Não kiểm soát trí nhớ và sự nhận thức, các giác quan (nghe, nhìn, ngửi, nếm, xúc giác) và xúc cảm. Não còn kiểm soát những phần khác của cơ thể, bao gồm các cơ bắp, các cơ quan và mạch máu. Do đó, tùy theo vị trí của khối u mà bệnh nhân có những biểu hiện lâm sàng khá phong phú. Triệu chứng đầu tiên mà người bệnh thường xuyên cảm thấy trong người là đau đầu và khó chịu. Đây là do sự tăng áp lực nội sọ, khi có bất kỳ một khối u não nào dù to hay nhỏ, nó sẽ chiếm một khoảng không gian nhất định, đều làm tăng áp lực trong hộp sọ và dẫn tới cơn đau đầu kịch liệt. Những triệu chứng này có thể có rồi hết và thường nặng hơn vào buổi sáng. Ho, hắt hơi và khom lưng có thể làm đau đầu nặng lên.
Do áp suất trong hộp sọ tăng làm cho trung khu hô hấp bị kích thích, nên dẫn tới triệu chứng nôn mửa. Triệu chứng này thường xuất hiện sau cơn đau đầu và thường bệnh nhân nôn dễ dàng, nôn vọt. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị giảm thị lực do áp lực não tăng, khiến cho việc dẫn máu về não gặp trở ngại, dẫn tới bị phù nề tắc nghẽn, làm tổn thương tế bào thị giác trên võng mạc thị đáy mắt, làm giảm thị lực. Nghiêm trọng hơn, võng mạc thị đáy mắt có dạng điểm, dạng tia và vầng, thậm chí dẫn tới xuất huyết dạng ngọn lửa, nhìn các vật chỉ lờ mờ, thậm chí bị lòa.
Bệnh nhân u não cũng đôi khi bị co giật (động kinh). Khi khối u lớn có thể gây ngủ gà hay lơ mơ. Kèm theo các triệu chứng trên thì người bệnh có thể có những triệu chứng khác như: bất thường về thăng bằng, phối hợp động tác, khả năng nhìn, nghe, nói, giao tiếp hay nuốt; không ngửi được mùi; chóng mặt, đi đứng không vững; tê hay yếu trong một phần của cơ thể; lú lẫn; thay đổi nhân cách. Các triệu chứng liên quan đến thay đổi nội tiết tố, nếu có u tuyến yên. Những triệu chứng này có xu hướng phát triển tăng dần.
Điều trị thế nào?
Dựa trên cơ sở xem xét rất nhiều yếu tố bao gồm khối u nói riêng và tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân mà các bác sĩ quyết định các biện pháp điều trị cho thích hợp.
Đối với bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật, với hầu hết các loại u não (trừ một số khối u nhỏ có thể điều trị xạ, hoặc vị trí không thể phẫu thuật) và có vai trò quan trọng trong chẩn đoán, điều trị và tiên lượng. Phẫu thuật cắt bỏ u lành tính có tính chất quyết định cho kết quả điều trị. Tuy vậy, việc phẫu thuật lấy hết u, khó có thể thực hiện được nếu khối u có ranh giới không rõ hoặc ở vị trí không thuận lợi (như ở thân não, ở vùng đáy não...), khi đó chỉ có thể lấy được một phần khối u hoặc chỉ sinh thiết để làm giải phẫu bệnh.
Phẫu thuật lấy hết u có tiên lượng tốt hơn, cắt bỏ được một phần u giúp cải thiện được các triệu chứng thần kinh, giảm áp lực nội sọ, đồng thời giúp cho chẩn đoán mô bệnh học để có kế hoạch điều trị xạ, hóa chất và tiên lượng.
Phẫu thuật mở sọ cắt bỏ khối u có thể có biến chứng, như tổn thương chức năng thần kinh vùng lân cận, nhiễm khuẩn, thậm chí tử vong khi phẫu thuật.
Đối với bệnh nhân được chỉ định xạ trị sẽ giúp tiêu diệt các tế bào u còn sót lại sau phẫu thuật. Hiện nay, thường áp dụng được đối với trẻ từ 4 tuổi trở lên. Liều xạ, vị trí xạ phụ thuộc vào bản chất mô bệnh học, vị trí và thể tích khối u còn lại sau phẫu thuật. Xạ phẫu bằng tia gamma (gamma knife) chỉ áp dụng được với u nhỏ (đường kính dưới 3cm) và ở vị trí thuận lợi.
Với điều trị hóa chất áp dụng đối với một số loại nhạy cảm với hóa chất, có thể điều trị sau phẫu thuật, trong và sau tia xạ, trước phẫu thuật (đối với khối u lớn, khó phẫu thuật...). Liều lượng, cách dùng hóa chất tùy theo phác đồ phù hợp với bản chất mô bệnh học và lứa tuổi.
BS. Trần Văn Học