Những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm khi mang thai

29-11-2024 18:34 | Phòng mạch online

SKĐS - Ở mỗi giai đoạn thai kỳ, người mang thai sẽ có thể gặp những tai biến khác nhau. Dưới đây là những dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai mẹ bầu cần lưu ý.

Hỏi: Em mang thai lần đầu tiên, chồng công tác xa nhà, bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng đều ở xa nên em rất lo lắng. Mong bác sĩ tư vấn những dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai để em nhận biết và đề phòng. (Bùi Thu Trang - TP Yên Bái).

ThS. BSCKII Tạ Việt Cường - Phó Giám đốc Trung tâm Khám, điều trị sản phụ khoa và Chăm sóc sức khoẻ sinh sản Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết ở mỗi giai đoạn thai kỳ người mang thai sẽ có thể gặp những tai biến khác nhau.

Giai đoạn đầu tiên khi mang thai

Ở giai đoạn đầu tiên, người mang thai cần quan tâm về việc thai nhi đã vào tử cung hay chưa. Nếu trường hợp phôi thai phát triển ngoài tử cung là một vấn đề rất nguy hiểm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ khi không phát hiện kịp thời. Thai ngoài tử cung Thai ngoài tử cung có thể vỡ bất cứ lúc nào. Khi thai bị vỡ có thể sẽ chảy máu ồ ạt vào trong ổ bụng. Sản phụ có thể bị ngất hoặc tử vong nếu không kịp tới bệnh viện.

https://static.benhvienphusanhanoi.vn/w640/images/upload/11242024/441496757101612377440592996718407170172523555n.jpg

ThS. BSCKII Tạ Việt Cường đang phẫu thuật ca chửa ngoài tử cung

Giai đoạn thứ 2 khi mang thai

Vào tam cá nguyệt thứ 2, thai kỳ được đánh giá là giai đoạn ổn định nhất. Tuy nhiên, giai đoạn này, sản phụ cũng cần phải chú ý tới nguy cơ dọa sảy thai, ra máu bất thường, rau thai bám thấp.

Rau thai bám thấp có thể gây ra tình trạng ra máu âm đạo, máu có màu đỏ tươi, ra từng đợt ít hoặc nhiều, thậm chí bác sĩ còn nghi ngờ tới nhau tiền đạo gây sảy hoặc sinh non.

Giai đoạn cuối thai kỳ

3 tháng cuối của thai kỳ là quãng thời gian có nhiều tai biến dồn dập nhất. Trong đó, cần phải chú ý tới tiền sản giật và sản giật. Khi thai phụ lên cơn giật có thể ngạt thở tím tái, tử vong do cắn vào lưỡi, suy gan, suy thận, phù phổi cấp…

Sản giật và tiền sản giật có thể gặp ở người cao huyết áp mạn tính, rối loạn máu khó đông, tiểu đường, bệnh thận, bệnh tự miễn như lupus. Một số yếu tố di truyền do gia đình có người từng bị, chế độ dinh dưỡng kém…nếu 3 tháng cuối thai kỳ có dấu hiệu tăng cân bất thường, nhức đầu, phù chân thì sản phụ cần phải đến ngay các cơ sở y tế khám vì đây là những dấu hiệu bất thường.

Biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra ở một số sản phụ có nhau bám thấp, nhau tiền đạo gây sinh non, chảy máu ồ ạt, vỡ tử cung nguy hiểm tới tính mạng của sản phụ. Tai biến này thường gặp ở những sản phụ mổ lấy thai nhiều lần, có sẹo mổ cũ. Các trường hợp này khi thấy bụng đau cần phải tới cơ sở y tế ngay lập tức.

Vai trò của dinh dưỡng khi mang thai

Thông thường, trong một kỳ mang thai bà mẹ tăng 10-12kg bao gồm bào thai, rau thai, nước ối, máu, dịch mô, tử cung, vú. Nếu người mẹ tăng cân ít trong thai kỳ dễ có nguy cơ đẻ con nhẹ cân, thiếu vi chất (thiếu sắt, thiếu máu, can xi...). Nếu mẹ tăng cân quá nhiều trong thai kỳ sẽ sinh khó, nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ.

Dinh dưỡng đủ trong thời gian mang thai giúp bà mẹ khỏe mạnh, thai phát triển tốt là yếu tố quan trọng để bà mẹ vượt qua cuộc đẻ một cách thuận lợi. Thiếu dinh dưỡng ở mẹ trong thời gian mang thai không những gây hậu quả thiếu các chất dinh dưỡng cho mẹ và phát triển thai và là điều kiện thuận lợi cho nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ sẩy thai, thai lưu, khó sinh, sinh non/nhẹ cân, và một số tai biến khác.

Ngoài ra, dinh dưỡng đủ trong thai kỳ còn làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh cho mẹ như:

  • Dinh dưỡng đủ sẽ giảm nguy cơ thiếu folate (vitamin B9), là một thành phần tham gia vào quá trình tạo máu. Thiếu folate thường gây bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ, nguy cơ sẩy thai cao, sinh non, sinh con nhẹ cân.
  • Dinh dưỡng không đầy đủ trong thai kỳ sẽ làm suy giảm miễn dịch của cả mẹ và thai nhi. Thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là kẽm sẽ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, tế bào T, tế bào B và đại thực bào làm giảm sản xuất globulin miễn dịch, IgA, IgM và IgG.. 
  • Chế độ ăn nghèo dinh dưỡng hoặc không cân đối trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến một số bệnh lý như thiếu máu do thiếu sắt, thiếu kẽm, tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ.
5 cách giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước khi mang thai5 cách giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước khi mang thai

SKĐS - Lượng nước của mẹ bầu cần tăng lên để hỗ trợ quá trình mang thai và thai nhi. Không uống đủ nước trong khi mang thai có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.

Phương Thanh
Ý kiến của bạn