Hà Nội

Những dấu hiệu chết người khi đi ngoài trời nắng

06-06-2015 09:15 | Y học 360
google news

Nếu đi dưới trời nắng nóng, bạn cảm thấy choáng váng, tê nửa người, buồn nôn, tim đập nhanh, điều này cho thấy bạn đang gặp nguy hiểm tính mạng.

Những cái chết thương tâm vì nắng nóng

Ngày 29/5, một phụ nữ tử vong tại vườn hoa Đường Thành (Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Nghi vấn có thể do nạn nhân ở ngoài nắng nóng quá lâu nên bị cảm nắng và tử vong.

Ngày 3/6, tại xã Nghi Thạch (Nghi Lộc, Nghệ An) hai người tử vong khi đi làm đồng là ông Nguyễn Văn Liệu (SN 1964) và bà Nguyễn Thị An (SN 1955). Cả hai người đột nhiên bị choáng và ngất xỉu… do bị say nắng (sốc nhiệt) và tử vong đột ngột.

Trước đó, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cũng điều trị cho bệnh nhân N.V.N (47 tuổi, ở Phú Yên) bị hôn mê do say nắng. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, khoảng hai tuần nay, ông N.V.N cùng một nhóm đi gặt lúa thuê tại Ninh Bình. Khoảng 15h ngày 30/5 lúc nắng gắt nhất, khi đang đứng đóng bao thóc ngoài đồng, bệnh nhân bỗng ngã lăn ra bất tỉnh trên ruộng lúa. Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình đã tiếp nhận cấp cứu và chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị tích cực. Theo các bác sĩ, bệnh nhân này gặp tình trạng say nắng (sốc nhiệt), có thể gây ra các biến chứng (đặc biệt là biến chứng não).

Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện 103) cũng đang điều trị cho một bệnh nhân 50 tuổi bị say nắng khi đang phơi thóc. Bệnh nhân đang hôn mê, suy đa tạng.

Những người thường xuyên lao động ngoài trời nắng cần có những trang phục chống nóng, uống đủ nước. Ảnh: Chí Cường

Những người thường xuyên lao động ngoài trời nắng cần có những trang phục chống nóng, uống đủ nước. Ảnh: Chí Cường.

Biểu hiện của say nắng

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), say nắng thường gặp khi phải lao động hoặc đi bộ lâu ngoài nắng, nhất là buổi trưa khi trời nắng gay gắt, có nhiều tia tử ngoại. Thời điểm dễ bị say nắng là vào buổi giữa trưa. Người dễ bị say nắng là người già, trẻ nhỏ và những người lao động trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, người có bệnh lý mạn tính.

Biểu hiện đầu tiên là nhức đầu nặng, tăng nhiệt độ cơ thể, nôn và buồn nôn, chóng mặt và ngất xỉu, tăng nhịp tim, cơ bắp căng, da ửng đỏ, mũi chảy máu… Nếu không giải nóng kịp thời sẽ có biểu hiện nặng hơn như hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh yếu khó bắt, ngất xỉu. Say nắng có thể gây biến chứng não nguy hiểm, liệt, méo miệng, nói ngọng, mất khả năng học và nhớ…

Theo BS Duy Anh (Phòng khám Bệnh viện E Hà Nội), những người phải phơi mình ngoài nắng lâu nếu thấy hoa mắt, chóng mặt, khó chịu… là biểu hiện nhẹ của say nắng, cần tìm ngay chỗ râm mát để trú hoặc uống nước, vẩy nước mát lên người… rồi nhanh chóng về nhà hoặc tìm nơi nghỉ ngơi để giải nóng – cũng là cách sơ cứu say nắng nhẹ.

Nếu không bù nước, giải nóng ngay mà tiếp tục ở ngoài trời thì nguy cơ sốc nhiệt nặng hơn rất dễ xảy ra, đặc biệt nguy hiểm với những người không có dự phòng say nắng…

Khi thấy một người bị say nắng, cần sơ cứu như sau:

- Đưa gấp bệnh nhân vào bóng mát, cởi bỏ bớt quần áo, làm mát (ngâm nước, phun nước, tắm…). Lưu ý dùng nước mát, không dùng nước lạnh và nhanh chóng đưa ngay vào viện.

- Để hạ nhiệt, nên áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ cho bệnh nhân say nắng (theo sơ đồ kèm theo)

- Nếu nạn nhân tỉnh lại, cho uống từng ngụm nước (trẻ em không cho uống nước ở tư thế nằm hoặc khi còn lơ mơ, chưa tỉnh hẳn).

Cẩn trọng khi đột nhiên đau đầu, tê nửa người

Đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào, nếu nạn nhân được cấp cứu sớm trong 10-15 phút thì khả năng sống tăng thêm 30%. Do đó, những ngày nắng nóng, nếu đột nhiên cảm thấy hơi đau đầu, choáng váng, tê nửa người... có thể là triệu chứng báo trước khả năng đột quỵ.

Cũng giống như say nắng, khi sơ cứu đột quỵ cần cởi bớt quần áo, phun nước lạnh vào người bệnh nhân. Đồng thời, gọi cứu thương, hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý tình trạng sốc nhiệt. Đây là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, gây mất nước, tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt, với các biến chứng liên quan tới hệ thống thần kinh trung ương xuất hiện sau tiếp xúc với nhiệt độ cao. Sốc nhiệt còn là phản ứng tiêu cực của cơ thể khi nhiệt độ thay đổi đột ngột. Đi ngoài đường giữa trời nắng nóng 40 độ C mà vào ngay nơi có nhiệt độ thấp (từ 17-21 độ C), sự chênh lệch sẽ làm nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột, nhẹ sẽ mệt mỏi, lờ đờ, nói lắp, đau đầu, chóng mặt, nặng thì nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần, khó thở… có thể hôn mê.

Sốc nhiệt rất dễ ảnh hưởng tới người cao tuổi, người lười uống nước, người có bệnh mạn tính, uống quá nhiều bia rượu.

Triệu chứng đặc trưng của sốc nhiệt là nhiệt độ cơ thể cao hơn 40,5 độ C. Ngoài ra, còn các biểu hiện khác như: Ngất xỉu, đau nhói đầu, chóng mặt và choáng váng, không ra mồ hôi, da nóng đỏ khô. Hoặc yếu cơ, chuột rút, buồn nôn và nôn, nhịp tim/mạch nhanh, thở nhanh và thở nông, lú lẫn, co giật, hôn mê…

Người bị sốc nhiệt có thể nhạy cảm hơn với nhiệt độ cao sau nhiều tuần. Hãy tránh thời tiết nóng và tập luyện nặng cho tới khi bác sĩ khẳng định cơ thể đã an toàn mới quay lại các hoạt động bình thường.

 


Ý kiến của bạn