Những dấu hiệu cảnh báo lá gan đang 'kêu cứu'

11-07-2022 18:47 | Y học 360
google news

SKĐS - Biểu hiện gan tổn thương rất thầm lặng như mệt mỏi, chóng mặt, ăn uống không ngon, hoặc sụt cân, phù chân, vàng da vàng mắt...

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cho hay bệnh gan là kẻ giết người thầm lặng, bởi nó không có triệu chứng rõ ràng. 

Đây là cơ quan có thể hoạt động bù trừ, những hư hại của lá gan dưới 25% có thể tự hồi phục. Nhưng nếu không lưu ý và để gan hư hại quá nhiều, khi đã tổn thương trên 50% mới có biểu hiện.

Đôi khi những biểu hiện này rất thầm lặng, như mệt mỏi, hay choáng váng, chóng mặt, ăn uống không ngon, hoặc sụt cân, phù chân, vàng da vàng mắt, có chấm xuất huyết trên da, dễ chảy máu răng, chảy máu cam… là những triệu chứng của bệnh lý gan.

Như vậy, bệnh gan không triệu chứng, hoặc triệu chứng đa dạng, bởi gan là cơ quan đảm bảo hàng trăm hoạt động chức năng trong cơ thể, chính vì vậy, một khi nó đã tổn thương thì các cơ quan trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng.

Các dấu hiệu gợi ý gan có vấn đề

Theo tư vấn của các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM), có 7 dấu hiệu chứng tỏ gan đang có vấn đề, cần đi khám ngay.

- Hơi thở "có mùi": Nếu gan của bạn không hoạt động tốt, có tổn thương gan thì sẽ dẫn tới hiện tượng miệng thường có mùi. Tình trạng này là do cơ thể sản sinh quá nhiều ammonia.

- Quầng thâm quanh mắt và mỏi mắt bất thường: Khi chức năng gan bị tổn thương có thể dẫn tới những tổn thương da và mệt mỏi ở mắt.

- Các vấn đề nghiêm trọng về tiêu hóa: Có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa ở mức nhẹ song kéo dài đều đặn cũng có thể là chỉ báo cho thấy gan bị tổn thương.

- Thay đổi về màu da: Vàng da, củng mạc mắt bị vàng cảnh báo bệnh về gan. Những thay đổi ở màu da có thể là do tổn thương gan. Những đốm trắng trên da cũng cảnh báo gan có vấn đề, bởi thường dấu hiệu này xuất hiện khi chức năng gan hoạt động không tốt.

Những dấu hiệu cảnh báo lá gan đang kêu cứu - Ảnh 2.

Những thay đổi ở màu da có thể là do tổn thương gan.

- Phân và nước tiểu màu nâu sậm: Thường cảnh báo cơ thể thiếu nước, ngoài ra đây cũng là 1 trong những dấu hiệu cảnh báo gan có vấn đề.

- Mắt và móng tay bị vàng: Khi màu trắng của mắt và của móng tay ngả sang màu vàng thì bạn nên đi khám bác sỹ ngay để tầm soát sớm các bệnh lý về gan mật.

- Trướng bụng: dấu hiệu cảnh báo bệnh về gan nguy hiểm cần điều trị sớm. Gan bị to lên do nhiễm trùng hoặc tổn thương gan. Gan to không được điều trị cũng khiến dạ dày của bạn  sẽ phình lên, triệu chứng bên ngoài có thể quan sát là phình trướng bụng bất thường.

Bao lâu nên khám gan một lần?  

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng cho hay, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ có ý nghĩa trong việc khảo sát toàn bộ những hoạt động cơ thể, chức năng cơ thể, đặc biệt là chức năng gan. 

Thường trong gói kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ có kiểm tra men gan, test rối loạn mỡ máu, một số nơi còn có xét nghiệm viêm gan siêu vi B, C, thử đường… Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đặc biệt cần thiết ở những người có yếu tố nguy cơ bị bệnh gan.

Những ai có nguy cơ bị bệnh gan?

Thứ nhất, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh sẽ có những yếu tố nguy cơ. Ví dụ những người thường xuyên uống rượu bia là đối tượng cần tầm soát định kỳ sớm hơn, thường là 3-6 tháng hay khi có triệu chứng bất thường trong cơ thể.

Thứ hai, những người bị viêm gan virus mạn tính, viêm gan B, C phải thường xuyên kiểm tra định kỳ và được bác sĩ gan mật tư vấn để đảm bảo hạn chế những tổn thương diễn tiến của bệnh gan.

Thứ ba, những người mắc hội chứng chuyển hóa, bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu hay béo phì có nguy cơ gan nhiễm mỡ không do rượu rất cao, phải được tầm soát thường xuyên.

Thứ tư, những người phải sử dụng các loại thuốc. Một số loại thuốc bắt buộc phải sử dụng do mắc bệnh như huyết áp, đái tháo đường… cần phải được kiểm tra chức năng gan thường xuyên. Điều lưu ý là những người sử dụng thuốc không vì mục đích gì cũng nên kiểm tra.

Người bị bệnh gan nên ăn hay nên kiêng món gan?Người bị bệnh gan nên ăn hay nên kiêng món gan?

SKĐS - Nhiều người vẫn quan niệm “ăn gì bổ nấy”. Vậy, người có sức khỏe bình thường và người bệnh gan nên ăn gan như thế nào, người bị bệnh gan ăn gan có tốt không?


T.Nguyên
Ý kiến của bạn