Hệ lụy của thiếu sắt
Sắt là một trong những chất khoáng rất quan trọng đối với cơ thể. Nó là nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin, chất có mặt trong tế bào hồng cầu và làm cho máu có màu đỏ; có vai trò vận chuyển oxy trong máu đến với các mô trong cơ thể.
Sắt cũng là thành phần của myoglobin, có trong cơ vân, có tác dụng dự trữ oxy cho hoạt động của cơ vân, chúng sẽ kết hợp với các chất dinh dưỡng khác để giải phóng năng lượng cho sự co cơ. Ngoài ra, sắt còn là thành phần cấu tạo của một số loại protein và enzyme, có vai trò trong quá trình giải phóng năng lượng khi oxy hóa các chất dinh dưỡng và ATP (phân tử mang năng lượng).
Hậu quả cần lưu ý của thiếu sắt là thiếu máu thiếu sắt, làm cho số lượng hồng cầu giảm, thường dẫn đến mệt mỏi, trí nhớ kém, chóng mặt, da nhợt nhạt hoặc khó thở…
Thiếu sắt sẽ gây mệt mỏi...
Dấu hiệu khi thiếu sắt
Thèm ăn những thứ không phải là thực phẩm
Những người bị thiếu sắt thường có dấu hiệu thèm (và thực sự ăn) những thứ không phải là thực phẩm như đất sét, vữa tường… Tình trạng này được gọi là bệnh pica, và có thể khó nắm bắt, chủ yếu là bởi vì mọi người xấu hổ khi thừa nhận rằng họ có những nghiện ngập kỳ lạ này.
Nó thường xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc phụ nữ mang thai, thậm chí là ở người lớn tuổi cũng có thể trải nghiệm pica. Đến nay các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm ra lý do tại sao những người bị thiếu sắt nghiêm trọng lại thường thèm các món không phải là thực phẩm này. Nếu bạn có cơn thèm ăn như vậy, việc bổ sung sắt sẽ giúp bạn khắc phục nếu bị thiéu hụt sắt.
Thèm ăn đá lạnh cũng là một triệu chứng phổ biến nhất của thiếu sắt nghiêm trọng. Mặc dù lý do cho sự thèm muốn này là không rõ ràng, song một số chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng nhai đá làm tăng sự tỉnh táo ở những người thiếu sắt (thường chậm chạp và mệt mỏi) hoặc làm dịu đi tình trạng sưng lưỡi (một biểu hiện khi thiếu sắt). Do đó những bệnh nhân có tiền sử thiếu máu cần đi khám lại ngay khi bắt đầu có dấu hiệu thèm ăn đá lạnh.
Móng tay giòn, dễ gãy, lõm hình thìa
Giống như nhiều bộ phần khác của cơ thể, móng tay cũng là một chỉ báo về tình trạng sức khỏe, trong đó có thiếu sắt. Những biều hiện về móng tay, móng chân như bị mỏng, giòn, yếu và dễ gãy hoặc lõm hình thìa (móng cong lõm xuống trông như cái thìa)… chỉ xảy ra khi bạn thiếu sắt ở giai đoạn nặng, khi chúng không còn cung câp đủ máu cũng như các chất dinh dưỡng để duy trì sự khỏe mạnh của bộ phận này.
Có nhiều nguyên nhân gây móng tay hình thìa (muỗng) như do chấn thương, tiếp xúc với hóa chất… Tuy nhiên cần đi xét nghiệm thiếu máu do thiếu sắt khi các nguyên nhân gây ra không rõ ràng.
Môi khô và nứt
Môi khô, nứt mẻ có thể do thời tiết khô lạnh, thói quen liếm môi… nhưng cũng có thể là do thiếu sắt. Đối với những người bị thiếu sắt, thường bị nứt ở góc môi (khóe miệng) gây đau và khó khăn trong ăn uống, nói, cười… Trong trường hợp này dùng các thuốc hay kem bôi đều không hiệu quả. Cần bổ sung sắt mới giải quyết được vấn đề.
Hội chứng chân không yên
Cảm thấy bứt dứt ở chân
Hội chứng chân không yên (hội chứng chân bồn chồn) có thể là một dấu hiệu khi cơ thể bị thiếu máu thiếu sắt. Khi bạn ngồi trên một chiếc ghế và liên tục cảm thấy cần phải di chuyển đôi chân của mình. Cảm giác được mô tả như ngứa ran hoặc cảm giác như có côn trùng bò bên trong chân của bạn, khiến bạn khó chịu mà không rõ nguyên nhân.
Các bác sĩ vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn nguyên nhân gây ra tình trạng này, nhưng một số nghiên cứu cho thấy nồng độ sắt thấp đã gây nên hiện tượng trên.
Lưỡi sưng và mềm một cách kì quặc
Một triệu chứng không rõ ràng khác của thiếu sắt là viêm lưỡi teo (sự mất hay phẳng đi của các nhú lưỡi). Lưỡi sưng lên và “mềm nhũn” một cách kỳ lạ gây khó khăn trong việc nhai, nuốt hoặc nói. Nguyên nhân là do lượng sắt thấp làm giảm myoglobin, một protein ở hồng cầu hỗ trợ cho sức khỏe của cơ, bao gồm cả các cơ ở lưỡi. Ngoài ra, những người bị thiếu sắt thường có miệng khô, cảm giác nóng rát và các vấn đề khác ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.
Làm thế nào để có đủ chất sắt
Bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ
Nếu bạn thấy xuất hiện một hoặc môt số các triệu chứng trên, cần đi khám, để được bổ sung sắt đúng cách. Không tự ý dùng viên sắt, tránh tình trạng bổ sung thừa sẽ gây nguy hiểm, vì nó có thể gây ra các tác dụng phụ khó chịu, như đau dạ dày, nôn, táo bón hoặc thậm chí là các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như tổn thương gan…
Nên ăn những thực phẩm giàu sắt
Hàng ngày nên ăn những thực phẩm giàu chất sắt như: hàu, thịt bò, cá và thịt gà…Ăn những thực phẩm này kèm với những thực phẩm giàu vitamin C như (chanh) để giúp hấp thu sắt tốt hơn. Tránh uống trà, caffeine gần bữa ăn (nên uống cách bữa ăn ít nhất 1 giờ), vì cà phê và trà làm giảm đáng kể khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể.