Tuy dấu vân tay chắc chắn là điểm đặc biệt không ai giống ai, song nó không phải là thứ duy nhất đặc trưng cho mỗi người.
Vân tay
Vân tay đã được dùng làm chữ ký cá nhân từ hàng ngàn năm trước, từ 300 trước Công nguyên ở Trung Quốc, nơi thư từ sẽ được gắn bằng xi và in dấu tay của người gửi lên đó. Vào cuối năm 1800, một thầy thuốc truyền đạo ở Nhật tên là Henry Faulds lần đầu tiên xuất bản nghiên cứu trên một tạp chí về tính duy nhất và khả năng nhận dạng cá nhân từ những dấu vân tay này.

Mống mắt của mỗi người là độc nhất vô nhị.
Francis Galton, một người nổi tiếng với rất nhiều phát kiến khoa học đã tính ra rằng xác suất hai người có dấu tay giống hệt nhau là khoảng 1/64 tỷ - có nghĩa dấu tay của bạn sẽ không giống với bất kỳ ai trong số 7,2 tỷ người trên trái đất hiện nay. Tuy vẫn còn những tranh cãi về sự chính xác của điều này (rõ ràng là không phải ai cũng được lấy dấu vân tay) cũng như việc các nhà khoa học pháp y có thể xác định một người chính xác đến mức độ nào bằng dấu vân tay, song nói chung người ta nhất trí rằng có dấu vân tay thì chính xác hơn là không có.
Nhưng còn các phần khác của cơ thể? Phần lớn chúng ta thích tin rằng chúng ta “là một, là riêng, là thứ nhất” và dưới đây là 4 thứ khiến bạn không thể lẫn với ai khác trong 7,2 tỷ người trên thế giới.
Tai
Tai mỗi người đều có những đường cong và đường vân đặc biệt, rõ nhất là ở vành tai. Không như vân tay, có thể bị sẹo hoặc bị mòn, kiểu “vân tai” của chúng ta luôn không thay đổi khi ta già đi.
“Khi bạn sinh ra, tai bạn đã hình thành đầy đủ. Dái tai sẽ hơi chảy xuống chút ít nhưng nói chung sẽ vẫn giữ nguyên”, Mark Nixon, tác giả một nghiên cứu của Trường đại học Southampton cho biết. Nhóm của Nixon đã phát triển một thuật toán gọi là “chuyển dạng tia ảnh” có thể nhận dạng một người trong số 252 người khác với độ chính xác 99,6%. Phần mềm phân tích ánh sáng phản xạ từ các nếp uốn của tai người hàng nghìn lần và từ đó tạo ra hình ảnh rõ ràng của tai.
Trong khi phần mềm có những hạn chế như khả năng chiếu sáng không đủ hoặc người đó mang trang sức có thể làm thay đổi hình dạng của tai, song các nhà nghiên cứu nhất trí rằng có thể dùng tai để bổ sung cho dấu vân tay khi nhận dạng một người. Như vậy, bạn sẽ tìm thấy nhiều điểm đặc trưng có thể áp dụng trong pháp y.
Mống mắt
Cùng với máy quét vân tay và võng mạc, máy quét mống mắt đã trở thành một công cụ hữu ích khác để bảo vệ thông tin và những khu vực tối mật. Mống mắt là cơ trong mắt điều chỉnh kích thước của đồng tử và tạo ra màu mắt nhờ lượng melatonin trong đó. (Đừng nhầm với võng mạc - là lớp mô nhạy sáng nằm ở đáy mắt.)
Theo trang web của Cục Điều tra liên bang Mỹ, việc quét mống mắt sở dĩ hữu dụng là vì trong khi màu sắc và cấu trúc của mống mắt có liên quan đến di truyền thì các chi tiết của kiểu mống mắt lại không phụ thuộc gì vào gen. Mống mắt phát triển trong tử cung từ những màng mô gấp nếp rất chặt và sau đó ngay trước khi chào đời, màng này thoái hóa để lộ đồng tử. Khi điều này xảy ra, kiểu cấu trúc “độc nhất vô nhị” của mống mắt được hình thành.
Lưỡi
Tuy răng và dấu cắn của một người đã được phân tích trong các phiên tòa từ những năm 1970, song phần đặc biệt nhất của miệng lại chính là lưỡi.
Một báo cáo trên tạp chí Advances in Biometrics đã gợi ý rằng, lưỡi có thể là công cụ hữu ích để nhận dạng, vì nó “đặc trưng cho từng người về hình dạng và kết cấu bề mặt”. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, lưỡi là “cơ quan nội tạng duy nhất khá bình thường và dễ dàng bộc lộ ra ngoài để kiểm tra” và hình dạng của nó thường không thay đổi - “kết cấu sinh lý của lưỡi luôn giữ nguyên cho dù lớp phủ của lưỡi thay đổi”.
Tuy chưa chứng minh được rằng không thể có hai người có lưỡi giống nhau, song nhiều nhà nghiên cứu khác cho rằng những đặc điểm này cùng với việc không thể giả mạo được dấu lưỡi khiến bộ phận này trở thành một lựa chọn khả thi về mặt nhận dạng. Tuy nhiên, điều này còn cần được chứng minh trong những nghiên cứu sâu hơn.
Dáng đi
Tất cả mọi người đều bước đi theo cách riêng của mình và điều này không chỉ là việc chân họ chuyển động như thế nào, mà còn là cách họ cử động cả cơ thể. Khái niệm này được gọi là dáng đi của một người và các nhà nghiên cứu đã phân tích và tìm ra khoảng 24 thành tố trong dáng đi có thể nhận dạng chính xác một người.
Sự pha trộn này khiến cho dáng đi của mỗi người trở thành độc nhất vô nhị. Nhiều nghiên cứu đã sử dụng những phương pháp khác nhau để phân tích cách đi lại của mọi người. Ví dụ, một nghiên cứu đã xây dựng nên một kỹ thuật gọi là “hình ảnh sinh khí dáng đi”, tạo ra ảnh bóng đổ theo dáng đi đặc trưng trên máy tính. Các nhà nghiên cứu đã thêm vào những đặc tính cho phép máy tính chọn ra những bóng mờ trên quần áo của đối tượng và kết hợp với cảm biến trò chơi Kinect của hãng Microsoft, có thể đo chiều sâu, hệ thống nhận diện được các đối tượng với độ chính xác 80%.
Nhiều chương trình khác cũng đang được nghiên cứu để phân tích dáng đi. Tuy phần lớn số chúng chưa đạt độ chính xác như chương trình dùng trong nghiên cứu này, song kết quả vẫn tỏ ra rất có triển vọng.
(Theo Medical Daily)
Cẩm Tú