Cùng với đó, bên cạnh việc tổ chức các buổi chia sẻ thông tin với các phóng viên báo/đài về tình hình dịch bệnh và những ca bệnh điển hình đã được điều trị thành công tại BV, Phòng Công tác xã hội cũng đã tổ chức triển khai in ấn hàng ngàn tờ rơi, áp phích truyền thông để phát cho người bệnh và người nhà nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về những vấn đề có liên quan đến kỹ năng phòng, tránh, điều trị theo dõi sốt xuất huyết tại nhà hay khuyến cáo người bệnh đến bệnh viện trong những trường hợp có nguy cơ cảnh báo biến chứng.
Tại Phòng khám Chuyên khoa truyền nhiễm tại khoa Khám bệnh mỗi ngày tiếp nhận khám 100-120 BN. Khoảng 20% bệnh nhân SXHD có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện.
Riêng trong tháng 7, Khoa Truyền nhiễm đã điều trị 271 ca, mỗi ngày có khoảng 60 bệnh nhân SXHD nội trú. 20 BN SXHD ở phụ nữ có thai: 3 trường hợp cuối thai kỳ (tuần 37, 39) đẻ thường “mẹ tròn-con vuông”. 10 bệnh nhân phải truyền khối tiểu cầu. Hiện chưa ghi nhận bệnh nhân sốc Dengue, không có bệnh nhân nào tử vong.
Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, dịch SXH diễn biến phức tạp, lan rộng địa bàn HN. Nhiều thể bệnh đặc biệt: bệnh nhân bệnh mạn tính, chuyển từ khoa khác: rối loạn đông máu, suy thận, gan, suy tim, phụ nữ có thai,… Nhiều bệnh nhân nặng: giảm tiểu cầu, xuất huyết. Số ca mắc và nhập viện không ngừng tăng…
Nhận biết các giai đoạn của SXH để có hướng điều trị phù hợp cho người bệnh tránh những biến chứng đáng tiếc.
1. Giai đoạn sốt
Lâm sàng: BN sốt cao đột ngột, liên tục kéo dài từ 2-7 ngày. Nghiệm pháp dây thắt dương tính. Chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Da xung huyết, phát ban. Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Có thể nổi hạch.
Cận lâm sàng: Hematocrit bình thường. Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc hơi giảm. Số lượng bạch cầu thường giảm.
TS.BS Đỗ Duy Cường khám cho bệnh nhân SXH tại BV Bạch Mai.
2. Các dấu hiệu cảnh báo:
Lâm sàng: BN đau bụng hoặc tăng cảm giác đau. Nôn liên tục. Ứ dịch trên lâm sàng. Xuất huyết niêm mạc. Ý thức u ám, kích thích. Gan to > 2 cm.
Xét nghiệm: Tăng hematocrit cùng với giảm nhanh số lượng tiểu cầu.
3. Giai đoạn nguy hiểm
Giai đoạn nguy hiểm thường rơi vào ngày thứ 4-6. Nhiệt độ bắt đầu giảm xuống còn 37.5 – 38 độ C, có khi còn 36 độ C. Tăng tính thấm thành mạch xuất hiện đồng thời với tăng Hematocrit. Thời gian thoát huyết tương có ý nghĩa lâm sàng thường kéo dài 24–48 giờ. Sau khi bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu bắt đầu giảm thấp và thường xảy ra trước khi thoát huyết tương
Tình trạng thoát dịch có thể phát hiện bằng siêu âm. Mức độ tăng Hct so với giá trị nền tỷ lệ với mức độ thoát huyết tương.
Những bệnh nhân sau khi hết sốt, không có biến chứng: Dengue không nặng
Có những bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo: tiên lượng Dengue nặng. Trường hợp Dengue có dấu hiệu cảnh báo sẽ phục hồi nếu bù dịch đường tĩnh mạch sớm và đúng, và được xử trí xuất huyết tốt. Một số ca sẽ nặng lên và tiến triển thành Dengue nặng
Biểu hiện thoát huyết tương: Tràn dịch màng phổi. Tràn dịch mạng bụng. Nề mi mắt và da căng. Hct tăng. Albumin máu giảm. Biểu hiện sốc
Biểu hiện sốc: Mạch nhanh, nhỏ, khó bắt. Huyết áp hạ ( HATT < 90 mmHg hoặc giảm 30 mmHg so với HA nền ), hoặc kẹt ( HATT – HATTr ≤ 20 mmHg. Lạnh chi, nổi vân tím. Thiểu niệu: lượng nước tiểu < 20 ml/h.
Biểu hiện xuất huyết:
Xuất huyết trên da: Xuất huyết dạng đầu đinh ghim trên nền da xung huyết. Bầm tím nơi tiêm, lấy máu.
Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu cam. Chảy máu chân răng. Rối loạn kinh nguyệt
Xuất huyết nội tạng: Xuất huyết đường tiêu hoá. Xuất huyết não. Chảy máu phổi. Chảy máu trong cơ
Các biểu hiện lâm sàng khác: Rối loạn chức năng gan. Rối loạn tri giác. Suy hô hấp. Rối loạn nhịp tim…
4. Giai đoạn hồi phục
Phần lớn bệnh nhân hết sốt và không có biến chứng nặng và sẽ khỏi bệnh trong vòng vài ngày.
Những trường hợp có thoát huyết tương thì trong giai đoạn này sẽ tái hấp thu lại lòng mạch gây quá tải thể tích thì không được truyền dịch trong giai đoạn này.