Liệu cách chăm sóc da hiện tại có thực sự phù hợp với làn da và độ tuổi của mình hay không? Đâu là thời điểm thích hợp để thay đổi những thói quen cố hữu ấy? Những dấu hiệu dưới đây sẽ cho chúng ta một câu trả lời chính xác.
Khi thay đổi về tuổi tác
Ở tuổi 20 tuổi, về cơ bản, chúng ta chỉ cần các loại kem dưỡng ẩm, chống nắng thông thường hoặc các sản phẩm chống ôxy hóa nhằm thúc đẩy tái tạo tế bào là đủ để sở hữu một làn da đẹp.
Nhưng khi bước sang độ tuổi 30, da chính thức bị lão hóa, kém săn chắc và xuất hiện các dấu hiệu xỉn màu, thâm nám…Vì vậy, các thành phần axit alpha hydroxyl hoặc AHAs giúp da phục hồi lượng collagen có trong kem dưỡng sẽ là điều cần thiết cho da của bạn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Đẹp/Vietnam )
Bước qua tuổi 50, làn da của chúng ta sẽ có xu hướng ngưng hoặc chậm tái tạo các tế bào dẫn đến việc da lão hóa, chảy xệ hoàn toàn. Lúc này, các sản phẩm chứa vitamin A lại chính là nguồn dinh dưỡng vô cùng quan trọng trong công cuộc níu kéo tuổi xuân.
Khi các sản phẩm dưỡng không hiệu quả như lời quảng cáo
Cho dù bạn đang sử dụng một loại serum đắt tiền đi chăng nữa, nhưng nếu tình hình da không mấy cải thiện thì có lẽ, bạn cần phải thay đổi thói quen chăm sóc của mình. Rất có thể, việc da không được hấp thụ đầy đủ các loại dưỡng chất xuất phát từ việc bạn tẩy da chết chưa đúng cách hoặc không có thói quen tẩy da chết.
Hãy thử tẩy da chết đều đặn một tuần/lần để loại bỏ đi những lớp tế bào bong tróc và dư thừa, điều này sẽ giúp các bước dưỡng sau đó phát huy tác dụng một cách tối ưu.
Khi da bị mụn
Kể từ tuổi 20, nguyên nhân gây mụn chủ yếu xuất phát từ những thói quen chăm sóc da hàng ngày. Thay vì sử dụng các loại kem có hàm lượng dưỡng ẩm cao, bạn nên tìm mua các sản phẩm chăm sóc có kết cấu nhẹ, không chứa gốc dầu để bôi lên da.
Ngoài ra, sử dụng sữa rửa mặt hoặc bôi trực tiếp axit salicylic cũng là một giải pháp giúp lỗ chân lông được thông thoáng, ngăn ngừa và trị mụn.
Đặc biệt, bạn nên tránh xa các loại thức ăn, đồ uống nhiều dầu mỡ, có chứa chất kích thích và hạn chế thức quá khuya nếu không muốn da tiếp tục nổi mụn.
Khi da bị khô và bong tróc
Điều này xảy ra khi da bạn rơi vào tình trạng quá khô hay sản phẩm bạn đang sử dụng chưa cung cấp đủ độ ẩm cần thiết cho da. Giải pháp cho vấn đề này là hãy rửa sạch da nhẹ nhàng, tẩy da chết để loại bỏ những vùng da bong tróc và sử dụng nước hoa hồng không chứa cồn để làm cân bằng độ ẩm trên da.
Để tối ưu hóa việc dưỡng ẩm, bạn có thể sử dụng kem hoặc các tinh chất có thành phần axit hyaluronic và đắp mặt nạ một lần/tuần để da trở nên mịn màng hơn.
Khi da thay đổi một cách bất thường
Nếu bỗng nhiên bạn cảm thấy làn da của mình có dấu hiệu trở nên khô hoặc nhờn một cách bất thường thì đã đến lúc bạn cần xem lại chế độ chăm sóc da hàng ngày. Xuất phát từ các nguyên nhân như tuổi tác và nội tiết tố, làn da của bạn sẽ có những thay đổi đột ngột không lường trước.
Do đó, hãy chú ý đến những thay đổi dù là nhỏ trên da để có thể lựa chọn cho mình những sản phẩm chăm sóc phù hợp và nhanh chóng thay đổi những thói quen chăm sóc hàng ngày để có thể ứng phó với các dấu hiệu này.
Khi thay đổi môi trường sống
Việc di dời đến một nơi ở mới với điều kiện khí hậu mới sẽ mang lại không ít phiền toái cho làn da của bạn. Độ ẩm trong không khí quá cao hoặc thấp đều có thể gây nên sự mất cân bằng cho lớp hạ bì.
Chính vì thế, bạn cần phải điều chỉnh lại thói quen dưỡng da hàng ngày để da có thể thích nghi với với môi trường mới.
Đối với những vùng miền có khí hậu nóng ẩm, thay vì dùng kem dưỡng ẩm đậm đặc cho da thì bạn nên chú trọng đến khâu làm sạch, chống nắng và cấp nước để da luôn mát mẻ.
Ngược lại, ở những nơi có khí hậu khô, lạnh thì việc duy trì độ ẩm cho da và sử dụng các sản phẩm giàu dưỡng chất cũng là một cách để tăng cường sức đề kháng cho da, lúc này bạn không nên rửa mặt bằng sữa quá nhiều.
Khi da bị mẩn đỏ
Là khi bạn thấy xuất hiện những nốt đỏ tụ xung quanh má hoặc cằm. Lúc này, cách tốt nhất là nên thăm khám với bác sỹ da liễu để có liệu trình chăm sóc da phù hợp giúp phát hiện sớm các bệnh về da nếu có./.