỳ, bạn thấy đau bụng từng cơn, tăng dần (có kèm theo ra máu, ra nước âm đạo hoặc không), thì cần đến ngay cơ sở y tế.

Phù mặt, chân, tay

Nếu bạn thấy phù ở toàn thân, phù cả ở mặt, mí mắt, tay hoặc phù kèm theo đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, bạn cần đến khám ngay tại cơ sở y tế vì đó có thể là dấu hiệu tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật, sản giật.

Những dấu hiệu nguy hiểm trong thời kỳ mang thai - Ảnh 2.

Chú ý vận động của thai nhi để phát hiện bất thường.

Nhìn mờ hoặc đau đầu nhiều

Đau đầu và/hoặc nhìn mờ, nhiều khi có buồn nôn, nôn kèm theo có thể là dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ hoặc tình trạng bệnh lý tiền sản giật, nặng hơn có thể là sản giật (co giật toàn thân). Đây là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và thai nhi. Do vậy, nếu thấy có đau đầu và/hoặc nhìn mờ, phụ nữ có thai cần đến cơ sở y tế để được đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểuvà thăm khám kịp thời.

Sốt cao trên 38,5 độ C

Sốt trong thai kỳ có thể do nhiều nguyên nhân và có thể kèm theo phát ban ở da. Nếu sốt kèm theo có ra nước âm đạo trên 6 giờ có thể là do nhiễm trùng ối. Sốt cũng có thể do nhiễm một số loại viruss, trong đó có một số loại như cúm, Rubella, Zika...có thể gây dị tật ở bào thai nếu mắc bệnh vào giai đoạn đầu của thai kỳ... Do vậy, khi thấy sốt trên 38,5°C mà không rõ nguyên nhân bạn cần đến thăm khám tại cơ sở y tế.

Thấy xanh xao, mệt mỏi, đánh trống ngực, khó thở

Thiếu máu khiến cho mẹ cảm thấy khó thở tim đập nhanh, mệt mỏi, chóng mặt. Mẹ bầu cần phải lưu ý vấn đề này với bác sĩ, bởi vì nếu không được điều trị, tình trạng thiếu máu có thể trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Ra nước ối mà không có cơn đau đẻ

Nếu thấy ra nước âm đạo bất kỳ lúc nào trong thời kỳ thai nghén, có thể bạn đã bị rỉ ối. Nếu gần đến ngày dự kiến sinh mà nước ra nhiều, có thể bạn đã vỡ ối. Khi đó bạn cần đến ngay cơ sở y tế bằng phương tiện nhanh nhất và an toàn nhất (khi di chuyển cần nằm đầu thấp để tránh sa dây rốn).

Có cơn ngất hoặc co giật

Đây là dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm với thai phụ, cần được nhập viện ngay.

Thấy cử động của thai yếu hơn và ít đi so với mọi ngày

Thai máy xuất hiện vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, cảm giác như "tôm búng" trong buồng tử cung; thai đạp thường xuất hiện từ tháng thứ 6-7. Nhiều khi thai "ngủ quên" không đạp khiến bà mẹ lo lắng. Thai đạp yếu hoặc không có cử động của thai, kèm theo không thấy bụng to dần lên là có thể thai chậm phát triển trong tử cung hoặc thiểu ối, khí đó bạn cần đến cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt Hoặc cảm thấy bụng to lên nhanh, khó thở, không cảm nhận được thai máy hoặc thấy thai máy ở nhiều vị trí, cần đến bệnh viện để xác định có phải thai to hoặc đa ối, đa thai, hoặc có khối u...

Sút cân hoặc không tăng cân sau tháng thứ 4

Khi đến tháng thứ 4 mà thai phụ không tăng cân thì cần được bác sĩ thăm khám tìm nguyên nhân và tư vấn biện pháp khắc phục.

Đến ngày dự kiến sinh mà chưa chuyển dạ

Khi gặp trường hợp thai quá ngày dự sinh bạn sẽ nhận được khuyến cáo của bác sĩ là nên nhập viện và làm các xét nghiệm để xác định tình trạng của thai nhi. Các bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, siêu âm thai và thực hiện các cuộc thí nghiệm để xác định tình hình của thai nhi.

Để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn cho đến khi mẹ tròn con vuông, người mẹ nên: Khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ; Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh trong thai kỳ; Quan tâm đến biểu hiện cơ thể, quan sát cử động thai nhi hàng ngày để nhanh chóng phát hiện bất thường; Đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám khi phát hiện các dấu hiệu bất thường khi mang thai; Những người mẹ có nguy cơ trước đó cần phải trao đổi với bác sĩ sản khoa có kinh nghiệm để có thể chuẩn bị và ứng phó kịp thời trong mọi tình huống xấu nhất.

Những giai đoạn nhất định phải đi khám khi mang thaiNhững giai đoạn nhất định phải đi khám khi mang thai

SKĐS - Phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ ít nhất 4 lần trong ba giai đoạn của thai kỳ tại cơ sở y tế để được quản lý, theo dõi sức khoẻ của mẹ và thai nhi và được tư vấn về chăm sóc thai nghén, chuẩn bị đầy đủ cho cuộc sinh đẻ an toàn.


PV
Ý kiến của bạn